Dự kiến đến cuối năm 2021, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm còn 2,61%, tương đương còn 11.408 hộ nghèo (giảm 1,5% so với năm 2020); hộ cận nghèo giảm còn 19.581, tỷ lệ 5,18%. Riêng các huyện nghèo theo Nghị quyết số 30a, dự kiến hộ nghèo giảm còn 6.760 hộ, tỷ lệ 24,34%, giảm 5% so với năm 2020; hộ cận nghèo còn 5.067 hộ, tỷ lệ còn 18,25%.
Triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu giảm nghèo bền vững trong điều kiện còn nhiều khó khăn và thách thức, nhất là tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, song ngay từ đầu năm 2021, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Bình Định đã quyết tâm vào cuộc, chỉ đạo quyết liệt các cấp, các ngành, doanh nghiệp, nhân dân nỗ lực trong thực thi chính sách và huy động nguồn lực để thực hiện hiệu quả chương trình giảm nghèo. Trong đó, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch giảm nghèo cụ thể, chỉ đạo các địa phương xây dựng kế hoạch và đăng ký chỉ tiêu giảm nghèo với tỉnh, trên cơ sở phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương, nguồn lực giảm nghèo…
Cụ thể, ngày 06/01/2021, UBND tỉnh Bình Định có Quyết định số 66/QĐ-UBND về việc ban hành một số chỉ tiêu và giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2021; Quyết định số 214/QĐ-UBND ngày 19/01/2021 giao chỉ tiêu kế hoạch cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác từ nguồn vốn ngân sách tỉnh ủy thác qua Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh năm 2021 cho Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội các huyện, thị xã, thành phố; Kế hoạch số 64/KH-UBND ngày 04/06/2021 triển khai thực hiện các chính sách, dự án giảm nghèo tỉnh Bình Định năm 2021… Đồng thời, chỉ đạo các cấp, các ngành, địa phương chủ động triển khai thực hiện hỗ trợ cho hộ nghèo, hộ cận nghèo để đảm bảo an sinh xã hội, như: cấp thẻ BHYT, thực hiện miễn, giảm học phí, học bổng, hỗ trợ sinh kế qua nguồn vốn tín dụng ưu đãi…
Theo báo cáo ngày 1/11 của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Bình Định, kết quả trong 9 tháng năm 2021, toàn tỉnh có 2.084 hộ nghèo được vay 103,828 tỷ đồng, 4.068 hộ cận nghèo vay 219,503 tỷ đồng và 1.396 hộ mới thoát nghèo vay 85,014 tỷ đồng từ nguồn tín dụng ưu đãi để phát triển sản xuất; cho vay hộ học sinh, sinh viên là 1.469 hộ/82,780 tỷ đồng...; Tổng dư nợ đạt 4.735 triệu đồng, với số 120.280 hộ dư nợ; ước thực hiện đến hết năm 2021 (dư nợ) là 4.730.645 triệu đồng.
Ngân hàng Chính sách xã hội Bình Định giải ngân cho hộ nghèo vay vốn nhưng vẫn đảm bảo thực hiện phòng, chống dịch bệnh Covid-19
Ngoài ra, từ nguồn vốn chính sách tín dụng ưu đãi hộ nghèo, Bình Định còn có hơn 16 ngàn công trình nước sạch và vệ sinh tại vùng nông thôn; giải quyết việc làm cho hơn 17 ngàn lao động trong nước và 22 lao động nước ngoài, hơn 1.000 học sinh, sinh viên được vay vốn, xây dựng 100 căn nhà ở cho đối tượng chính sách.
Đối với chính sách hỗ trợ BHYT, toàn tỉnh thực hiện gia hạn, cấp 257.873 thẻ BHYT. Trong đó, người hưởng chính sách bảo trợ xã hội 72.580 thẻ; người nghèo 40.374 thẻ; đồng bào dân tộc thiểu số 16.495 thẻ; người dân xã đặc biệt khó khăn Chương trình 30a, thôn đặc biệt khó khăn, xã đặc biệt khó khăn Chương trình 135 là 58.220 thẻ; người dân xã đảo Nhơn Châu 40.135 thẻ; người thuộc hộ cận nghèo 27.944 thẻ; người có mức sống trung bình 2.124 thẻ. Tổng kinh phí ngân sách Nhà nước dự kiến hỗ trợ là 202,920 tỷ đồng, kinh phí ngoài ngân sách (huy động, hộ hưởng lợi tự bỏ tiền) là 4,563 tỷ đồng.
Về chính sách hỗ trợ miễn, giảm học phí, chi phí học tập, gạo học sinh vùng đặc biệt khó khăn, trong 9 tháng, tỉnh đã thực hiện hỗ trợ 45.108 học sinh mầm non, phổ thông con hộ nghèo, đồng bào dân tộc thiểu được miễn giảm học phí và chi phí học tập theo Nghị định số 86/2015/NĐ-CP, kinh phí thực hiện 20,259 tỷ đồng; ước thực hiện cả năm 2021 có 80.870 lượt học sinh mầm non, phổ thông con hộ nghèo, hộ dân tộc thiểu số được hỗ trợ miễn giảm học phí, chi phí học tập, kinh phí thực hiện gần 37 tỷ đồng. Thực hiện hỗ trợ gạo cho 5.177 lượt học sinh tại các trường ở khu vực có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn theo quy định tại Nghị định số 116/2016/NĐ-CP ngày 18/7/2016 của Chính phủ, với tổng số gạo được hỗ trợ 371,736 tấn gạo, bình quân mỗi em được hỗ trợ 15kg/tháng, thời gian hỗ trợ là 9 tháng.
Trong 9 tháng, Bình Định cũng đã thực hiện hỗ trợ tiền điện cho 17.264 hộ nghèo về thu nhập, 3.004 hộ chính sách xã hội có lượng tiêu thụ điện dưới 50kwh/hộ/tháng và hộ chính sách xã hội ở vùng chưa có điện lưới; kinh phí thực hiện hơn 10,457 tỷ triệu đồng, ước thực hiện đến hết năm 2021 gần 13,468 tỷ đồng.
Thực hiện chính sách cho vay giải quyết việc làm, theo báo cáo của Chi nhánh Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh, ước trong 9 tháng đầu năm 2021, các địa phương phê duyệt 11.000 dự án với tổng số tiền cho vay là 470 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho 16.000 lao động (tăng 49% so với cùng kỳ). Hỗ trợ 25 người lao động thuộc hộ nghèo vay vốn với tổng số tiền là 2 tỷ đồng để tham gia đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng…
Về chính sách hỗ trợ giảm nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, Bình Định đã cấp muối i-ốt cho 41.297 nhân khẩu là người dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh, với 247.782 kg muối i-ốt (6kg/người); dự kiến đến 31/12/2021, giải ngân đạt 100% kế hoạch vốn giao. Hỗ trợ học bổng cho học sinh kinh phí 15 tỷ đồng; hỗ trợ tiền điện 196 triệu đồng...
Trong 9 tháng năm 2021, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Bình Định đã huy động Quỹ “Vì người nghèo” được 9,134 tỷ đồng ở ba cấp. Thực hiện hỗ trợ xây dựng mới 159 nhà ở cho hộ nghèo, sửa chữa 8 nhà, kinh phí 4,887 tỷ đồng. Ngoài ra, đã thực hiện các hoạt động khác như: giúp nhau phát triển sản xuất cho 16 người, giúp đỡ khám chữa bệnh cho 106 người, giúp hỗ trợ học tập cho 139 học sinh, kinh phí đã thực hiện 6,142 tỷ đồng.
Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh cũng đã huy động từ các hoạt động an sinh xã hội thông qua các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân thực hiện hỗ trợ trên 31,018 tỷ đồng. Trong đó, hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở cho 78 hộ nghèo; xây dựng các công trình hạ tầng trên 12,412 tỷ đồng; giúp 294 học sinh học tập và hỗ trợ khác cho 12.227 lượt hộ.
Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo tỉnh Bình Định đã huy động sự đóng góp của các tổ chức, cá nhân với tổng giá trị hơn 68,907 tỷ đồng. Đã thực hiện hỗ trợ trên 150.000 lượt bệnh nhân nghèo, đồng bào nghèo, kinh phí gần 50 tỷ đồng; trao tặng 513.123 suất ăn cho bệnh nhân nghèo, kinh phí 11,553 tỷ đồng; xây dựng 10 nhà tình thương hộ nghèo, kinh phí 950 triệu đồng. Trong tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn ra trên địa bàn tỉnh, Hội đã vận động hàng hóa và tiền mặt giá trị 6,498 triệu đồng.
Có thể thấy, việc huy động, vận động từ các nguồn kinh phí xã hội hóa để thực hiện công tác giảm nghèo, an sinh xã hội, trong đó có sự vào cuộc tích cực của MTTQ các cấp, Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo của tỉnh đã hỗ trợ kịp thời cho những hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, bị rủi ro, bệnh tật sớm vượt qua khó khăn.
Theo kế hoạch trong năm 2022, Bình Định đặt mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân chung của tỉnh từ 1,5% - 2%/năm. Trong đó, các huyện nghèo (Vân Canh, Vĩnh Thạnh và An Lão) giảm bình quân từ 4% - 5%/năm; các huyện, thị xã, thành phố đạt chuẩn nông thôn mới giảm tỷ lệ từ 0,9%-1,3%/năm; các huyện còn lại giảm từ 1,5% - 2%/năm; tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm trên 3%/năm.
Chí Tâm