Mở lòng với người khó
Krông Năng là huyện vùng cao tỉnh Đắk Lắk có 30 dân tộc anh em cùng sinh sống trên địa bàn 12 xã, thị trấn. Chủ nhật đỏ diễn ra mở màn Lễ hội Xuân hồng ở Tây Nguyên. Hàng nghìn đồng bào các dân tộc trong trang phục dân tộc rực rỡ tham gia lễ hội, trong đó phần lớn là nam thanh, nữ tú đi đầu phong trào hiến máu cứu người. Đồng bào: Tày, Nùng, Ê Đê, K’ho, Ba Na, Sán Chay, Thái, Mường, Mông, Dao, Gia Rai, Jẻ Triêng, Chứt, Chăm, Thổ, Xơ Đăng, Hoa, Mơ Nông, Hơ Rê, Mạ, Tà ôi, Lự... đủ các sắc màu trang phục truyền thống dân tộc, rực rỡ cờ hoa Lễ hội. Đến với Lễ hiến máu tình nguyện có cả lực lượng tình nguyện viên CTĐ, công nhân các công ty: Cao su, Cà phê... Mọi người tham gia Chủ nhật đỏ với tinh thần tự nguyện hiến giọt máu để cứu người bệnh.
Hờ A Lứ - Bí thư Chi đoàn thôn Giang Đông, xã Ea Dah, là dân tộc Mông, đã cùng đoàn thanh niên các dân tộc tham gia lễ hội. Anh Lứ cho biết: Cả thôn huy động hơn 60 người đi hiến máu. Mọi người hẹn nhau dậy từ 5 giờ sáng, đi 20km đến kịp dự khai mạc Chủ nhật đỏ. Ai cũng háo hức, vui mừng được tham gia sự kiện ý nghĩa này. Người Mông ở Ea Đah sống rất tình cảm, thương yêu cộng đồng, sẵn sàng chia sẻ với người khó khăn hơn mình. Tôi đã 9 lần hiến máu tình nguyện (trong đó 2 lần hiến máu cấp cứu thân nhân tại Bệnh viện Đa khoa Vùng Tây Nguyên).
Phụ nữ Thái duyên dáng trong Chủ nhật đỏ huyện Krông Năng
Gặp ở Chủ nhật đỏ rất nhiều sinh viên đến từ các trường đại học ở Tây Nguyên. Các bạn sinh viên quen với hoạt động tình nguyện viên nên giúp đỡ địa phương tiếp đón, hướng dẫn ghi tờ khai, chăm sóc người sau hiến máu và chờ đợi đến lượt mình hiến máu tình nguyện. Đa số họ là người hiến máu nhắc lại, nên nhân viên y tế, Viện Huyết học – Truyền máu vào số chứng minh thư là có thông tin: Nhóm máu, tình trạng sức khỏe, chất lượng máu... Hầu hết người hiến máu ở Krông Năng là người hiến máu lần thứ hai trở lên, tinh thần tự nguyện và hợp tác trong hoạt động nhân đạo rất cao. Kết quả Chủ nhật đỏ huyện Krông Năng tiếp nhận 920 đơn vị máu, đạt 140% kế hoạch được giao.
Thêm sắc cho lễ hội đầu năm
Thêm vào Lễ hội đầu năm, người Tây Nguyên có Lễ hội Xuân hồng với những hành động nhân đạo mang tính nhân văn cao cả: “Hiến giọt máu đào – Trao đời sự sống”. Anh Kpă Y Biên (dân tộc Ê Đê -Trạm Y tế xã Ea Puk) tham gia hiến máu cứu người từ năm 2013 đến nay, với trên 10 lần nhưng đây là lần đầu tiên đến Chủ nhật đỏ. Cảm nhận lễ hội độc đáo, ý nghĩa bởi rất nhiều đồng bào dân tộc ít người Tây Nguyên chưa từng “Cho máu” làm thuốc cứu người (người dân cho rằng bớt đi sức khỏe – ban phát hết may mắn của chính mình) nay đã tận mắt chứng kiến tinh thần đoàn kết dân tộc. Qua Chủ nhật đỏ và Lễ hội Xuân hồng, đồng bào Tây Nguyên dần thay đổi nhận thức về việc hiến máu nhân đạo, xóa bỏ những tập tục cũ. Bởi từ vài trăm người tham gia phong trào hiến máu cứu người những năm 2010 – 2013, nay Tây Nguyên huy động hàng ngàn người mỗi lần tổ chức Lễ hội hiến máu tình nguyện.
Vợ chồng Triệu Thị Hà, Nông Văn Thực (dân tộc Tày), giáo viên Trường THCS xã Ea Puk, dậy từ 5 giờ sáng, chuẩn bị cơm nước cho các con rồi chạy xe máy 13km lên trung tâm huyện hiến máu tình nguyện. Chị Thu Hà, chia sẻ: Chủ nhật đỏ đúng là một dịp đầy ý nghĩa để đồng bào dân tộc ít người Tây Nguyên thể hiện tinh thần “Tương thân, tương ái”, mình vì mọi người. Đây là thời khắc đầu Xuân, Tây Nguyên tưng bừng mở hội, bà con du Xuân, thưởng ngoạn cảnh đẹp sắc Xuân cùng kết đoàn trong hoạt động nhân ái. Đồng bào các dân tộc thiểu số đánh giá rất cao việc hiến máu cứu người, làm việc nhân ái mang may mắn cả năm, cả đời. Sẵn sàng trao yêu thương, trao “Giọt máu đào” cứu sinh mệnh người bệnh, phúc đến dài lâu.
Ông Trần Trung Hiển - Bí thư Huyện ủy Krông Năng tham gia hiến 350ml máu, ông chia sẻ: Lần nào đến với chương trình Chủ nhật đỏ, tôi cũng xúc động vì lòng nhân ái, tinh thần đoàn kết các dân tộc của người dân địa phương. Dù là dân tộc ít người Mông, Mơ Nông, Gia Rai, Jẻ Triêng, Chứt… đều tự nguyện hướng tới hành động nhân ái. Không ai ở Krông Năng trước đó hình dung được Chủ nhật đỏ có thể trở thành ngày hội hiến máu đậm đà bản sắc dân tộc Tây Nguyên đến thế.
Hải Đăng