Bên lề Quốc hội: Kiểm soát sốt đất phải từ minh bạch thông tin đến tăng hiệu quả sử dụng

Thời gian gần đây, tình trạng sốt đất diễn ra tại nhiều địa phương trên cả nước với mức giá tăng nhanh chóng mặt. Cục bộ, một số nơi có mức tăng 2-3 lần chỉ trong vòng vài tháng. Nhiều nơi, người dân bỏ kinh doanh, bỏ sản xuất để lao vào đầu tư đất.

Đặc điểm của những cơn sốt đất ảo là "ăn theo" thông tin chưa rõ ràng về các dự án hạ tầng quan trọng như sân bay, cao tốc, đại đô thị... Một trong những nguyên nhân được chỉ ra là do buông lỏng kỷ cương, vi phạm pháp luật trong các lĩnh vực quản lý tài nguyên đất đai và thiếu minh bạch thông tin... Đây cũng là nội dung được phóng viên TTXVN ghi nhận bên lề Kỳ họp thứ 11, Quốc hội Khóa XIV.  
Đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh Trần Hoàng Ngân phát biểu. Ảnh: Dương Giang/TTXVN
Đại biểu Trần Hoàng Ngân (Đoàn Thành phố Hồ Chí Minh): Xảy ra sốt đất là có vấn đề bất bình thường
Hiện nay khắp nơi nổi lên vấn đề sốt đất. Khi đã được định danh là "sốt" tức là phải có vấn đề bất bình thường, đòi hỏi cơ quan quản lý nhà nước, địa phương phải quan tâm. Việc đầu tiên, theo tôi là phải nhanh chóng rà soát các quy hoạch và triển khai nhanh việc điều chỉnh quy hoạch. Bởi vì thời gian vừa qua, quy hoạch của chúng ta một phần thể hiện sự nôn nóng.
Chúng ta có quyền ước mơ để viết ra những quy hoạch đẹp nhưng cũng phải tính tới năng lực và khả năng của mình. Thời gian vừa qua, có nhiều yếu tố tác động như những đợt khủng hoảng về tài chính tiền tệ thế giới, khủng hoảng suy thoái kinh tế cùng với đại dịch COVID-19 khiến nguồn lực dành cho việc hiện thực hóa những "ước mơ" về quy hoạch bị hạn chế do không thực hiện.
Khi đó, tình trạng quy hoạch treo xảy ra và có những khu vực, dự án tiếp tục bị kéo dài từ năm này sang năm khác. Việc quy hoạch bị kéo dài như vậy dẫn đến việc giám sát thực thi pháp luật về quy hoạch cũng rất khó. Thậm chí, có những trường hợp buộc phải điều chỉnh, thay đổi quy hoạch.
Với các quy hoạch về đất đai, có những khu vực trong quy hoạch là dành cho đất nông nghiệp nhưng bây giờ đô thị hóa thì những mảnh đất này không còn phù hợp để làm nông nghiệp bởi thiếu hệ thống hạ tầng phục vụ như thủy lợi, tưới tiêu... khiến người dân gặp khó khăn.
Do đó, chúng ta phải rà soát lại quy hoạch để giải quyết vấn đề xử lý việc chuyển mục đích sử dụng đất cho hợp lý, phù hợp với điều kiện thực tiễn. Còn những khu vực đất nông nghiệp đủ điều kiện tiếp tục sản xuất nông nghiệp thì chúng ta phải giữ đến cùng.
Vấn đề sốt đất hiện nay còn liên quan đến những quy hoạch mới. Ví dụ, quy hoạch bến cảng, sân bay, huyện lên quận, nâng cấp đô thị lên thành phố... Khu vực đất đó đang gây nên sốt và câu chuyện sốt này là có cơ sở vì khi hạ tầng được đầu tư thì giá trị đất tại khu vực đó gia tăng cũng là chuyện bình thường.
Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là việc phải đảm bảo tính công khai minh bạch thông tin trong vấn đề thực hiện quy hoạch để tránh trường hợp những đối tượng có nguồn thông tin nội bộ sớm tận dụng lợi thế để thu gom đất trước.
Cùng đó, người dân cần hết sức thận trọng vì từ quy hoạch đến khi đi vào cuộc sống còn rất dài, vài năm hoặc thậm chí cả chục năm vì còn tùy theo kế hoạch ghi vốn, đấu thầu, đền bù giải phóng mặt bằng thỏa đáng cho người dân...
Do đó, nếu người dân đổ tiền vào đầu tư đất tại các khu vực đang sốt nhưng lại phải chờ đợi lâu dài, trong khi khả năng tài chính hạn chế, thậm chí đi vay ngân hàng và lo lãi suất... thì sẽ chịu thêm gánh nặng, chưa kể rủi ro khác...
Trước tình trạng sốt đất đang xảy ra đồng loạt tại nhiều địa phương, bản thân chính quyền từ xã cho đến quận, huyện phải thực thi vai trò quản lý nhà nước trên địa bàn; trước mắt là việc tuân thủ những quy hoạch đang hiện hữu. Với các quy hoạch điều chỉnh thì tăng cường giám sát, kiểm tra để có thể ngăn chặn, xử lý kịp thời những "dự án ảo" và chiêu trò của "cò đất" bất hợp pháp thổi giá, lừa đảo...
*Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thuý (Đoàn Đà Nẵng): Thông tin về đất đai ở nhiều địa phương vẫn thiếu minh bạch
Theo ý kiến của cử tri, thông tin về đất đai ở nhiều địa phương cho đến nay vẫn thiếu minh bạch. Ở các nước thì bản đồ địa chính đã công khai từ lâu, dân cứ đến cơ quan nộp ít lệ phí là xem được, giờ có công nghệ thông tin phát triển thì làm còn tiện hơn.
Tuy nhiên, trên thực tế, chúng ta vẫn chưa thực hiện nghiêm túc quy định tại Điều 28 của Luật Đất đai về công khai thông tin, điều này dẫn đến đủ thứ rủi ro, mà người thiệt hại lớn nhất là dân. Ví dụ như vụ Công ty Địa ốc Alibaba lừa đảo bán dự án ma đã ầm ĩ trên các phương tiện thông tin đại chúng. Công ty này đã mua lại các khu đất có diện tích lớn cho người thân trong gia đình đứng tên để làm dự án, bất chấp khu đất đó mục đích sử dụng là nông nghiệp trồng cây lâu năm, đất rừng và nằm trong quy hoạch đường, nghĩa trang. Công ty Alibaba vẫn san ủi, xây dựng đường hạ tầng, vẽ dự án đất nền giới thiệu bán cho hàng nghìn khách hàng.
Nếu hệ thống thông tin đất đai mà tốt thì ai bán đất cho ai, người dân chỉ cần lên hệ thống kiểm tra là rõ ngay về pháp lý. Việc thực thi pháp luật kém có trách nhiệm giám sát của Quốc hội, Hội đồng nhân dân nhưng trách nhiệm chính vẫn là của Chính phủ và Ủy ban nhân dân các cấp. Tôi mong rằng Chính phủ nhiệm kỳ mới sẽ sớm đưa ra giải pháp và cam kết giải quyết tình trạng này.
Đại biểu Nguyễn Văn Chiến (Đoàn Hà Nội): Nâng cao hiệu quả sử dụng đất thông qua đấu giá
Phóng viên phỏng vấn đại biểu Quốc hội TP. Hà Nội Nguyễn Văn Chiến. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN
Từ đầu năm, trên thị trường có nhiều thông tin về sốt đất nền ở nhiều địa phương và người dân rất quan tâm; trong đó có Thủ đô Hà Nội. Trong bối cảnh dịch COVID-19 đã cơ bản được kiểm soát, giao dịch đầu tư ở nhiều lĩnh vực bị hạn chế, người dân có xu hướng đưa đồng tiền nhàn rỗi đầu tư vào đất đai.
Các trung tâm môi giới bất động sản cũng nắm bắt được xu hướng của các nhà đầu tư nên có nhiều thông tin quảng cáo về dự án, đất vàng, đất có giá trị, đất tăng cao kết hợp với quy hoạch của địa phương. Điều này càng tạo tâm lý đám đông cho người dân và bản thân người dân cũng muốn qua cơ hội này để kiếm lời.
Như tại Hà Nội, mới đây, UBND thành phố đã công bố quy hoạch phân khu đô thị H1-1 (A,B,C), H1-2, H1-3 và H1-4, tỷ lệ 1/2.000, thuộc khu vực nội đô lịch sử gồm các quận Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng. Đây là quy hoạch được đông đảo người dân Thủ đô quan tâm từ nhiều năm nay.
Việc quy hoạch là chủ trương mới, tuy nhiên, nếu không làm tốt khâu tuyên truyền cũng như tổ chức, quản lý thì cũng dễ gây ra cơn "sốt ảo".
Thêm một thực tế nữa là giá đất từ đất nông nghiệp, đất ở khu vực giá trị lưu thông thấp khi chuyển thành đất đô thị chắc chắn sẽ tăng. Đây là hiện tượng khách quan, đòi hỏi sự nắm bắt của các cơ quan quản lý để kịp thời điều tiết; thực hiện quy định pháp luật về chuyển nhượng đất.
Theo tôi, ngay từ khi có hiện tượng này, chính quyền các địa phương cần rà soát, lập  kế hoạch điều phối, quản lý để thị trường lưu thông phù hợp với giá trị thực mà vẫn đảm bảo tuân thủ đúng quy hoạch.
Thời gian tới, để nâng cao hiệu quả sử dụng đất, các cấp, ngành cần quan tâm thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất. Về cơ bản, nguồn lực đất đai ở địa phương khi thực hiện chuyển nhượng, chuyển đổi mục đích sử dụng phải tuân thủ quy định về đấu giá sử dụng đất.
Cùng với việc bảo đảm theo nguyên tắc của cơ chế thị trường thì nguồn thu từ đấu giá đất đồng thời phải bảo đảm nguồn thu ngân sách Nhà nước khi chuyển nhượng; tránh lãng phí, thất thoát và chống tình trạng tham nhũng chính sách.
Thu Hằng - Diệp Anh/TTXVN
https://baotintuc.vn/kinh-te/ben-le-quoc-hoi-kiem-soat-sot-dat-phai-tu-minh-bach-thong-tin-den-tang-hieu-qua-su-dung-20210330131353383.htm

Bài viết liên quan