Đại lễ Vesak Liên hợp quốc 2025: Cung nghênh xá lợi Phật và trái tim Bồ Tát Thích Quảng Đức

Với chủ đề “Đoàn kết và bao dung vì nhân phẩm con người: Tuệ giác Phật giáo vì hòa bình thế giới và phát triển bền vững”, Đại lễ Vesak Liên hợp quốc lần thứ 20 diễn ra từ ngày 6 đến 8/5, tại TP.Hồ Chí Minh.

Hoà thượng Thích Gia Quang phát biểu tại buổi họp báo

Tại buổi họp báo, Hòa thượng Thích Gia Quang, Trưởng ban Thông tin - Truyền thông Đại lễ Vesak Liên hợp quốc 2025, cho biết: Đại lễ Vesak Liên hợp quốc lần thứ 20 được Giáo hội Phật giáo Việt Nam đăng cai tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh, nhân dịp kỷ niệm 50 năm Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước và 80 năm Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Do vậy, đây sẽ là sự kiện đối ngoại văn hóa quốc tế vô cùng ý nghĩa của Giáo hội Phật giáo Việt Nam và của đất nước trong năm 2025.
Dự kiến, đại diện Liên hợp quốc, các tổ chức quốc tế cùng hơn 1.200 đại biểu đến từ 85 quốc gia và vùng lãnh thổ và khoảng 1.500 đại biểu trong nước sẽ tham dự Đại lễ Vesak Liên hợp quốc tại TP.Hồ Chí Minh.
Hòa thượng Thích Gia Quang nhấn mạnh, việc tổ chức Đại lễ Vesak Liên hợp quốc một lần nữa khẳng định với cộng đồng quốc tế về vai trò, vị thế của Giáo hội Phật giáo Việt Nam trong cộng đồng Phật giáo thế giới.
Đại lễ Vesak Liên hợp quốc 2025 là cơ hội để giới thiệu về hình ảnh đất nước, con người Việt Nam yêu chuộng hòa bình, thân thiện, đoàn kết và hòa hợp, để bạn bè quốc tế chứng kiến TP.Hồ Chí Minh năng động, sáng tạo và phồn vinh sau 50 năm đất nước thống nhất.
Sự kiện này cũng là dịp để Việt Nam khẳng định với cộng đồng quốc tế về chính sách nhất quán tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo; về thực tiễn đời sống tự do tôn giáo ở Việt Nam; về thành quả mà cộng đồng các tôn giáo ở Việt Nam đạt được trong 50 năm qua.

Quang cảnh tại buổi họp báo

Đại lễ Vesak Liên hợp quốc 2025 được xem là hoạt động tích cực của Giáo hội Phật giáo Việt Nam trong thực thi đường lối đối ngoại nhân dân, tăng cường hiểu biết, giao lưu, hợp tác hữu nghị thân thiết giữa nhân dân Việt Nam và bạn bè quốc tế, qua đó khẳng định vị thế và trách nhiệm của Việt Nam đối với Liên hợp quốc, cộng đồng quốc tế trong khu vực và thế giới. Tuyên bố Vesak Thành phố Hồ Chí Minh sẽ là sự đóng góp của Việt Nam vào sứ mệnh hoàn thành mục tiêu thiên niên kỷ Liên hợp quốc vì hòa bình và phát triển bền vững.
Các hoạt động bên lề Đại lễ Vesak Liên Hợp Quốc 2025 sẽ chính thức khởi động từ ngày 28/4, bao gồm chuỗi sự kiện văn hóa, lễ hội đặc sắc như: Đàn lễ tưởng niệm tri ân Anh hùng liệt sĩ nhân kỷ niệm 50 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước theo nghi lễ Phật giáo truyền thống đặc trưng ba miền Bắc, Trung, Nam; Lễ tắm Phật truyền thống; Đêm hoa đăng cầu nguyện hòa bình thế giới; Triển lãm mỹ thuật Phật giáo…
Theo Thượng tọa Thích Gia Quang, điểm đặc biệt trong kỳ Đại lễ lần này, so với ba lần tổ chức trước tại Việt Nam, là việc Giáo hội Phật giáo Việt Nam – được sự thống nhất từ Chính phủ hai nước Việt Nam và Ấn Độ – sẽ long trọng cung thỉnh xá lợi Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, bảo vật quốc gia của Ấn Độ, về tôn trí tại Đại lễ.
Hành trình cung nghinh, tôn trí và đỉnh lễ chiêm bái xá lợi sẽ chính thức khởi đầu tại Chùa Thanh Tâm – Học viện Phật giáo Việt Nam, tọa lạc trong Công viên Láng Le, xã Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh, TP.Hồ Chí Minh từ 8h00 ngày 2/5 đến hết ngày 8/5.
Tiếp sau đó, từ ngày 9/5 đến 13/5, xá lợi sẽ được cung thỉnh về Núi Bà Đen, tỉnh Tây Ninh – vùng đất hội tụ nhiều ngôi chùa cổ kính linh thiêng, đồng thời là điểm đến tâm linh tiêu biểu, trang nghiêm dành cho các đại biểu quốc tế.
Từ ngày 14/5 đến 16/5, xá lợi sẽ được cung rước qua một số tuyến phố của TP.Hà Nội, sau đó được tôn trí tại chùa Quán Sứ, Hà Nội – trụ sở Trung ương của Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
Từ ngày 17/5 đến 21/5, xá lợi sẽ an vị tại chùa Tam Chúc, tỉnh Hà Nam – nơi từng đăng cai Đại lễ Vesak 2019. Kết thúc Đại lễ, xá lợi sẽ được long trọng cung tiễn trở về Ấn Độ.
Bên cạnh đó, Đại lễ lần này đánh dấu một sự kiện thiêng liêng và trọng đại khác: Lần đầu tiên, Việt Nam tổ chức cung rước xá lợi trái tim Bồ tát Thích Quảng Đức – hiện đang được lưu giữ tại Ngân hàng Nhà nước Việt Nam – để chư Tăng, Ni cùng Phật tử trong và ngoài nước chiêm bái. Đây là một sự kiện mang ý nghĩa tâm linh sâu sắc, minh chứng cho tinh thần yêu nước, sự hy sinh cao cả vì độc lập, tự do của dân tộc; đồng thời là bảo vật vô giá – kết tinh tinh hoa Phật giáo Việt Nam được giới thiệu đến bạn bè quốc tế.
Địa điểm tôn trí, chiêm bái xá lợi trái tim Bồ tát Thích Quảng Đức tại Việt Nam Quốc Tự, 244 Đường 3/2, TP.Hồ Chí Minh, từ sáng ngày 3/5 đến 11/5. 

An Nhiên

Bài viết liên quan