Trong phong trào phát triển kinh tế, giúp nhau giảm nghèo, các cấp Hội CCB đã xây dựng được nhiều mô hình, câu lạc bộ, qua đó thu hút hội viên tham gia sinh hoạt, cùng nhau trao đổi kinh nghiệm, giúp nhau chuyển giao kỹ thuật để phát triển kinh tế với hiệu quả cao. Hiện các cấp Hội CCB thành phố đang quản lý hàng trăm câu lạc bộ phát triển kinh tế như: Câu lạc bộ nuôi trồng thuỷ sản xã Kiến Thiết, Tây Hưng, Tiên Thắng; Câu lạc bộ trang trại, gia trại Cấp Tiến (huyện Tiên Lãng); Câu lạc bộ sinh vật cảnh xã Chiến Thắng; Câu lạc bộ phát triển kinh tế CCB và cựu quân nhân (huyện An Lão); Câu lạc bộ đúc đồng (huyện Thuỷ Nguyên); Câu lạc bộ nuôi ong lấy mật huyện Vĩnh Bảo…
Ông Đỗ Đức Nhạ, hội viên câu lạc bộ sinh vật cảnh xã Chiến Thắng (huyện An Lão) cho biết: tham gia sinh hoạt câu lạc bộ, hội viên có điều kiện trao đổi, học hỏi kinh nghiệm từ các thành viên, cùng tạo dựng thương hiệu sinh vật cảnh của xã, xây dựng thị trường cây cảnh và hỗ trợ nhau. Đối với câu lạc bộ nuôi trồng thuỷ sản ở huyện Tiên Lãng, ngoài chia sẻ kinh nghiệm, các hội viên còn hỗ trợ nhau giống, vốn, đoàn kết cùng phát triển.
Khánh thành nhà "Nghĩa tình đồng đội" của gia đình ông Bùi Đình Đằng, xã Phú Long
do Hội Cựu chiến binh huyện Cát Hải hỗ trợ
Phó Chủ tịch Hội CCB thành phố Hải Phòng Nguyễn Xuân Yên khẳng định: “Đến nay, phong trào CCB giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi” đã trở thành nhu cầu tự thân, thể hiện ý chí tự lực, tự cường vươn lên cải thiện cuộc sống, làm giàu chính đáng. Đến nay, các cấp Hội CCB thành phố còn 146 hội viên nghèo, tỷ lệ 0,18%), trong đó 85 hộ không thể thoát nghèo (do tuổi cao, bệnh tật, đơn thân); 354 hộ hội viên cận nghèo (tỷ lệ 0,43%), thấp hơn mức bình quân chung toàn thành phố, cơ bản xoá nghèo. Tỷ lệ hội viên CCB khá và giàu đạt hơn 50%, trong đó nhiều CCB là chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh, doanh thu hàng chục tỷ đồng mỗi năm, giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động.
Hội CCB thành phố hiện có 2.154 mô hình sản xuất do CCB làm chủ, giải quyết việc làm cho hơn 16 nghìn lao động. Nhiều mô hình sản xuất đạt doanh thu từ 10 tỷ đồng/năm trở lên.
Tính đến tháng 6/2021, các cấp Hội CCB Hải Phòng duy trì 473 Tổ Tiết kiệm và vay vốn, đang quản lý dư nợ 547,8 tỷ đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội, giúp 16.727 hộ vay phát triển kinh tế, trong đó có 14.257 hộ CCB, giải quyết việc làm cho hơn 19 nghìn lao động.
Gia đình anh Ngô Quang Thơm và chị Đỗ Thị Liền ở thôn Tân Thắng, xã Chiến Thắng (huyện An Lão) phát triển mô hình nuôi cá cảnh cho thu nhập mỗi năm từ 150 – 200 triệu đồng. Đây là mô hình phát triển kinh tế mới của Hội CCB xã. Trước đó, anh chị được Hội CCB xã tạo điều kiện tín chấp vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội. Anh Thơm là một trong nhiều hội viên được Hội CCB xã đứng ra tín chấp vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội. Trong 5 năm (2016 – 2021), Hội CCB xã Chiến Thắng đã tín chấp giúp các hội viên vay hơn 3 tỷ đồng.
Tương tự, anh Nguyễn Văn Thuận, ở xã Trường Thành (huyện An Lão) cũng được Hội CCB xã tín chấp vay ngân hàng 50 triệu đồng để đầu tư nuôi lợn, trồng thanh long, đào ao thả cá, trồng sen. Hộ ông Nguyễn Hồng Minh, ở Phường Vĩnh Niệm (quận Lê Chân) được Hội CCB phường giúp vay 50 triệu đồng mua ngư lưới cụ phục vụ đánh bắt thuỷ sản trên sông Lạch Tray. Từ khi được vay vốn đầu tư mua thêm lưới cụ, ông Minh đánh bắt được nhiều hơn, thu nhập tăng, giúp gia đình ông cải thiện cuộc sống và có đôi chút tích luỹ. Nhờ được vay vốn tín dụng ưu đãi, nhiều CCB đã phát triển các mô hình trồng hoa lan, nuôi bò, nuôi gà chọi, trồng sen, nuôi ong… mang lại giá trị kinh tế cao.
Chủ tịch Hội CCB huyện An Lão Phan Văn Huân cho biết: “Nguồn vốn được Hội giúp vay từ ngân hàng đã kịp thời “tiếp sức” cho các CCB phát triển kinh tế mà không phải vay lãi cao từ bên ngoài.
Ngoài giúp nhau phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững, Hội CCB các cấp thành phố Hải Phòng còn quan tâm trợ giúp những gia đình CCB có hoàn cảnh khó khăn, hỗ trợ các gia đình CCB có khó khăn về nhà ở sửa chữa, xây mới nhà ở … ./.
Hải Uyên