Nhờ thâm canh ổi Thái Lan, mỗi năm hộ anh Phạm Văn Tuấn, thôn Tân Tiến, Chi HND nghề nghiệp trồng cây ăn quả xã Đông Phú thu về gần 200 triệu đồng/năm
Tạo liên kết sản xuất hàng hóa tập trung
Năm 2015, hộ anh Vi Văn Lương, thôn Dọc Mùng, xã Giáp Sơn (Lục Ngạn) gây dựng nghề nuôi chim bồ câu. Từ 50 đôi bồ câu giống ban đầu, nay anh đã có đàn 3.200 đôi. Thấy hiệu quả, hơn 10 hộ trong thôn, xã học theo anh Lương nuôi chim bồ câu. Do số hộ nuôi và tổng đàn chim tăng nhanh đã nảy sinh chuyện “mạnh ai nấy làm”, cạnh tranh không lành mạnh...
Trước thực tế này, tháng 9 vừa qua, HND thôn Dọc Mùng đứng ra thành lập Tổ HND nghề nghiệp nuôi chim bồ câu sinh sản xã Giáp Sơn. Theo anh Vi Văn Vít, Chi hội trưởng Chi HND thôn, đồng thời là Tổ trưởng Tổ HND nghề nghiệp nuôi chim bồ câu sinh sản xã Giáp Sơn, hiện Tổ có 8 thành viên, nuôi hơn 11.000 đôi bồ câu. Hộ ít nhất 300 đôi, nhiều hơn 3.000 đôi.
Ngoài gặp gỡ hàng ngày, định kỳ hằng tháng, các thành viên trong Tổ họp 1 lần, cùng trao đổi kinh nghiệm, kỹ thuật, cách phòng, chống dịch bệnh, thống nhất giá bán và đầu mối tiêu thụ sản phẩm.
Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh có 22 chi HND nghề nghiệp và 84 tổ HND nghề nghiệp được thành lập, nâng tổng số chi, tổ HND nghề nghiệp cả tỉnh lên 258, với gần 3 nghìn hội viên tham gia, hoạt động trong các lĩnh vực chủ yếu như: Trồng cây ăn quả, rau màu, chăn nuôi gia súc, gia cầm…
Đồng thời tìm nguồn thức ăn rẻ, ổn định cho cả Tổ. Nhờ đó đến nay, việc sản xuất kinh doanh của các hộ đi vào nền nếp, cho thu nhập khá. Cứ 1.000 đôi bồ câu bố mẹ, trừ chi phí, chủ nuôi lãi khoảng 30 triệu đồng/tháng, vai trò của tổ chức HND nâng lên.
Cũng sản xuất nông nghiệp nhưng các hộ dân ở xã Đông Phú (Lục Nam) lại chọn trồng cây ăn quả. Do diện tích cây ăn quả của mỗi hộ không lớn, nhiều loại cây nên sản lượng, hiệu quả thấp.
Ông Nguyễn Đức Bảy, Chủ tịch HND xã Đông Phú cho hay, hơn 3 năm trước, 20 hộ đã thành lập Tổ hợp tác (THT) trồng cây ăn quả. Các hộ thống nhất chỉ trồng 3 loại cây chính là nhãn, bưởi và ổi, liên kết tạo thành vùng tập trung rộng hàng chục ha. Nhờ đó, nhiều hộ có thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm.
Thấy THT hoạt động hiệu quả, nhiều hộ trong xã xin tham gia. Để giúp thành viên có điều kiện sản xuất thuận lợi hơn, đầu tháng 10 vừa qua, HND xã đã chuyển đổi mô hình THT thành Chi HND nghề nghiệp trồng cây ăn quả xã Đông Phú với 32 hội viên, nòng cốt là thành viên THT cũ.
Cùng với xã Đông Phú và Giáp Sơn, chỉ tính riêng từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh có 22 chi HND nghề nghiệp và 84 tổ HND nghề nghiệp được thành lập, nâng tổng số chi, tổ HND nghề nghiệp cả tỉnh lên 258 đơn vị với gần 3.000 hội viên tham gia.
Đổi mới hình thức hoạt động
Sau khi các chi, tổ HND nghề nghiệp được thành lập, HND tỉnh cùng chính quyền, cơ quan chức năng các huyện, thành phố tạo điều kiện để các đơn vị này hoạt động hiệu quả như: Tạo nguồn vốn vay ưu đãi; mời các kỹ sư, chuyên gia ở các lĩnh vực sản xuất, dịch vụ đến tuyên truyền, hướng dẫn kỹ thuật; xây dựng các mô hình mẫu…; kết nối các doanh nghiệp, Hợp tác xã (HTX) trong và ngoài tỉnh đến liên kết sản xuất, thu mua sản phẩm.
Mô hình nuôi chim bồ câu Pháp của anh Lưu Văn Bằng ở thôn Phi Lễ, xã Quý Sơn (Lục Ngạn) đem lại thu nhập 15 triệu đồng/tháng
Ông Nguyễn Văn Nguồn, Phó Chủ tịch HND tỉnh cho biết: “Mục tiêu chung là tập hợp các hội viên cùng lĩnh vực lao động, ngành nghề vào các chi, tổ hội nghề nghiệp. Hướng tới thành lập HTX để xây dựng mô hình liên kết theo chuỗi giá trị, góp phần phát triển nông nghiệp bền vững”. Hiện có nhiều HTX được thành lập từ cách làm này, như: HTX Na dai Nghĩa Phương (huyện Lục Nam); HTX Ba kích tím Thanh Luận (huyện Sơn Động); HTX sản xuất, tiêu thụ dê và mật ong Hồng Kỳ (huyện Yên Thế)…
Thực tế, các chi, tổ hội nghề nghiệp hoạt động tạo sự gắn kết giữa xây dựng tổ chức Hội với phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương, làm tiền đề cho kinh tế tập thể phát triển. Nếu như trước đây, hội viên nông dân chỉ sinh hoạt trong các chi HND theo đơn vị hành chính, nay có thể tham gia vào các chi HND nghề nghiệp mà không cần quan tâm mình thuộc chi HND nào. Các chi HND nghề nghiệp có quy chế hoạt động và chịu sự quản lý của HND cấp xã, tổ HND nghề nghiệp thuộc chi HND.
Thời gian tới, HND các cấp tiếp tục chỉ đạo đẩy mạnh xây dựng mô hình chi HND nghề nghiệp, qua đó góp phần nâng cao tư duy tự lực, năng động sáng tạo, dám nghĩ, dám làm của hội viên, tăng khả năng dẫn dắt đông đảo nông dân cùng phát triển kinh tế, làm giàu chính đáng./.