Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Nguyễn Hải Anh - Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hội Chữ thập đỏ Việt Nam nhấn mạnh: Mô hình dự báo FbF được Hiệp hội Chữ thập đỏ - Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế triển khai và Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên được lựa chọn thực hiện thí điểm mô hình. Trong quá trình triển khai mô hình, mặc dù có những thách thức về nhân lực cũng như việc áp dụng những kiến thức liên quan tới khoa học nhưng mô hình đã được thực hiện thành công tại Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng với loại hình nắng nóng và bước đầu đã cho thấy tính hiệu quả của mô hình trong việc ứng phó với thiên tai. Từ những kết quả của hoạt động thí điểm dự án đã rút ra được những bài học kinh nghiệm để thiết lập Quy trình chuẩn vận hành điểm tránh, trú nắng cố định và lưu động. Việc triển khai thành công mô hình FbF tại Việt Nam cũng sẽ là cơ sở để Hiệp hội Chữ thập đỏ - Trăng lưỡi liềm đỏ xây dựng bộ công cụ về các tiêu chí ngưỡng dự báo FbF đối với loại hình nắng nóng để áp dụng tại các quốc gia khác chịu nhiều nắng nóng trên thế giới như Trung Đông và Châu Phi. Thời gian tới, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam sẽ phối hợp với các nhà khoa học, các chuyên gia để xây dựng mô hình FbF cho loại hình thiên tai bão lũ và mở rộng ra các loại hình thiên tai khác cần có sự dự báo trước như sạt lở đất, lũ quét, hạn hán.
FbF là mô hình hỗ trợ tài chính dựa vào dự báo đã được đưa vào Chiến lược phát triển Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2045. Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đã xây dựng Khung hành động 5 năm ( 2020-2025) của FbF về “thúc đẩy hợp tác và trao đổi kiến thức trong và ngoài Hội Chữ thập đỏ Việt Nam”. Kể từ năm 2021, FbF cho nắng nóng sẽ được đưa vào kế hoạch ứng phó thiên tai hàng năm của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam. Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đặt mục tiêu trở thành tổ chức dẫn đầu về FbF của Chữ thập đỏ - Trăng lưỡi liềm đỏ trong các Hội Quốc gia tại ASEAN.
Chia sẻ tại hội thảo, ông Trần Sĩ Pha- Quyền Trưởng Ban Quản lý thảm họa Hội Chữ thập đỏ Việt Nam cho biết: Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đang bắt đầu các bước tiến tới xây dựng Quy trình hành động sớm (EAP) về bão. Việc xây dựng EAP cho bão để đáp ứng các nhu cầu của nhóm dân số dễ bị tổn thương ở 33 tỉnh có nguy cơ cao nhất cũng như sẽ nâng cao hơn nữa năng lực sẵn sàng của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam trong thực hiện tốt hơn phương châm 4 tại chỗ lâu nay chúng ta đã triển khai.
Tại Hội thảo, các nhà khoa học và đại diện các tỉnh/thành Hội Chữ thập đỏ tham gia hội thảo như Đà Nẵng, Quảng Trị, Hà Nội, Thanh Hóa, TP Hồ Chí Minh, Cần Thơ,… đã cùng nhau thảo luận về các đề xuất để triển khai dự án FbF giai đoạn 2 nhằm ứng phó với nhu cầu nhân đạo của những người dễ bị tổn thương nhất bị ảnh hưởng bão lụt và nắng. Việc triển khai giai đoạn 2 của Dự án sẽ tập trung vào các ưu tiên như: Xây dựng EAP cho bão lụt; Củng cố năng lực của Hội Chữ thập đỏ để thực hiện EAP cho nắng nóng; Điều phối và cộng tác với các bên liên quan; Tăng cường năng lực hoạt động và hỗ trợ hoạt động của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam về Giám sát & đánh giá (M&E) khung EAP và huy động nguồn lực. Dự án triển khai giai đoạn 2 cũng thúc đẩy việc mở rộng quy mô và tính bền vững của Quy trình hành động sớm (EAP) cho nắng nóng thông qua việc nâng cao năng lực của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam trong việc huy động nguồn lực và vận động để đảm bảo nguồn lực trong nước cho ứng phó nắng nóng hàng năm.
Thời gian thực hiện dự án dự kiến từ 1/5/2021 – 31/8/2022 với kinh phí dự kiến 500.000 (Euro) được thực hiện tại Huế, Nghệ An, TP Hồ Chí Minh, Khánh Hòa,…
Có thể nói, việc xây dựng EAP để đáp ứng các nhu cầu của nhóm dân số dễ bị tổn thương ở các tỉnh có nguy cơ cao nhất đã khẳng định tính tiên phong của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam - một tổ chức đi đầu trong các hoạt động cứu trợ nhân đạo.
Trần Thu Hương