Bù Đăng nỗ lực giảm nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Xóa đói giảm nghèo

10:10 05/11/2024

Là huyện miền núi, có đông đồng bào dân tộc thiểu số, đời sống gặp nhiều khó khăn, huyện Bù Đăng (tỉnh Bình Phước) đặc biệt quan tâm đến việc xóa đói, giảm nghèo. Nhờ vậy, đến nay trên địa bàn huyện đã có hàng ngàn hộ dân được thụ hưởng những thành quả từ chương trình xóa đói, giảm nghèo đem lại.

Chú thích ảnh

Trao nhà Đại đoàn kết cho các gia đình tại tỉnh Bình Phước. Ảnh tư liệu: K GửiH/TTXVN

Nhiều điểm sáng

Phó Chủ tịch UBND huyện Bù Đăng Trần Văn Phương thông tin, Bù Đăng thuộc vùng sâu, vùng xa của Bình Phước, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm hơn 40%, gồm đồng bào  S’tiêng, M’nông, Châu Mạ… và người Tày, Nùng, Dao, Hoa di cư nơi khác đến lập nghiệp...

Trưởng phòng Dân tộc huyện Bù Đăng Điểu Khuê cho biết, từ năm 2019 đến nay, huyện giảm được 1.430 hộ nghèo dân tộc thiểu số; hỗ trợ nhà ở cho 586 hộ, đất ở 35 hộ, nhà vệ sinh 127 hộ, nước sinh hoạt 616 hộ, chuyển đổi nghề 1.356 hộ có nhu cầu, kéo điện cho 316 hộ, hỗ trợ vay vốn ưu đãi tín dụng từ Ngân hàng Chính sách xã hội cho 57 hộ… Năm 2024, Bù Đăng còn 254 hộ nghèo, trong đó 165 hộ nghèo người dân tộc thiểu số; 587 hộ cận nghèo.

Chị Điểu Thị Dai (dân tộc S’tiêng, thôn Đắk La, xã Đắk Nhau, huyện Bù Đăng) được hỗ trợ xây dựng nhà ở, giếng nước và cặp bò giống với tổng kinh phí hơn 150 triệu đồng từ Chương trình giảm 1.000 hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số. Với sự hỗ trợ đồng bộ của chính quyền, nỗ lực vươn lên của gia đình, cuối năm 2023, nhà chị đã thoát nghèo.

Trước đây, cuộc sống gia đình bà Thị Geo (thôn Đắk Xuyên, xã Đắk Nhau, huyện Bù Đăng) hết sức khó khăn, nguồn thu chủ yếu dựa vào cây điều, chăn nuôi khó phát triển vì không có vốn, kinh nghiệm lại hạn chế. Được hỗ trợ 50 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện, gia đình bà đã đầu tư mua bò, heo. Nhờ được hướng dẫn cách làm chuồng trại, chăm sóc, gia đình bà đã có 11 con heo và 15 con bò. Giờ đây, kinh tế gia đình ổn định, các nguồn thu đảm bảo.

Tương tự, gia đình anh Điểu Y La (Thôn 2, xã Đăng Hà, huyện Bù Đăng) cũng một trong những hộ có điều kiện kinh tế rất khó khăn. Trong 3 năm trở lại đây, anh tiếp cận được nguồn vốn hỗ trợ xóa đói, giảm nghèo cho người dân tộc thiểu số với số tiền hơn 100 triệu đồng, anh đã đầu tư mua 1 cặp bò, trồng và chăm sóc 1.000 cây cà phê. Anh vui mừng cho biết: “Đến nay, đàn bò đã sinh được 5 con, cà phê mỗi năm thu hơn 4 tấn nên gia đình đã có cái ăn, cái mặc, có của để cho con đi học, sau này kiếm việc làm nuôi sống bản thân”.

Phó Chủ tịch UBND huyện Bù Đăng Trần Văn Phương cho rằng: Được sự quan tâm chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền cùng sự phối hợp chặt chẽ của các ngành, cấp, huyện tập trung nguồn lực hỗ trợ hộ nghèo dân tộc thiểu số được tiếp cận, thụ hưởng đầy đủ chính sách, dự án, góp phần giảm nghèo bền vững. Chính sách giảm nghèo ngày càng phù hợp với nguyện vọng của người dân đã tác động hỗ trợ mạnh mẽ giúp họ có động lực thoát nghèo bền vững.

Thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất, đời sống dân sinh được quan tâm, đầu tư từng bước cải thiện và ngày càng nâng cao. Các chương trình y tế, giáo dục, mạng lưới thông tin, tuyên truyền được các cấp, ngành quan tâm đầu tư, đáp ứng nhu cầu phục vụ nhân dân, đặc biệt là hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số. Nhờ đó, người nghèo dân tộc thiểu số có nhận thức ngày càng cao và chủ động đăng ký thoát nghèo bền vững.

Ông Trần Văn Phương nhấn mạnh, kết quả giảm nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã trở thành bước đệm cho công tác giảm nghèo theo hướng nhanh và bền vững hơn. Hộ nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số đã tiếp cận gần hơn với các nhu cầu thiết yếu, các dịch vụ xã hội đầy đủ và chất lượng cao.

Đồng bộ nhiều giải pháp

Phát huy những kết quả đạt được, Phó Chủ tịch UBND huyện Bù Đăng Trần Văn Phương cho biết: Thời gian tới, huyện tiếp tục tập trung chỉ đạo rà soát, xác định đối tượng thụ hưởng chương trình giảm nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số đảm bảo đúng người, đúng hoàn cảnh, đúng chính sách; dân chủ, công bằng, công khai và có sự tham gia bình xét của đồng bào thuộc hộ nghèo, tổng hợp nhu cầu hỗ trợ vừa đáp ứng nguyện vọng, phù hợp thực tế, định hướng phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Huyện tập trung giảm nghèo cho các xã có tỷ lệ hộ nghèo cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số khó khăn để huy động mọi nguồn lực hỗ trợ đầu tư giảm nghèo bền vững. Đồng thời, địa phương tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách cho hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số; thiết lập hệ thống theo dõi, đánh giá toàn diện để nâng cao hiệu quả của giảm nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Huyện xác định rõ trách nhiệm của cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, các cơ quan, tổ chức, đoàn thể trong việc hỗ trợ hộ nghèo về vốn, dạy nghề, kinh nghiệm sản xuất...; đồng thời thực hiện hiệu quả mô hình "Mỗi tổ chức, cá nhân gắn với một địa chỉ hộ nghèo cụ thể".

Trưởng phòng Dân tộc huyện Bù Đăng Điểu Khuê cho biết, địa phương tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, nâng cao ý chí tự lực, tự vươn lên của cá nhân từng hộ nghèo dân tộc thiểu số, không dựa dẫm, ỷ lại, trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước. Huyện hạn chế việc tái nghèo và phát sinh nghèo mới; hỗ trợ đào tạo nghề, tạo việc làm, sinh kế để hỗ trợ người nghèo, người dân tộc thiểu số cải thiện đời sống vật chất và tinh thần, tiếp cận đầy đủ các dịch vụ xã hội cơ bản, góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo, đảm bảo hài hòa giữa phát triển kinh tế và an sinh xã hội bền vững.

Ngoài ra, Bù Đăng còn tiếp tục hỗ trợ người nghèo tiếp cận các chính sách như: Nhà ở, đất ở; nước sinh hoạt; điện sinh hoạt; nhà vệ sinh; chuyển đổi nghề, tạo sinh kế, giải quyết việc làm, tăng thu nhập, ưu tiên cho  đối tượng nghèo mới.

Đậu Tất Thành - Nhật Bình

Bài viết liên quan

Danh mục khác