Đến nay, việc triển khai chế độ, chính sách ưu đãi đối với thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, người có công ở An Giang chú trọng thực hiện nghiêm túc và đầy đủ. Trong quá trình xác nhận và giải quyết quyền lợi về chính sách, ngành Lao động – Thương binh và Xã hội An Giang luôn đảm bảo tính khách quan, chính xác, đúng người, đúng chế độ, đúng quy định của Nhà nước...
Hiện nay, An Giang quản lý và thực hiện chính sách ưu đãi với hơn 40.000 người có công với cách mạng. Trong đó có 142 lão thành cách mạng, 89 cán bộ Tiền khởi nghĩa; 9.491 liệt sĩ; 760 mẹ Việt Nam Anh hùng (hiện có 15 mẹ còn sống); 43 Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân; 6.075 thương, bệnh binh; trên 5.500 người hoạt động kháng chiến, 18.700 người có công giúp đỡ cách mạng, 750 người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học... Tỉnh có khoảng 1.200 người trực tiếp tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước được hưởng trợ cấp một lần theo Quyết định số 290/2005/QĐ-TTg và Quyết định số 188/2007/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân tặng nhà tình nghĩa cho người có công huyện An Phú (tỉnh An Giang) dịp 75 năm ngày Thương binh – Liệt sĩ
Ông Châu Văn Ly, Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội An Giang, cho biết: Để thực hiện tốt Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh An Giang thường xuyên chú trọng lãnh đạo, chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể và địa phương tổ chức thực hiện tốt Quyết định số 773/QĐ-TTg ngày 26/6/2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Kế hoạch tổ chức thực hiện Chỉ thị số 14-CT/TW ngày 19/7/2017 của ban Bí thư Trung ương Đảng khóa XII về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác người có công với cách mạng. Thực hiện đúng, đầy đủ, kịp thời các chế độ ưu đãi đối với người có công với cách mạng và thân nhân của họ, đồng thời tập trung xác nhận và giải quyết các chế độ ưu đãi đối với người có công với cách mạng…
Chỉ tính trong 5 năm trở lại đây (2017 – 2022), tỉnh An Giang đã thẩm định hồ sơ và giải quyết chế độ ưu đãi theo quy định cho khoảng 5.000 trường hợp người có công, thân nhân người có công; trong đó có 97 trường hợp được Chủ tịch nước ký Quyết định phong tặng, truy tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước bà Mẹ Việt Nam anh hùng. Hiện nay, An Giang không còn hồ sơ nào theo diện tồn đọng của Quyết định số 408/QĐ-LĐTBXH, góp phần đảm bảo các quyền lợi cho đối tượng chính sách theo đúng chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Ngoài ra, ngành Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh An Giang còn thực hiện chế độ theo quy định trên 2.900 trường hợp thuộc các nhóm “Cựu chiến binh” với tổng kinh phí chi trả gần 45 tỷ đồng.
Riêng trong 10 tháng năm 2022, toàn tỉnh An Giang đã thực hiện chi trả trợ cấp ưu đãi hàng tháng và các chế độ liên quan cho gần 7.000 người có công và thân nhân theo quy định. Giải quyết trợ cấp hàng tháng đối với 08 trường hợp người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học; trợ cấp tuất đối với thân nhân của 15 thương bệnh binh từ trần và 01 thân nhân người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học.
Cũng trong 10 tháng năm 2022, An Giang đã ban hành Quyết định trợ cấp một lần đối với 04 đối tượng tham gia chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, làm nhiệm vụ quốc tế ở Campuchia theo Quyết định số 62/2011/QĐ-TTg và kinh phí chi trả trợ cấp một lần đối với người tham gia kháng chiến được tặng thưởng Bằng khen theo Quyết định số 24/2016/QĐ-TTg ngày 14/6/2016 của Thủ tướng Chính phủ. Trong đó, thực hiện phân bổ kinh phí trợ cấp một lần theo Quyết định số 24/2016/QĐ-TTg đối với 73 trường hợp đủ điều kiện hưởng với số tiền 124.025.000 đồng.
Bên cạnh đó, tỉnh còn giải quyết trợ cấp một lần đối với 08 trường hợp được Chủ tịch nước ký quyết định truy tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng; 02 người có công giúp đỡ cách mạng; 01 người theo Quyết định số 142/2008/QĐ-TTg; 73 trường hợp trợ cấp thờ cúng liệt sĩ…
Cùng với việc thực hiện nghiêm túc các chế độ, chính sách ưu đãi, công tác thăm hỏi, động viên, tặng quà thương, bệnh binh, gia đình liệt sỹ, người có công cũng được tỉnh An Giang quan tâm thực hiện chu đáo, nhất là vào các dịp lễ, tết. Trong dịp Tết Nguyên đán và kỷ niệm ngày Thương binh - Liệt sỹ hàng năm, UBND tỉnh cùng các địa phương tổ chức họp mặt, thăm, tặng quà trên 70.000 lượt đối tượng và gia đình người có công, với kinh phí khoảng 50 tỷ đồng/năm.
Riêng kỷ niệm 75 năm ngày Thương binh - Liệt (27/7/1947 – 27/7/2022), toàn tỉnh đã chuyển quà và tặng quà cho gần 28.000 người, tổng kinh phí trên 14,316 tỷ đồng, bao gồm: quà tặng của Chủ tịch nước (ngân sách Trung ương) 11.573 suất, số tiền 3.722,800 đồng; quà của tỉnh (ngân sách địa phương) 14.837 suất, kinh phí 7.745,800 đồng; quà của các huyện, thị xã, thành phố 3.063 suất, kinh phí 1,584 tỷ đồng; quà của các xã, phường, thị trấn 992 suất, số tiền 560 triệu đồng; quà tặng của các doanh nghiệp 679 suất, số tiền 615 triệu đồng. Ngoài ra, tỉnh còn phối hợp Quỹ Thiện tâm tổ chức tặng quà cho 14 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng và 79 thương binh, bệnh binh có tỷ lệ suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên, với tổng số tiền trên 1,2 tỷ đồng...
Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Châu Văn Ly, nhận xét: Song song với việc thực hiện kịp thời, đúng quy định các chế độ chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, các chương trình và phong trào tình nghĩa, nhất là phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” ở An Giang đã và đang được đẩy mạnh trong toàn dân, trở thành một hoạt động chính trị - xã hội mang tính xã hội hóa cao. Với những việc làm cụ thể và thiết thực như: xây dựng nhà tình nghĩa, phụng dưỡng mẹ Việt Nam anh hùng, chăm sóc, giúp đỡ thương, bệnh binh, bố mẹ liệt sĩ già yếu, cô đơn, con liệt sỹ mồ côi… đã kịp thời động viên, tạo điều kiện để gia đình chính sách người có công nâng cao đời sống vật chất và tinh thần, phấn đấu vươn ổn định cuộc sống.
Chí Tâm