Nhiều người quen gọi bà Đặng Thị Hảo (SN 1952), Chi hội trưởng Chi hội CTĐ khu 6 (phường Thanh Sơn, TP Uông Bí) là “Bà Hảo nhân đạo". Bà là nhịp cầu nối lan tỏa các hoạt động nhân đạo, từ thiện giúp đỡ những hoàn cảnh không may mắn, khó khăn trong cuộc sống, góp phần đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn.
Bà Đặng Thị Hảo (thứ 2 phải sang) cùng các hội viên Chi hội CTĐ khu 6 (phường Thanh Sơn, TP Uông Bí) đang chuẩn bị “Nồi cháo nhân đạo”.
Bà Hảo cho biết, các hoạt động của Chi hội CTĐ khu 6 rất phong phú về hình thức, hướng tới trợ giúp nhiều đối tượng có hoàn cảnh khó khăn và yếu thế trong xã hội. Tiêu biểu: Mô hình “Nồi cháo nhân đạo” hằng ngày tại Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí; chương trình "Tết vì người nghèo và nạn nhân chất độc da cam"; hoạt động "Đền ơn, đáp nghĩa"; hỗ trợ phòng, chống dịch Covid-19…
Từ tháng 3/2013, với mong muốn giúp đỡ những bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn tại Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí, bà Hảo và chị em trong Chi hội đã thực hiện mô hình “Nồi cháo nhân đạo”.
Bà Hảo chia sẻ: "Hồi đầu việc nấu cháo vất vả lắm, bởi các chị em không có kinh nghiệm nấu cháo bằng củi, nên có những buổi cháo bén nồi; những ngày mưa thì củi ướt khó nấu, có cả những lời rèm pha liệu có duy trì được lâu dài; nhưng vì bệnh nhân khó khăn, chúng tôi quyết tâm duy trì nồi cháo cho đến nay. Các hội viên học hỏi những người xung quanh, rút kinh nghiệm để việc nấu cháo và phát cháo ngày càng tốt hơn. Từ 1 nồi cháo phục vụ bệnh nhân vào thứ 5 hằng tuần với hơn 100 suất thì đến nay, chúng tôi đã thực hiện phát từ 500-700 suất cháo mỗi ngày, với 2 loại cháo đậu (đỗ đen, bí đỏ, hạt sen) và cháo thịt".
Với việc nấu trên 500 suất cháo/ngày bằng củi rất vất vả, thời gian nấu dài, hội viên tham gia nấu cháo cũng đã lớn tuổi; vì vậy năm 2019, bà Hảo đã vận động các tổ chức, cá nhân hảo tâm mua tặng nồi điện để nấu cháo ngon hơn, đảm bảo vệ sinh. Công đoạn nấu cháo nhanh hơn, số lượng người tham gia nấu và phát cháo giảm từ 20 còn 10 người. Cùng với đó, bà Hảo thay đổi việc phát cháo bằng cốc nhựa sang cặp lồng, bát ăn do bệnh nhân mang đến; giảm hơn 80 triệu đồng/năm chi phí mua cốc nhựa, túi nilon, nhân công đóng hộp; đặc biệt giảm đáng kể lượng rác thải nhựa ra môi trường, đảm bảo vệ sinh thực phẩm.
Để duy trì và phát triển “Nồi cháo nhân đạo”, suốt 10 năm qua bà Hảo đã dành rất nhiều thời gian, tâm huyết để vận động các nhà hảo tâm trong và ngoài địa phương tham gia hỗ trợ. Mô hình “Nồi cháo nhân đạo” đã nấu và phát trên 1,1 triệu suất cháo, tổng kinh phí trên 5,8 tỷ đồng.
Hơn 16 năm gắn bó với công tác thiện nguyện, bà Hảo cũng không nhớ hết mình đã giúp đỡ bao nhiêu hoàn cảnh khó khăn. Bà đã phát động phong trào "Nuôi lợn nhân đạo" và vận động nhà hảo tâm trợ cấp hằng tháng cho các địa chỉ nhân đạo hộ nghèo, người mắc bệnh hiểm nghèo, thương tật; tặng quà cho trẻ em, học sinh vượt khó, bệnh nhân khó khăn dịp lễ, Tết.
Chị Nguyễn Thị Hương sống cùng khu phố đã được bà Hảo vận động các nhà hảo tâm hỗ trợ 16,5 triệu đồng mổ tim (năm 2014) và 16 triệu đồng sửa chữa nhà ở (năm 2022).
Chị Hương chia sẻ: "Chúng tôi là vợ chồng trẻ từ nơi khác đến đây lập nghiệp. Tôi thường xuyên bệnh tật, nuôi 2 con nhỏ, mọi chi phí trong gia đình đều do chồng gánh vác. Biết hoàn cảnh khó khăn của gia đình tôi, bà Hảo đã nhiệt tình kêu gọi ủng hộ giúp đỡ, giúp chúng tôi vơi bớt khó khăn. Bà Hảo luôn hết lòng với công tác thiện nguyện".
Bà Đặng Thị Hảo thăm chị Nguyễn Thị Hương trong ngôi nhà mới được hỗ trợ sửa chữa.
Hưởng ứng cuộc vận động “Mỗi tổ chức, cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo” do Hội CTĐ Việt Nam phát động, Chi hội CTĐ khu 6 đã và đang nuôi dưỡng nhiều địa chỉ nhân đạo; Chi hội hiện hỗ trợ 300.000 đồng/tháng cho bà Vũ Thị Cúc (84 tuổi, khu 6) nuôi 2 cháu dưới 18 tuổi. Hưởng ứng lời kêu gọi của Ủy ban MTTQ các cấp về ủng hộ phòng, chống dịch Covid-19, bà Hảo và các hội viên Chi hội đã vận động các nhà hảo tâm ủng hộ gần 30 triệu đồng và 1.500 khẩu trang y tế…
Với những đóng góp tích cực của mình, bà Đặng Thị Hảo đã được các cấp, ngành tặng nhiều bằng khen, giấy khen. Đối với bà, niềm vui lớn hơn là sự được sẻ chia, giúp đỡ nhiều mảnh đời kém may mắn có thêm động lực vượt qua khó khăn, vươn lên trong cuộc sống.