Bằng tấm lòng yêu thương, chia sẻ của mình bà Diệp đã cưu mang hàng trăm sinh viên đến từ nhiều tỉnh thành trên cả nước có hoàn cảnh khó khăn khi đến Huế học tập.
"Căn nhà nuôi dưỡng ước mơ"
Vào một buổi chiều của những ngày giữa tháng 5, qua lời chỉ dẫn của một dì bán bánh mì, chúng tôi tìm đến con hẻm 104 đường Kim Long, phường Kim Long, Tp.Huế, tỉnh Thừa Thiên-Huế, nơi có căn nhà nhỏ của bà Huỳnh Thị Diệp (91 tuổi), dù chỉ là một căn nhà nhỏ song bên trong lại chứa đựng một tấm lòng cao cả và một tình người bao la mà nhiều người dân ở đây vẫn hay gọi với cái tên trìu mến "căn nhà nuôi dưỡng ước mơ".
Sau một hồi đi theo sự chỉ dẫn của người dân, PV đã tìm được nhà của bà Diệp. Khi vừa bước vào nhà, nghe thấy tiếng gọi, anh Phan Văn Chiều (24 tuổi), quê ở Nghệ An, một sinh viên đang sống ở nhà bà Diệp cho biết: "Anh đã học xong đại học rồi nhưng ở lại đây còn học thêm một vài thứ nữa để đi làm".
Qua một lúc trò chuyện, anh Chiều đưa chúng tôi vào phòng để gặp chủ nhân ngôi nhà. Phòng của bà nằm bên cạnh gian bếp, bên trong chẳng có gì đáng giá ngoài chiếc giường đơn sơ đã cũ. Vừa bước vào phòng, anh Chiều ghé tai bà Diệp rồi nói: "Mệ ơi, có khách đến".
Lúc này, cụ bà với dáng người nhỏ nhắn, mái tóc bạc phơ cất giọng nói ấm áp: "Các con ngồi đi, có chuyện gì thì cứ nói với mệ". Rồi bà Diệp nhờ anh Chiều dìu mình ngồi dậy. Ở cái tuổi xưa nay hiếm, đôi mắt, đôi tai của bà Diệp đã mờ và lãng hẳn. Suốt cuộc trò chuyện với chúng tôi, anh Chiều phải là người "phiên dịch" bất đắc dĩ vì bà Diệp. Đôi lúc chúng tôi phải ghé sát tai và nói thật to thì bà Diệp mới nghe được.
Chia sẻ với chúng tôi về cơ duyên cưu mang hàng trăm sinh viên có hoàn cảnh khó khăn khi đến Huế học tập trong ba thập kỷ qua, bà Diệp cười nói, vào năm 1991, bà bắt đầu giúp đỡ và cưu mang các bạn sinh viên nghèo khắp mọi miền khi đến Huế học tập, tìm kiếm con chữ để vươn lên, thoát nghèo. Tại thời điểm này, bà thấy mấy cháu sinh viên ngoại tỉnh vào Huế thi đại học, tìm chỗ ngủ nghỉ cũng khá khó khăn và tốn kém, bà quyết định dùng căn nhà của mình để các cháu vào ở cho đến bây giờ.
Bà Diệp tâm sự, bà cảm thấy rất xót thương hình ảnh các bậc cha mẹ vất vả nuôi con ăn học. Rồi họ còn phải đưa con từ các vùng quê xa xôi vào Huế thi cử; nhiều người còn phải bán đi tài sản trong nhà để có thể đưa con lên thành phố học tập, tìm kiếm con chữ, mong thoát nghèo trong tương lai. Thấu hiểu được những khó khăn đó, bà quyết định đón các bạn sinh viên nghèo vào nhà mình và cho các bạn ở miễn phí đến khi ra trường. Nhiều bạn sinh viên học xong đại học nhưng chưa ổn định được cuộc sống vẫn có thể tiếp tục lưu trú ở nhà bà.
"Trong căn nhà này, không có ai là ruột thịt hay máu mủ của tôi cả, các cháu là những người tứ xứ được tôi cưu mang. Mặc dù vậy, các cháu luôn coi nhau như anh chị em người thân trong gia đình cùng nhau cố gắng, nỗ lực để vượt qua khó khăn và nuôi dưỡng ước mơ thoát nghèo", bà Diệp nói.
Kể về thời còn trẻ của mình, bà Diệp cho biết, năm 17 tuổi, bà đi chằm nón lá, đến năm 24 tuổi bà theo người cậu đến giáo xứ để phục vụ, làm công quả, bà làm phụ việc bếp cho các linh mục. Trải qua một thời gian dài với công việc bận rộn của mình mà bà quên đi việc lập gia đình.
Bà Diệp chia sẻ, do bà không lập gia đình nên chẳng có con cháu, anh chị em ruột thì ở xa nên mỗi lần không may bà bị đau ốm hay đi đâu có việc bà đều nhờ các bạn sinh viên thay nhau hỗ trợ mình.
Trước những chia sẻ của bà Diệp, chúng tôi ghé sát tai bà và nói: "Thưa bà, đến thời điểm hiện tại, bà có những mong muốn, nguyện vọng gì về cuộc sống cũng như việc làm thiện nguyện của mình?". Bà Diệp đáp: "Tôi chỉ cần có các bạn sinh viên ở bên quan tâm, nói chuyện với tôi là tôi đủ vui và hạnh phúc rồi. Tôi chỉ mong các bạn sinh viên sẽ học tập thật tốt để thành đạt sau này”.
Người mẹ hiền thứ hai
Với tấm lòng yêu thương, bao dung và sâu sắc của mình, bà Diệp đã cưu mang biết bao thế hệ sinh viên nghèo vượt khó đến từ nhiều tỉnh thành như Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Nam... khi đến Huế học tập. Trong số những sinh viên được bà cưu mang có không ít người đã rất thành đạt.
Bà Diệp kể, anh Trần Văn Dung, nay là Giám đốc Trung tâm âm nhạc Melody Huế, là một trong những thế hệ trưởng thành từ căn nhà yêu thương của bà. "Hồi trước, Dung cũng như mấy cháu sinh viên bây giờ, hoàn cảnh khó khăn nên tôi cho vào ở. Cứ ngày nghỉ hay lễ là nó về thăm tôi rồi tặng quà để tôi giúp đỡ thêm cho các cháu sinh viên", bà Diệp chia sẻ thêm.
Cùng lúc này khi bà Diệp vừa dứt lời, anh Chiều liền tâm sự với chúng tôi, anh nói, tình yêu thương của mệ đối với anh cũng như nhiều bạn sinh viên khác là vô cùng to lớn. Lúc trước, khi mệ còn khoẻ thường căn dặn anh cũng như các bạn khác phải chăm chỉ học hành cố gắng vươn lên, không được ham chơi sa đà nếu không nghe mệ sẽ nghiêm khắc dạy dỗ. Cũng chính vì sự nghiêm khắc của mệ mà các anh, em trong nhà ai cũng tự ý thức được việc học của mình, kết quả học tập của các bạn qua các năm đều rất tốt.
Anh Chiều cho hay, hiện tại trong nhà có 4 bạn đang ở cùng mệ Diệp. Nam sẽ ngủ ở trên gác còn nữ thì ở phòng bên cạnh phòng mệ, ngoài ra còn có phòng để học và sinh hoạt chung. Thường ngày các bạn sẽ phân công nhau đi chợ, nấu ăn cho cả mệ và mọi người ăn. Hôm nào đi chơi thì các bạn phải nói với mệ một tiếng để mệ yên tâm.
Cũng theo anh Chiều, anh và các bạn ở đây luôn xem mệ Diệp như là người mẹ hiền thứ hai của mình. "Mệ cũng lớn tuổi nên đi lại có phần khó khăn, tôi cũng như các bạn khác luôn ở bên để hỗ trợ mệ trong sinh hoạt hàng ngày. Ngày trước khi mệ còn khoẻ và chân vẫn còn đi vững, mệ sẽ nấu cho cả nhà cùng ăn. Tuy nhiên gần đây mệ hay đau ốm, vấp ngã, gặp các triệu chứng khó ngủ của tuổi già nên sức khoẻ cũng kém đi. Tôi rất mong mệ Diệp sẽ có thật nhiều sức khoẻ để mệ có thể tiếp tục làm công việc ý nghĩa này", anh Chiều tâm sự.
Chị Trần Thị Ngọc Ánh, một sinh viên khác cũng đang ở nhà bà Diệp cho hay, từ khi bà bị ngã đến giờ, đêm nào chị và các bạn đều chú ý tiếng mở cửa phòng của mệ để có thể giúp mệ khi cần.
Chia sẻ về việc làm nhân văn của bà Diệp, ông Mai Khắc Phục, Chủ tịch UBND phường Kim Long cho biết, chính quyền đánh giá rất cao hành động ý nghĩa của mệ Diệp. Tấm lòng của mệ đã giúp được cho rất nhiều bạn sinh viên có thêm động lực để vươn lên trong học tập.
"Biết được hoàn cảnh của mệ Diệp nên UBND phường cũng thường xuyên quan tâm, động viên và hỗ trợ. Các em sinh viên ở cùng với mệ Diệp cũng rất tốt, các em thay phiên nhau chăm sóc mệ rất chu đáo, tận tình như người thân trong nhà", ông Phục nhấn mạnh.
Được biết, với việc làm ý nghĩa của mình, vào tháng 10/2022, bà Huỳnh Thị Diệp đã nhận được danh hiệu "Phụ nữ tiêu biểu vì cộng đồng 2022".
Vân Anh