Giá trị cao hơn của “Chợ Nhân đạo” là nhân lên tình yêu thương, chia sẻ trong cộng đồng

Năm 2020, lần đầu tiên mô hình “Chợ Nhân đạo” được Hội Chữ thập đỏ Việt Nam triển khai trong toàn hệ thống Hội và Tết Tân Sửu 2020 mô hình tiếp tục được triển khai với nhiều hình thức mới, sinh động. Tạp chí Nhân đạo giới thiệu bài viết cuộc trao đổi với bà Trần Thị Hồng An - Phó Chủ tịch (PCT) Hội Chữ thập đỏ Việt Nam về kết quả cũng như ý nghĩa xã hội của mô hình.

PV: Thưa Phó Chủ tịch, năm 2020, mô hình “Chợ  Nhân đạo” đã được triển khai trong toàn hệ thống Hội. Phó Chủ tịch có thể cho biết một số kết quả nổi bật cũng như những ý nghĩa xã hội của mô hình?
PCT Trần Thị Hồng An: Năm 2020 là năm đất nước ta đã gánh chịu nhiều thiên tai thảm họa, đặc biệt là đại dịch Covid-19 làm cho nhiều người dân gặp khó khăn trong việc đảm bảo lương thực, thực phẩm và nhu yếu phẩm thiết yếu. Xuất phát từ thực tế trên, trong “Tháng Nhân đạo” năm 2020, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đã chỉ đạo linh hoạt, một mặt vừa tham gia phòng, chống dịch, thực hiện giãn cách xã hội, mặt khác vẫn đảm bảo công tác trợ giúp người dân một cách kịp thời, thiết thực và mô hình “Chợ Nhân đạo” đã được triển khai trong toàn hệ thống Hội.
Từ nguồn kinh phí hỗ trợ ban đầu của Trung ương Hội là 50 triệu đồng/tỉnh, mô hình đã thu hút hàng trăm doanh nghiệp, nhóm thiện nguyện, cá nhân cùng tham gia. Kết quả, trong Tháng Nhân đạo 2020, các cấp Hội đã tổ chức được gần 500 phiên “Chợ Nhân đạo”, hỗ trợ hơn 120.000 người phiếu mua hàng miễn phí (mỗi phiếu trị giá trung bình trên 300 nghìn đồng) với tổng kinh phí huy động trên 35,8 tỷ đồng, vượt 3,5 lần chỉ tiêu về vận động kinh phí. Kết  quả này đã khẳng định giá trị cao hơn mà mô hình “Chợ Nhân đạo” tạo được, đó là nhân lên tình yêu thương, chia sẻ trong cộng đồng; cổ vũ, lan tỏa giá trị nhân đạo trong các tầng lớp nhân dân; góp phần thực hiện chính  sách  an  sinh xã  hội của Đảng và Nhà nước bằng phương thức xã hội hóa.
Phó Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Việt Nam Trần Thị Hồng An (thứ hai, bên phải) trao những món quà ý nghĩa cho người dân tại Chợ Nhân đạo lưu động tổ chức tại Hà Giang Tết Tân Sửu-2021. Ảnh: Hà Mi
Bên cạnh đó, mô hình đã khẳng định 5 cái được, đó là: 
Tính công khai, minh bạch: Việc lựa chọn người hưởng lợi được các cấp Hội và tình nguyện viên điều tra, khảo sát cụ thể, đảm bảo tính công khai, minh bạch, dân chủ trong các khâu từ lựa chọn người hưởng lợi, giá cả, chất lượng hàng hóa, nguồn vận động. 
Tính nhân văn: Người hưởng lợi được tự lựa chọn các mặt hàng theo nhu cầu, có thể tự bù thêm tiền để mua các mặt hàng có trị giá lớn hơn trị giá phiếu được cấp. 
Tính tổ chức, cộng đồng: Công tác tổ chức khoa học, chuyên nghiệp, có sự chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền và sự tham gia của các ban, ngành, đoàn thể và các lực lượng xã hội tại địa phương.
Tính kết nối: Tập hợp, kết nối được nhiều tổ chức, cá nhân, nhóm thiện nguyện, huy động tối đa khả năng đóng góp bằng nhiều hình thức: Đóng góp gian hàng tại chợ, cung cấp hàng trợ giá, ủng hộ tiền mặt, hỗ trợ phương tiện vận chuyển hàng hóa, tham gia công tác tổ chức chợ. 
Tính đa dạng, phù hợp: Hỗ trợ được nhiều nhóm đối tượng (hộ dân nghèo, nông dân, nhà sản xuất, công ty, doanh nghiệp thực hiện trách nhiệm xã hội). Có thể đa dạng hóa cách thức triển khai để phù hợp với nhiều vùng, miền, bối cảnh.
PV: Là một mô hình mới, trong quá trình thực hiện, Hội Chữ thập đỏ các cấp đã có những cách làm sáng tạo như thế nào trong việc trợ giúp người nghèo, người dễ bị tổn thương, thưa Phó Chủ tịch?
PCT Trần Thị Hồng An: Là mô hình mới nhưng “Chợ Nhân đạo” được nhiều tỉnh, thành Hội tổ chức tốt, áp dụng rất sáng tạo và linh hoạt. 
Chợ Nhân đạo được tổ chức tại xã Môn Sơn, huyện Con Cuông, Nghệ An trong Tháng Nhân đạo - tháng 5/2020.
Những phiên chợ vùng biên của Sơn La, Hà Giang, Thanh Hóa, Nghệ An, Gia Lai, Bình Phước...nhộn nhịp, đầm ấm, vui tươi như một nét văn hóa mới của phiên chợ tình người. Phiên chợ Nhân đạo cho ngư dân vùng biển Hải Phòng, Hà Tĩnh, Bình Định, Bến Tre đã kịp thời mang đến cho người dân những nhu yếu phẩm cần thiết trong mùa dịch. Những phiên chợ cho công nhân khó khăn, mất việc làm ngoài việc được tặng hàng hóa còn được hỗ trợ phiếu thanh toán thuê phòng trọ ở TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Tuyên Quang...
Hay “Chợ trong chợ” ở Nghệ An tổ chức ngay tại chợ truyền thống của người dân địa phương xã biên giới Môn Sơn - xã vùng cao giáp biên của huyện Con Cuông. “Chợ - Siêu thị” cho công nhân nghèo, mất việc làm do Covid-19 được Hội Chữ thập đỏ tỉnh Tuyên Quang phối hợp với Siêu thị Long Bình An tổ chức tại Khu Công nghiệp Long Bình An. Chợ Nhân đạo "Tiếp sức em tới trường" tại Sơn La hỗ trợ học sinh đồ dùng học tập...
PV: Mô hình “Chợ Nhân đạo” tiếp tục được Hội triển khai trong dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu - 2021. Vậy những nét chính trong việc triển khai “Chợ Nhân đạo” Tết Nguyên đán là gì? 
PCT Trần Thị Hồng An: Từ những kết quả bước đầu của mô hình “Chợ Nhân đạo”, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam mong muốn duy trì và phát triển bền vững mô hình này tại cộng đồng, góp phần thực hiện nhiệm vụ của Hội trong trợ giúp những người có hoàn cảnh khó khăn. Chính vì thế, Phong trào " Tết vì người nghèo, nạn nhân chất độc da cam 2021", Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đã chỉ đạo, hướng dẫn các tỉnh/thành Hội trong cả nước triển khai đồng loạt “Chợ Nhân đạo”. Trung ương Hội hỗ trợ trên 3,5 tỷ đồng để các tỉnh thực hiện các mô hình: Hội chợ, Chợ Nhân đạo lưu động, Chợ Nhân đạo . Chợ Nhân đạo đã được tổ chức đồng loạt trong tuần cao điểm từ ngày 22/01/2021 đến ngày 31/01/2021 (tức từ ngày 10/12 đến ngày 19/12 âm lịch). Ở mỗi vùng miền có những phiên chợ đặc thù như: Chợ Biên cương, Chợ Tết hải đảo...
Trong phiên chợ khuyến khích sử dụng các sản phẩm của người dân trực tiếp sản xuất tại địa bàn, trị giá mỗi phiếu mua hàng tối thiểu từ 300.000 đồng trở lên. Đặc biệt, tại những nơi vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, điều kiện kinh tế và đi lại còn khó khăn nhiều tỉnh đã tổ chức "Chợ Nhân đạo lưu động" thu hút rất đông đảo người dân tham gia. 
Trong thời gian qua, Chợ Tết Nhân đạo Tân Sửu  đã được triển khai đồng loạt ở các tỉnh/thành trong cả nước với những mặt hàng thiết yếu được trao tặng. Có thể nói “Chợ Nhân đạo” Tết Tân Sửu - 2021 đã hỗ trợ một cách thiết thực nhất những mặt hàng Tết để người nghèo, nạn nhân chất độc da cam và những người dễ bị tổn thương có một cái Tết vui tươi và đầm ấm. 
Trần Thu Hương (thực hiện)

Bài viết liên quan