Trong cơn đại dịch toàn cầu, Việt Nam đã nổi lên là điểm sáng, như hình mẫu thành công chống dịch của thế giới khi áp dụng các biện pháp ngăn ngừa sớm, quyết liệt và hiệu quả. Đến nay, có thể nói Việt Nam đã cơ bản đẩy lùi được COVID-19. Với 324 ca nhiễm COVID-19 trong 100 triệu dân, hệ số lây nhiễm dịch bệnh ở nước ta thuộc nhóm thấp nhất thế giới, chưa có bệnh nhân tử vong. Việt Nam ngày càng nhận được nhiều lời ca ngợi của quốc tế. Tạp chí The Diplomat có bài viết nhận định về phản ứng phòng chống đại dịch COVID-19 hiệu quả đến mức đáng ngạc nhiên từ Chính phủ Việt Nam và người dân.
Với phương châm: Tính mạng con người và lợi ích quốc gia, dân tộc là trên hết và “không để ai bị bỏ lại phía sau”, Chính phủ đã đưa ra các giải pháp phòng chống dịch rất phù hợp, hiệu quả trong từng giai đoạn và quyết liệt chỉ đạo thực hiện với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, đặc biệt có sự đồng thuận và thực hiện nghiêm túc của người dân cả nước. Với lời hiệu triệu “Mỗi người dân là một chiến sỹ trên mặt trận phòng, chống dịch bệnh” của Đảng và Chính phủ, nhân dân cả nước đã đồng tâm, đồng sức, đồng lòng cùng Đảng và Chính phủ vượt qua mọi khó khăn, thách thức để chống lại đại dịch.
Trong cuộc chiến đầy cam go, hiểm nguy chống “giặc COVID-19” trong bốn tháng qua đã có không ít những hy sinh thầm lặng. Đi đầu trong “cuộc chiến không tiếng súng” chống giặc vô hình này là những “người lính áo trắng” - các y, bác sỹ, cán bộ, nhân viên y tế lao vào ổ dịch bất kể ngày đêm, luôn túc trực 24/24 giờ để sẵn sàng đáp ứng những tình huống khẩn cấp. Không chỉ thực hiện công việc chuyên môn chăm sóc, điều trị bệnh nhân và phòng chống dịch bệnh, bản thân các y, bác sỹ phải tập trung cao độ, không có bất cứ sai sót nào để tránh lây nhiễm chéo cho những người xung quanh. Họ cũng phải cách ly tuyệt đối với gia đình, người thân, đặc biệt không được về nhà. Đã có rất nhiều câu chuyện cảm động về những “người lính áo trắng” trong giai đoạn chống dịch quyết liệt vừa qua. Chính họ đã giúp đất nước Việt Nam viết nên một trang sử hào hùng trong “cuộc chiến thầm lặng” nhưng không kém đau thương những thập niên đầu ở thế kỷ 21.
Sát cánh với những “người lính áo trắng” là lực lượng bộ đội, công an, dân phòng, tình nguyện viên - những người tạo “lá chắn thép vững chắc” để ngăn cho dịch bệnh không lây lan nhanh ra cộng đồng. Khi Chỉ thị thực hiện việc cách ly xã hội của Thủ tướng có hiệu lực, các chốt kiểm dịch ở các tỉnh, các khu dân cư có người nhiễm bệnh đã được thành lập và kiểm soát 24/24h các phương tiện đi lại, thực hiện việc “phong tỏa” các khu dân cư có người bệnh để ngăn chặn khả năng lan tràn dịch bệnh ra cộng đồng. Có rất nhiều hình ảnh cảm động như bộ đội dựng lán trại ở trong rừng để nhường chỗ cho người cách ly, cô y tá nợ vành khăn sô không thể về chịu tang mẹ, anh lính trẻ tạm hoãn ngày cưới vợ để tham gia trực chống dịch ở vùng biên giới, các sinh viên trường y xung phong tham gia công tác kiểm soát và thực hiện việc cách ly cho người dân về nước tại các sân bay, cửa khẩu, các tình nguyện viên tham gia hỗ trợ các lực lượng chức năng giúp người dân ở khu cách ly, vùng “phong tỏa” đo thân nhiệt, nấu cơm, phân phát lương thực, thực phẩm hàng ngày không quản ngại vất vả, hiểm nguy.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng “Tỉnh nào ở tỉnh đó, huyện nào ở huyện đó, xã nào ở xã đó, thôn nào ở thôn đó, nhà nào ở nhà đó”, các khẩu hiệu như “Ở nhà là yêu nước”, “Yêu nước thì phải ở nhà”; “Chống giặc thì phải xông pha, chống dịch thì phải ngồi yên ở nhà”… Nhiều tài khoản Facebook đã sử dụng dòng chữ “Hãy đứng im khi Tổ quốc cần” trên ảnh đại diện (avatar) với mục đích vận động mọi người hãy hạn chế đi lại khi không có việc gì đặc biệt quan trọng. Các trang cá nhân cùng nhau chia sẻ những khuyến cáo của cơ quan chức năng cũng như hướng dẫn của Bộ Y tế trong việc sử dụng các biện pháp nhằm ngăn ngừa dịch bệnh đã lan truyền nhanh chóng và có tác dụng trong việc kêu gọi người dân nghiêm túc thực hiện chỉ đạo chống dịch của chính phủ. Lực lượng y bác sỹ, nhân viên y tế cũng phát đi thông điệp “Chúng tôi đi làm vì các bạn, các bạn hãy ở nhà vì chúng tôi” để kêu gọi mọi người cùng có ý thức tham gia phòng chống dịch. Các khẩu hiệu với những nội dung kêu gọi người dân hãy tự giác, đoàn kết, ủng hộ và hợp tác với chính quyền, thực hiện tốt các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh đã đem lại kết quả mà theo đánh giá của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO): Việt Nam là nước có tỉ lệ người dân ủng hộ biện pháp phòng, chống dịch của Chính phủ cao nhất thế giới và đó cũng là một trong những nguyên nhân giúp Việt Nam ngăn chặn dịch COVID-19 thành công sớm nhất và ít thiệt hại nhất trên toàn thế giới.