Hỗ trợ tài chính dựa vào dự báo - kỷ nguyên mới cho hoạt động nhân đạo

Ngày 30/10, tại Hà Nội, Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam phối hợp với Viện Khoa học Khí tượng Thuỷ văn và Biến đổi khí hậu đã tổ chức Hội thảo Dự báo tác động thiên tai giúp xây dựng mô hình ngưỡng kích hoạt nắng nóng và bão.

Hội thảo với sự tham dự của đại diện các Ban Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam; Đại diện Hiệp hội Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ; Đại diện Hội Chữ thập đỏ Đức cùng các nhà khoa học đến từ Viện Khoa học Khí tượng Thuỷ văn, Trung tâm dự báo Khí tượng Thuỷ văn quốc gia, Trung tâm Ứng dụng công nghệ Khí tượng Thuỷ văn; Đại học quốc gia Hà Nội.           


Toàn cảnh buổi hội thảo

Chia sẻ tại hội thảo, ông Trần Sĩ Pha - Quyền Trưởng Ban Quản lý thảm họa Hội Chữ thập đỏ Việt Nam nhấn mạnh tác động của thiên tai tới con người ngày càng to lớn. Chính vì thế việc xây dựng mô hình hỗ trợ tài chính dựa vào dự báo (FbF) càng trở lên cần thiết. Hiện nay có 22 Hội quốc gia đã ứng dụng mô hình FbF nhưng chỉ có duy nhất Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đang thực hiện hợp tác với các nhà khoa học để đưa ra ngưỡng cảnh báo kích hoạt với thiên tai. Trong thời gian qua, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đã thực hiện thí điểm thành công mô hình FbF về nắng nóng tại các đô thị. Tại Hội thảo lần này, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam tổ chức với mong muốn cùng các nhà khoa học đi đến thống nhất xây dựng ngưỡng cảnh báo sớm đối với loại hình nắng nóng và bão - là những loại hình thiên tai xảy ra thường xuyên tại Việt Nam để từ đó đưa mô hình vào các can thiệp hoạt động của Chính phủ nhằm giảm thiểu những thiệt hại do nắng nóng và bão gây ra.   


Công nhân thi công đoạn đường Phạm Văn Đồng vào tránh nắng, nghỉ ngơi uống nước tại điểm tránh nóng của Hội Chữ thập đỏ Hà Nội
 

Ông Vũ Văn Thăng - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Khí tượng khí hậu, Viện khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu khẳng định qua việc hợp tác thực hiện mô hình mô hình FbF về nắng nóng tại các đô thị giữa Hội Chữ thập đỏ Việt Nam và Viện thời gian qua cho thấy với FbF thông tin được dự báo để đưa ra các hành động sớm ứng phó với các sự kiện cực đoan sắp xảy ra. Việc triển khai mô hình FbF với các loại hình thiên tai khác nhau như nắng nóng, bão, lũ lụt, hạn hán nhằm nâng cao tính chủ động trong công tác phòng ngừa và ứng phó thiên tai, thảm hoạ, giảm thiểu thiệt hại cho cộng đồng.             
Phân tích cụ thể về vai trò của FbF trong phòng ngừa ứng phó thảm họa, ông Jerome Faucet- đại diện Hiệp hội Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế cho rằng: Khi thảm hoạ xảy ra rồi chúng ta mới ứng phó thì chi phí bỏ ra sẽ rất nhiều. Ngày nay, càng ngày càng có nhiều rủi ro liên quan đến biến đổi khí hậu đồng nghĩa với việc nhu cầu hỗ trợ tăng lên. Nhưng nguồn lực hỗ trợ nhân đạo những năm gần đây đã không còn nhiều. Vì vậy, để hoạt động hỗ trợ nhân đạo hiệu quả hơn đối với các tổ chức nhân đạo cần phải có khung thời gian cảnh báo do các nhà khoa học đưa ra. Trong thời gian tới, ứng phó nhân đạo dựa vào nhu cầu sẽ chuyển sang ứng phó nhân đạo dựa vào dự báo. 

Thông tin tại hội thảo cho biết, Hiệp hội Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế là tổ chức tiên phong triển khai phương pháp FbF, bắt đầu thử nghiệm từ năm 2013. Tại Việt Nam, tháng 7/2018, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam và Văn phòng Hội Chữ thập đỏ Đức tại Việt nam đã khởi động dự án giảm thiểu tác động của nắng nóng lên các nhóm dễ bị tổn thương ở Hà Nội. Về tính hiệu quả của FbF trong hỗ trợ nhân đạo, thực tế tại các quốc gia đang triển khai FbF như Băng-la-đét cho thấy cứ 1 đô la bỏ ra cho hoạt động sớm cảnh báo thiên tai sẽ tiết kiệm được 4 đô la so với chi phí ứng phó sau khi thiên tai xảy ra.


Ông Nguyễn Văn Hưởng- Trung tâm dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia trao đổi về xu hướng dự báo về nắng nóng và bão trong thời gian tới
 

Tại hội thảo các nhà khoa học đã chia sẻ kinh nghiệm về việc triển khai mô hình FbF đối với loại hình nắng nóng; Cập nhật  thông tin về xây dựng ngưỡng kích hoạt bão theo mô hình FbF tại Việt Nam; Hoạt động dự báo về nắng nóng và bão; Dự báo bão trên biển Đông ở quy mô mùa cũng như chia sẻ kinh nghiệm ứng dụng các sản phẩm dự báo phục vụ đời sống xã hội. ...
Qua hội thảo lần này sẽ là cơ sở để Hội Chữ thập đỏ Việt Nam và các bên liên quan xây dựng kế hoạch phối hợp trong công tác dự báo tác động của thiên tai và xây dựng ngưỡng kích hoạt đối với nắng nóng và bão, từ đó nâng cao năng lực cho Hội Chữ thập đỏ các cấp trong việc thực hiện phương pháp FbF khi ứng phó với các loại hình thiên tai, khẳng định tính tiên phong của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam một tổ chức đi đầu trong các hoạt động cứu trợ nhân đạo.

                                                                                                                      Trần Thu Hương

Bài viết liên quan