
Cán bộ Hiệp hội Chữ thập đỏ – Trăng lưỡi liềm đỏ khảo sát thiệt hại bởi bão Yagi tại Cao Bằng, Việt Nam. (nguồn IFRC)
Cội nguồn của Phong trào nhân đạo lớn nhất thế giới được khơi nguồn từ lòng trắc ẩn của một thương gia Thụy Sĩ tên là Henry Dunant. Chứng kiến hậu quả khốc liệt của trận chiến Solferino năm 1859, ông đã kêu gọi người dân địa phương giúp đỡ người bị thương mà không phân biệt bạn – thù. Từ trải nghiệm đó, ý tưởng về một tổ chức nhân đạo toàn cầu ra đời. Năm 1863, Ủy ban Chữ thập đỏ quốc tế (ICRC) được thành lập, mở ra một chương mới cho các hoạt động cứu trợ nhân đạo có tổ chức và nguyên tắc.
Với sự phát triển không ngừng, đến nay Phong trào Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế đã có mặt tại 191 quốc gia và vùng lãnh thổ, thực hiện sứ mệnh giảm nhẹ nỗi đau, bảo vệ sự sống và khơi nguồn hy vọng cho hàng triệu con người – bất kể họ là ai, ở đâu và đang gặp phải hoàn cảnh gì.

Tình nguyện viên Hội Chữ thập đỏ Myanmar và các nhân viên cứu hộ đang tìm kiếm người sống sót trong đống đổ nát của một tòa nhà bị sập sau trận động đất mạnh 7,7 độ richter xảy ra tại miền trung Myanmar vào ngày 28 tháng 3 năm 2025. (nguồn IFRC)
Chủ đề của Ngày Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ năm nay nhấn mạnh tới tính bền bỉ, tinh thần kiên định của hàng triệu cán bộ, hội viên, tình nguyện viên Chữ thập đỏ trên khắp thế giới – những con người luôn có mặt nơi tuyến đầu thiên tai, dịch bệnh, xung đột, nơi sự sống còn được định đoạt từng giờ.
Chúng ta tôn vinh những người đã và đang nỗ lực không ngừng nghỉ để hành động nhân đạo diễn ra đúng lúc, đúng nơi, và đúng người cần giúp. Chúng ta tưởng nhớ những người đã hy sinh tính mạng để bảo vệ người khác – những biểu tượng sống động cho sự can đảm, vô tư và tận hiến.
Chúng ta cùng nhìn lại và khẳng định: không thể có hành động nhân đạo đúng nghĩa nếu thiếu đi nguyên tắc Nhân đạo – nền tảng xuyên suốt trong 7 nguyên tắc cơ bản của Phong trào. Chính nguyên tắc này là kim chỉ nam cho các nguyên tắc Vô tư, Trung lập, Độc lập, Tự nguyện, Thống nhất và Toàn cầu – giúp Phong trào hoạt động hiệu quả trong mọi bối cảnh, từ vùng chiến sự, thảm họa thiên nhiên cho đến các cuộc khủng hoảng nhân đạo âm thầm và kéo dài.

Nhân viên và tình nguyện viên của Hội Trăng lưỡi liềm đỏ Ả Rập Syria đang phân phát vật phẩm thiết yếu và tài liệu thông tin y tế từ một phòng khám lưu động tại Aleppo, Syria (nguồn IFRC)
Năm 2025 cũng đánh dấu 60 năm kể từ khi các Nguyên tắc cơ bản của Phong trào được thông qua (1965). Đây không chỉ là cột mốc lịch sử mà còn là lời nhắc nhở về tầm quan trọng của việc bảo vệ và duy trì các giá trị nhân đạo, đặc biệt trong một thế giới đang đối mặt với nhiều thách thức: biến đổi khí hậu, di cư, xung đột, bất bình đẳng và khủng hoảng y tế toàn cầu.
Trong bối cảnh đó, hành động nhân đạo – trung lập, độc lập, vô tư – không chỉ là lựa chọn, mà là sứ mệnh. Chính sự trung thành với các nguyên tắc giúp Phong trào giữ vững lòng tin của cộng đồng, duy trì khả năng tiếp cận đến những người cần nhất.
Hội Chữ thập đỏ Việt Nam tự hào là một phần tích cực trong đại gia đình nhân đạo toàn cầu. Từ hỗ trợ người dân trong thiên tai, dịch bệnh, đến chăm sóc sức khỏe cộng đồng, hiến máu tình nguyện, cứu trợ khẩn cấp… Hội luôn đồng hành với người dân trên hành trình vượt qua khó khăn.
Nhân dịp này, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam kêu gọi mỗi người dân, mỗi tổ chức hãy cùng hành động – dù là nhỏ bé – vì nhân đạo. Một giọt máu cho đi, một món quà sẻ chia, một việc làm thiện nguyện… tất cả đều là biểu hiện của trái tim nhân ái, cùng nhau viết tiếp câu chuyện nhân đạo bền vững cho Việt Nam và thế giới.
Khánh Chi