Cao Bằng tạo động lực để người dân quyết tâm vươn lên thoát nghèo

Xóa đói giảm nghèo

09:14 04/11/2021

(LĐXH)- Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, các cấp, các ngành cùng chính quyền địa phương tỉnh Cao Bằng đã tích cực vận động các tầng lớp nhân dân tham gia, tạo động lực để người dân quyết tâm vươn lên thoát nghèo, góp phần hoàn thành mục tiêu giảm nghèo bền vững đề ra.

Dành khoảng 100 tỷ đồng hỗ trợ nhà ở cho người nghèo

Cao Bằng là tỉnh miền núi, biên giới, tỷ lệ hộ nghèo và hộ cận nghèo còn ở mức cao. Trong 9 tháng năm 2021, tỉnh luôn quan tâm triển khai kịp thời, đầy đủ các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững. Trong đó, Tỉnh ủy Cao Bằng ban hành Kế hoạch thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW, ngày 23/6/2021 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giảm nghèo bền vững đến năm 2030. HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 54/2021/NQ-HĐND ngày 29/7/2021 quy định mức chuẩn trợ giúp xã hội, mức trợ giúp xã hội áp dụng trên địa bàn tỉnh Cao Bằng. UBND tỉnh ban hành Kế hoạch 2156/KH-UBND ngày 18/8/2021 về thực hiện rà soát đánh giá tình hình hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2021; tổng rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chuẩn đa chiều và xác định hộ làm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp có mức sống trung bình giai đoạn 2022 - 2025.

Cao Bằng tạo động lực để người dân quyết tâm vươn lên thoát nghèo - Ảnh 1.

Hỗ trợ xây nhà ở cho người nghèo tại huyện Hà Quảng (Cao Bằng)

Trong các nội dung thực hiện Chương trình giảm nghèo bền vững, tỉnh đặc biệt quan tâm chỉ đạo triển khai công tác hỗ trợ nhà ở cho hộ gia đình chính sách, hộ nghèo. Tỉnh chủ trương huy động mọi nguồn lực cùng với cả hệ thống chính trị tập trung hỗ trợ xóa cơ bản, dứt điểm 6.602 nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn trong năm 2021 - 2022, góp phần quan trọng khắc phục nguyên nhân đói nghèo “bền vững” ở địa phương và cũng là thực hiện phong trào “Cả nước chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau” do Thủ tướng Chính phủ phát động.

Cụ thể, thực hiện Chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2022, trong năm 2021, Cao Bằng huy động nguồn lực từ sự ủng hộ của các tổ chức, cá nhân, gia đình, dòng họ, nguồn Quỹ vì người nghèo... Dự kiến, tỉnh bố trí khoảng 100 tỷ đồng nguồn vốn ngân sách địa phương để hỗ trợ thực hiện chương trình này.

Để triển khai thực hiện mục tiêu đề ra, ngày 15/7/2021 của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIX ban hành Nghị quyết số 04-NQ/TU về lãnh đạo thực hiện xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025; ngày 29/7/2021, HĐND tỉnh Cao Bằng ban hành Nghị quyết số 56/2021/NQ-HĐND về Ban hành chính sách hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2022, tạo cơ sở pháp lý cho việc huy động, sử dụng, quản lý hiệu quả, thống nhất các nguồn lực hợp pháp thực hiện xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh.

Theo báo cáo kết quả thực hiện các chính sách giảm nghèo trong 9 tháng năm 2021 của UBND tỉnh Cao Bằng, toàn tỉnh đã thực hiện giải ngân vốn vay ưu đãi cho 8.048 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, học sinh sinh viên; cấp 334.268 lượt thẻ bảo hiểm y tế cho người nghèo, người cận nghèo, người dân tộc thiểu số đang sinh sống tại vùng kinh tế - xã hội khó khăn, người đang sinh sống tại vùng kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, đối tượng bảo trợ xã hội, người từ đủ 80 tuổi trở lên đang hưởng trợ cấp tuất hàng tháng.

Trong 9 tháng, tỉnh cũng đã thực hiện hỗ trợ miễn giảm học phí và các khoản đóng góp khác cho trên 67.600 học sinh; hỗ trợ cho 53 nhà đại đoàn kết cho hộ nghèo; hỗ trợ tiền điện 30.850 hộ; trợ cấp xã hội hàng tháng tại cộng đồng cho 17.013 người, trợ cấp đột xuất cho 31 trường hợp, trợ cấp mai táng phí cho 493 trường hợp; tổ chức trao thiếp mừng thọ cho 28 cụ tròn 100 tuổi; cứu đói dịp Tết Nguyên đán và cứu đói giáp hạt cho 23.141 hộ, 96.004 khẩu, 2.127,6 tấn gạo. Ngoài ra, tỉnh còn tổ chức đào tạo nghề cho 3.024 người (trong đó trình độ trung cấp 168 người, sơ cấp 3.063 người…

Phấn đấu giảm trên 3% hộ nghèo người dân tộc thiểu số  

Qua đánh giá, quá trình triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trong 9 tháng năm 2021, Cao Bằng luôn nhận được sự quan tâm chỉ đạo của các Bộ, ban ngành Trung ương; sự lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên, sát sao của Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh; sự vào cuộc cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở, sự tham gia trách nhiệm của các Sở, Ban ngành, sự giám sát của MTTQ và các đoàn thể tỉnh; sự hỗ trợ từ các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm; sự nỗ lực cố gắng của các hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn tỉnh. Qua đó, nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân về vai trò, ý nghĩa của công tác giảm nghèo bền vững được nâng lên, nhiều hộ gia đình đã vươn lên thoát nghèo, đời sống nhân dân từng bước được ổn định, quốc phòng an ninh được giữ vững, kinh tế - xã hội có bước phát triển.

Tuy nhiên, do Cao Bằng là tỉnh nghèo, thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn mới đáp ứng được trên 10% nhu cầu chi ngân sách của địa phương, do đó ngân sách bố trí cho Chương trình giảm nghèo còn ở mức thấp.

Cao Bằng tạo động lực để người dân quyết tâm vươn lên thoát nghèo - Ảnh 2.

Nhiều hộ nghèo người dân tộc thiểu số ở xóm Bản Moỏng, xã Đình Phùng huyện Bảo Lạc (Cao Bằng) được vay vốn ưu đãi để chăn nuôi

Bên cạnh đó, từ năm 2020 đến nay, do tác động sâu rộng của đại dịch COVID-19, tình hình kinh tế - xã hội của đất nước nói chung và tỉnh Cao Bằng nói riêng còn gặp nhiều khó khăn. Nhiều đối tượng thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo bị mất việc làm, phải tạm ngừng việc hoặc chưa có cơ hội tìm kiếm việc làm do thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch; giá cả một số mặt hàng thuộc lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp tăng nhẹ, đã tác động đến đời sống, thu nhập của người dân, dẫn đến nguy cơ nhiều hộ tái nghèo và phát sinh mới các hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn tỉnh.

Những tháng cuối năm 2021 và năm 2022, tỉnh Cao bằng tiếp tục kiên định thực hiện mục tiêu giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững, hạn chế tái nghèo và phát sinh nghèo; hỗ trợ người nghèo, hộ nghèo vượt lên mức sống tối thiểu, tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản theo chuẩn nghèo đa chiều quốc gia, nâng cao chất lượng cuộc sống; hỗ trợ các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn thoát khỏi tình trạng nghèo, đặc biệt khó khăn.

Về mục tiêu cụ thể, tỉnh phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo cả tỉnh bình quân từ 4,0%/năm, riêng tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo giảm từ 5%/năm, tỷ lệ hộ nghèo người dân tộc thiểu số giảm trên 3%/năm. 100% các huyện nghèo được hỗ trợ đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội liên kết vùng, phục vụ dân sinh, sản xuất, thương mại, lưu thông hàng hóa và cung cấp các dịch vụ xã hội cơ bản; ưu tiên đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, gồm: đường giao thông, trường học, cơ sở y tế, công trình thủy lợi.

Cao Bằng sẽ thực hiện hiệu quả dự án hỗ trợ phát triển các mô hình giảm nghèo để đa dạng hóa sinh kế, tạo việc làm tốt, có thu nhập bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu, dịch bệnh cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo. Hỗ trợ người nghèo phát triển sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp. Hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn các huyện nghèo có nhà ở an toàn, ổn định, có khả năng chống chịu tác động của thiên tai.

Đồng thời, phát triển giáo dục nghề nghiệp về quy mô và chất lượng đào tạo cho người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và người dân sinh sống ở vùng nghèo, vùng khó khăn phù hợp với xu hướng chuyển dịch cơ cấu lao động; gắn kết giáo dục nghề nghiệp với việc làm bền vững cho người nghèo. Kết nối, tư vấn, định hướng nghề nghiệp, phát triển thông tin thị trường lao động, hỗ trợ tìm việc làm bền vững cho người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và người lao động thuộc các vùng nghèo, vùng khó khăn; hỗ trợ cho người lao động sinh sống trên địa bàn nghèo đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng…

Chí Tâm

Bài viết liên quan

Danh mục khác