Hội Chữ thập đỏ Việt Nam xây dựng ngưỡng kích hoạt và các hoạt động sớm ứng phó bão

Trong khuôn khổ dự án “Nâng cao năng lực ứng phó khẩn cấp cho Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, giai đoạn III” do Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (UAIDS) tài trợ, từ ngày 12-13/4/2021, tại Nha Trang, Khánh Hòa, Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam phối hợp cùng Hội Chữ thập đỏ tỉnh Khánh Hòa, Dự án USAID tổ chức Hội thảo xây dựng, thống nhất lựa chọn các ngưỡng kích hoạt và các hoạt động sớm ứng phó bão. Thời gian qua, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đã đặc biệt tập trung vào xây dựng, hoàn thiện các tài liệu, công cụ, quy trình chuẩn trong phòng ngừa, ứng phó thiên tai, thảm họa.

Tham dự hội thảo có: Lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa; đại  diện Trung tâm dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia - Bộ Tài Nguyên và Môi trường; lãnh đạo các tỉnh Hội tham gia dự án UAIDS.
PGS. TS Nguyễn Thị Xuân Thu, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Việt Nam phát biểu khai mạc hội thảo. Ảnh: Hồng Loan
Phát biểu khai mạc hội thảo, PGS. TS Nguyễn Thị Xuân Thu, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Việt Nam chia sẻ: Cùng với sự phát triển của đất nước, ứng dụng khoa học, công nghệ và các phương thức tiên tiến vào công tác phòng ngừa, ứng phó thảm họa. Thời gian qua, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đã chú trọng tham khảo, tiếp thu có chọn lọc và điều chỉnh cho phù hợp với điều kiện thực tế của Việt Nam những kinh nghiệm, mô hình hay, hiệu quả của các Hội Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ trên thế giới để sử dụng thống nhất trong cả nước.
Theo PGS. TS Nguyễn Thị Xuân Thu: Cách tiếp cận của mô hình FBF hướng tới tối ưu hoá việc ứng dụng công nghệ, dữ liệu, thông tin dự báo thời tiết từ mạng lưới toàn cầu và trong nước nhằm bảo vệ tính mạng và sinh kế của các nhóm đối tượng dễ bị tổn thương. “Với cách tiếp cận FbF, các đối tác thống nhất trước về nguồn tài chính để thực hiện hành động sớm, ngưỡng dự báo để kích hoạt hành động sớm, cũng như vai trò và trách nhiệm của tất cả các bên liên quan”, PGS.TS Nguyễn Thị Xuân Thu nhấn mạnh. 
Mô hình dự báo FbF được Hiệp hội Chữ thập đỏ - Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế triển khai và Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên được lựa chọn thực hiện thí điểm mô hình với loại hình nắng nóng và bước đầu đã cho thấy tính hiệu quả của mô hình trong việc ứng phó với thiên tai. Hiện nay, Hiệp Hội đã phê duyệt Kế hoạch hành động sớm với nắng nóng của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, thời gian thực hiện trong 5 năm và đây sẽ là mô hình FBF với nắng nóng đầu tiên được Hiệp Hội phê duyệt. Việc triển khai thành công mô hình FbF tại Việt Nam cũng sẽ là cơ sở để Hiệp Hội Chữ thập đỏ - Trăng lưỡi liềm đỏ xây dựng bộ công cụ về các tiêu chí ngưỡng dự báo FbF đối với loại hình nắng nóng để áp dụng tại các quốc gia khác chịu nhiều nắng nóng trên thế giới.
Các đại biểu tham dự Hội thảo xây dựng các ngưỡng kích hoạt và các hoạt động sớm ứng phó bão. Ảnh: Hồng Loan
Trên cơ sở thành công thí điểm mô hình FBF với nắng nóng, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam và Hội Chữ thập đỏ Đức đang cùng nhau xây dựng FBF với loại hình thiên tai rất phổ biến là lụt. Mô hình FBF đã được đưa vào Chiến lược phát triển Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2045. Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đã xây dựng Khung hành động 5 năm (2020-2025) của FbF về “thúc đẩy hợp tác và trao đổi kiến thức trong và ngoài Hội Chữ thập đỏ  Việt Nam”. Kể từ năm 2021, FbF cho nắng nóng sẽ được đưa vào kế hoạch ứng phó thiên tai hàng năm của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam. Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đặt mục tiêu trở thành tổ chức dẫn đầu về FbF của Chữ thập đỏ - Trăng lưỡi liềm đỏ trong các Hội Quốc gia tại ASEAN.
Trong thời gian qua, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đã phối hợp với các nhà khoa học, các chuyên gia từ Trung tâm dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, Bộ Tài nguyên và Môi trường xây dựng mô hình FbF cho loại hình thiên tai bão, với các kết quả nghiên cứu của Trung tâm về khả năng dự báo và ngưỡng kích hoạt hành động sớm ứng phó bão.
Chia sẻ tại hội thảo, đại diện Trung tâm Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết: Dựa trên tần suất lặp lại, những cơn bão có cường độ cấp 9 trở lên được xác định là ngưỡng kích hoạt; đối với một cơn bão hoặc áp thấp nhiệt đới có khả năng dự báo trước 5 ngày; Đối với các cơn bão hình thành ngoài Tây Bắc Thái Bình Dương và đi vào Biển Đông có khả năng dự báo trước 48 tiếng; đối với các cơn bão hình thành trên khu vực Biển Đông có khả năng dự báo trước 24 - 48 tiếng.
Tại hội thảo lần này, các đại biểu tham dự sẽ góp ý vào Báo cáo kết quả nghiên cứu, xây dựng và thống nhất lựa chọn ngưỡng kích hoạt, các hành động sớm ứng phó bão; xây dựng và thống nhất quy trình hành động sớm với bão. Việc xây dựng EAP cho bão để đáp ứng các nhu cầu của nhóm dân số dễ bị tổn thương ở các tỉnh thường xuyên bị ảnh hưởng bởi bão; đồng thời nâng cao hơn nữa năng lực sẵn sàng của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam trong thực hiện phương châm 4 tại chỗ trong ứng phó thiên tai thảm họa. 
Trần Thu Hương

Bài viết liên quan