Theo số liệu thống kê, tỉnh An Giang có khoảng 90.000 người khuyết tật, chiếm 4,7% dân số, trong đó 42.228 người khuyết tật nặng và đặc biệt nặng đang hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng theo quy định của Nghị định 136/2013/NĐ-CP; trên 3.583 người khuyết tật đang hưởng chính sách ưu đãi người có công với cách mạng; trên 9.060 người khuyết tật là người cao tuổi đang hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng; trên 35.129 người khuyết tật ở mức độ nhẹ. Thời gian qua, công tác trợ giúp người khuyết tật được tỉnh triển khai thực hiện đạt kết quả tốt, nhiều hoạt động thiết thực chăm lo đời sống vật chất, tinh thần của người khuyết tật được tổ chức thường xuyên, từng bước tạo điều kiện cho người khuyết tật tham gia bình đẳng vào các hoạt động của xã hội, xây dựng môi trường xã hội ngày càng chăm lo tốt hơn cho người khuyết tật.
Lãnh đạo Sở tặng quà (tiền và nhu yếu phẩm) cho người khuyết tật tại huyện Tân Phú.
Thực hiện Quyết định số 1190/QĐ-TTg ngày 5/8/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình trợ giúp người khuyết tật giai đoạn 2021-2030, tỉnh An Giang đã xây dựng Kế hoạch thực hiện Chương trình trợ giúp người khuyết tật giai đoạn 2021 - 2030, với mục tiêu chung là: Quán triệt, cụ thể hóa mục tiêu, nội dung Quyết định số 1190/QĐ-TTg vào việc thực hiện các hoạt động trợ giúp người khuyết tật trên địa bàn tỉnh phù hợp với sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Tăng cường các hoạt động tuyên truyền nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ngành, tổ chức đoàn thể và các tầng lớp nhân dân trợ giúp người khuyết tật. Hỗ trợ người khuyết tật phát huy khả năng của mình để đáp ứng nhu cầu bản thân, từng bước tạo điều kiện thuận lợi cho họ tham gia bình đẳng vào các hoạt động xã hội trên tất cả các lĩnh vực. Phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên; các tổ chức của người khuyết tật trong việc thực hiện kế hoạch này.
Mục tiêu cụ thể trong giai đoạn 2021-2025, tỉnh An Giang phấn đấu hằng năm có 80% người khuyết tật tiếp cận các dịch vụ y tế dưới các hình thức khác nhau; 70% trẻ em từ sơ sinh đến 6 tuổi được sàng lọc phát hiện sớm khuyết tật bẩm sinh, rối loạn phát triển và được can thiệp sớm các dạng khuyết tật; khoảng 80% trẻ em và người khuyết tật được phẫu thuật chỉnh hình, phục hồi chức năng và cung cấp dụng cụ trợ giúp phù hợp; 80% trẻ khuyết tật ở độ tuổi mầm non và phổ thông được tiếp cận giáo dục; 80% người khuyết tật trong độ tuổi lao động còn khả năng lao động được học nghề và tạo việc làm phù hợp; 90% người khuyết tật có nhu cầu và đủ điều kiện được vay vốn với lãi suất ưu đãi theo quy định; 80% công trình xây mới và 30% công trình cũ là trụ sở làm việc của cơ quan nhà nước, nhà ga, bến xe, bến tàu, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, công trình văn hóa, thể dục thể thao, nhà chung cư bảo đảm điều kiện tiếp cận đối với người khuyết tật...
Người khuyết tật được quan tâm, hỗ trợ cả về vật chất và tinh thần.
Trong giai đoạn 2026 - 2030, tỉnh An Giang phấn đấu hằng năm có 90% người khuyết tật tiếp cận các dịch vụ y tế dưới các hình thức khác nhau. 80% trẻ em từ sơ sinh đến 6 tuổi được sàng lọc phát hiện sớm khuyết tật bẩm sinh, rối loạn phát triển và được can thiệp sớm các dạng khuyết tật. Khoảng 85% trẻ em và người khuyết tật được phẫu thuật chỉnh hình, phục hồi chức năng và cung cấp dụng cụ trợ giúp phù hợp. 90% trẻ khuyết tật ở độ tuổi mầm non và phổ thông được tiếp cận giáo dục. 85% người khuyết tật trong độ tuổi lao động còn khả năng lao động được học nghề và tạo việc làm phù hợp. 100% người khuyết tật có nhu cầu và đủ điều kiện được vay vốn với lãi suất ưu đãi theo quy định. 100% công trình xây mới và 50% công trình cũ là trụ sở làm việc của cơ quan nhà nước, nhà ga, bến xe, bến tàu, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. cơ sở giáo dục, dạy nghề, công trình văn hóa, thể dục thể thao... bảo đảm điều kiện tiếp cận đối với người khuyết tật. 50% người khuyết tật có nhu cầu tham gia giao thông được sử dụng phương tiện giao thông đảm bảo quy chuẩn kỹ thuật về giao thông tiếp cận hoặc dịch vụ trợ giúp tương đương...
Để thực hiện Kế hoạch, tỉnh tập trung thực hiện các nhiệm vụ: Triển khai Luật Người khuyết tật và các văn bản quy phạm pháp luật trợ giúp NKT trong các lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, giáo dục, giáo dục nghề nghiệp, tạo việc làm, văn hóa, thể dục, thể thao, tiếp cận công trình công cộng, giao thông, trợ giúp pháp lý và công nghệ thông tin và truyền thông. Đẩy mạnh xã hội hóa công tác trợ giúp NKT, huy động các tổ chức, cá nhân và cộng đồng tham gia trợ giúp NKT. Lồng ghép các chỉ tiêu liên quan đến NKT trong hệ thống cơ sở dữ liệu của các ngành. Đề cao vai trò, trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các cấp và trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, tổ chức trong việc trợ giúp NKT. Tăng cường hợp tác quốc tế nhằm tranh thủ sự hỗ trợ kỹ thuật, kinh nghiệm và nguồn lực để trợ giúp cho NKT.
Trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, tỉnh An Giang đã phân công nhiệm vụ cho các sở, ngành, địa phương. Với vai trò là cơ quan thường trực, chủ trì, Sở LĐ-TB&XH có nhiệm vụ phối hợp với các sở, ban, ngành có liên quan, UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức triển khai, thực hiện Kế hoạch. Tổ chức rà soát thực trạng người khuyết tật làm căn cứ tham mưu đề xuất với UBND tỉnh xây dựng, bổ sung hoàn thiện các chính sách trợ giúp người khuyết tật. Đề xuất với Bộ LĐ-TB&XH sửa đổi, bổ sung chính sách cho người khuyết tật. Chủ động lồng ghép kinh phí các chương trình, các đề án có liên quan trên địa bàn để đảm bảo thực hiện các mục tiêu, nội dung các hoạt động trong Kế hoạch theo từng giai đoạn. Tổ chức thực hiện việc dạy nghề, tạo việc làm và nâng cao nhận thức, năng lực chăm sóc, hỗ trợ người khuyết tật. Kiểm tra, giám sát, tổng hợp báo cáo đánh giá kết quả triển khai thực hiện Kế hoạch định kỳ hàng năm và giai đoạn về Bộ LĐ-TB&XH và Ủy ban nhân dân tỉnh theo quy định.