Khởi nghiệp trong căn phòng trọ chật hẹp
Tháng 6/2017, tốt nghiệp chuyên ngành Giáo dục chính trị của Trường Đại học Tây Bắc, không xin được việc theo chuyên ngành đã học, Quý xin vào làm việc cho một doanh nghiệp tư nhân nhưng luôn nung nấu ý định tự lập. Qua tìm hiểu thông tin trên mạng internet, thấy dế mèn dễ nuôi, vốn đầu tư ít, lợi nhuận khá, hợp với điều kiện của một sinh viên mới ra trường, do vậy Quý quyết định lên ý tưởng khởi nghiệp từ mô hình này. Với số vốn gần 1 triệu đồng ít ỏi, Quý mua 5 khay trứng dế giống về nuôi thử. Căn phòng trọ chật hẹp của Quý trở thành nơi cho ra đời những con dế thương phẩm đầu tiên, mang lại cho Quý một khoản thu đáng kể.
La Văn Quý trình bày ý tưởng Dự án “Phát triển các sản phẩm từ dế gắn với tài nguyên bản địa, dựa trên ứng dụng công nghệ chế biến"
Thành công ban đầu thôi thúc Quý mở rộng quy mô sản xuất. Tuy nhiên, con đường khởi nghiệp không ít chông gai đối với một thanh niên trẻ mới ra trường, vốn hạn hẹp, không có đất để xây dựng chuồng trại. Sau một thời gian loay hoay tìm đường, Quý quyết định quay về bày tỏ ý tưởng của mình với Trường Đại học Tây Bắc và được lãnh đạo nhà trường tạo điều kiện cho thuê trại nuôi lợn đang bỏ không ở khu thực nghiệm với giá rẻ. Từ đây, Quý vay mượn đầu tư nuôi 20 ô dế, mua thêm 10 khay trứng giống.
Bắt đầu nuôi nhiều thì Quý lại thất bại vì thiếu kinh nghiệm. Dế chết gần hết do điều kiện nhiệt độ ở chuồng lợn không thích hợp, liều lượng cho dế ăn chưa đúng cách, không phù hợp từng thời kỳ sinh trưởng... Không nản, Quý xin nhà trường cho chuyển đàn dế về nhà kính, nơi có nhiệt độ phù hợp để dế sinh trưởng, phát triển. Làm tới đâu, mày mò, học hỏi tới đó, kinh nghiệm Quý tích lũy được ngày càng dày lên theo thời gian. Từ khâu mua dế, chăm dế, rồi tìm thị trường tiêu thụ, đều một mình Quý thực hiện. Nhiều lúc cảm thấy mệt, nhưng quyết tâm đã khiến Quý không nản lòng.
Mô hình nuôi dế của Quý được nhiều bạn trẻ tới tham quan, học tập
Quyết tâm và luôn sáng tạo
“Nuôi dế không tốn nhiều công và cũng không đòi hỏi khắt khe về kỹ thuật. Chỉ cần cho dế ăn uống thức ăn sạch sẽ thì chúng sẽ sinh trưởng, phát triển tốt. Nuôi dế phải đảm bảo “3 sạch” (thức ăn sạch, nước uống sạch và vệ sinh chuồng trại sạch), thỉnh thoảng phun sương để tăng độ ẩm, tạo môi trường hoang dã cho dế trú ẩn tự nhiên”, Quý chia sẻ.
Mỗi ngày Quý cho dế ăn 2 bữa, thức ăn chủ yếu là rau xanh các loại như: Rau muống, rau khoai lang, rau sắn và cám ngô, thỉnh thoảng, ăn bổ sung ít cám gà. Khoảng 2 tuần, Quý lại vệ sinh chuồng nuôi dế 1 lần, đảm bảo chuồng luôn sạch sẽ, giúp cho đàn dế sinh trưởng tốt, khỏe mạnh, hạn chế dịch bệnh xảy ra.
Dế nuôi phát triển nhanh vào mùa hè, những đàn dế đến chu kỳ đẻ trứng (khoảng 40 ngày) sẽ được chuyển đến chuồng riêng. Từ lúc dế nở thành con non cho đến khi được thu hoạch dế bán ra thị trường khoảng 45 ngày. Nếu bán cho khách làm thức ăn cho chim cảnh thì thời gian ngắn hơn, chỉ khoảng 30 ngày là bán được. Mỗi ô nuôi dế thu được 4 -5kg dế thương phẩm. Không chỉ nuôi dế, Quý còn sơ chế dế đông lạnh cung cấp cho các nhà hàng, quán ẩm thực ở các huyện Quỳnh Nhai, Sông Mã, Yên Châu, TP.Sơn La; Cung cấp nguồn trứng giống, chia sẻ kỹ thuật cho nhiều hộ dân có nhu cầu nuôi dế trên địa bàn tỉnh Sơn La. Hiện giờ, mỗi tháng Quý xuất bán hơn 100kg dế thương phẩm và dế sơ chế đông lạnh với giá từ 130.000 - 150.000đồng/kg, trứng dế giống 200.000 đồng/khay...
Quý giới thiệu các sản phẩm được chế biến từ dế
Để đa dạng hóa sản phẩm, Quý còn nghiên cứu chế biến khô dế ăn liền, khẩu xén vị dế, mắm dế, phồng tôm vị dế, bánh dế... Đây là các sản phẩm từ dế được người tiêu dùng quan tâm bởi gia vị mang đặc trưng vùng Tây Bắc với mắc khén, hom mu chưn, nước măng chua...
Tại cuộc thi “Ý tưởng, sáng tạo khởi nghiệp” thanh niên tỉnh Sơn La năm 2019 do Tỉnh đoàn tổ chức, ý tưởng, Dự án “Phát triển các sản phẩm từ dế gắn với tài nguyên bản địa, dựa trên ứng dụng công nghệ chế biến” của Quý được Ban tổ chức lựa chọn là 1 trong 5 dự án, ý tưởng sáng tạo có tính khả thi và nhận được hỗ trợ 50 triệu đồng. Dự án đã lọt tốp 29 dự án tiêu biểu nhất tham gia chung kết toàn quốc cuộc thi Dự án Khởi nghiệp sáng tạo thanh niên nông thôn năm 2019 do Ban Thanh niên nông thôn phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp (BSA), Trung tâm Hỗ trợ phát triển thanh niên nông thôn tổ chức. La Văn Quý đang ấp ủ ý định mở rộng mô hình chăn thả dế và chế biến dế, tiến tới hình thành hợp tác xã vào năm 2020, rồi hình thành chuỗi liên kết chăn thả dế và chế biến dế, thông qua đó tạo công ăn việc làm cho bà con dân tộc quanh vùng và đưa sản phẩm đến các thị trường lớn hơn.
Nguyệt Hà