Phát huy vai trò nòng cốt, cầu nối và điều phối trong các hoạt động Chữ thập đỏ, trong 5 năm qua, các cấp Hội Chữ thập đỏ tỉnh Lâm Đồng đã vận động nguồn lực được 415 tỷ đồng, kịp thời hỗ trợ cho trên 1,3 triệu lượt đối tượng khó khăn.
Nhiệm kỳ qua. công tác Hội và phong trào Chữ thập đỏ toàn tỉnh đã đạt được những thành tích quan trọng, các hoạt động của Hội có nhiều đổi mới, có trọng tâm, trọng điểm, bám sát cơ sở. Công tác vận động nguồn lực đã thu hút được sự tham gia và hưởng ứng tích cực của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp, nhà hảo tâm và các tầng lớp nhân dân, các cấp Hội trong tỉnh đã vận động được trên 850 đoàn từ thiện đến địa phương, tặng quà, trao nhà tình thương, học bổng, xe đạp, xe lăn, ti vi, dụng cụ học tập, dụng cụ y tế, thẻ bảo hiểm,… Từ đó, các cấp Hội Chữ thập đỏ trong tỉnh ngày càng khẳng định được vai trò nòng cốt, là cầu nối trong các hoạt động nhân đạo; thực hiện tốt công tác dân vận khéo trong xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh.
Lãnh đạo tỉnh Hội trao nhà tình thương tại huyện Di Linh.
Hội Chữ thập đỏ tỉnh thường xuyên tham mưu với Tỉnh ủy và UBND tỉnh ban hành các văn bản chỉ đạo, thực hiện Cuộc vận động “Mỗi tổ chức, mỗi cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo” đã lan tỏa trong các tầng lớp nhân dân. Hiện nay, hàng tháng các cấp Hội vận động giúp đỡ trên 1.500 địa chỉ nhân đạo. Hội đã ghi nhận nhiều tập thể, cá nhân có tấm lòng nhân ái chia sẻ tinh thần, vật chất, giúp đỡ địa chỉ nhân đạo vơi bớt khó khăn, vươn lên trong cuộc sống, hòa nhập cộng đồng, kết quả đạt 261% so với Nghị quyết Đại hội khóa VIII đề ra.
5 năm qua, phong trào “Tết vì người nghèo và nạn nhân chất độc da cam” tiếp tục được triển khai sâu rộng. Đặc biệt, trong 5 năm qua, Hội đã duy trì thực hiện chương trình trao quà Tết cho sinh viên nghèo không có điều kiện về quê ăn Tết. Kết quả đã vận động được trên 366 nghìn suất quà, trị giá trên 68 tỷ đồng, trao tặng quà và tiền cho các hộ gia đình nghèo, khó khăn, vượt chỉ tiêu Trung ương Hội Chữ thập đỏ giao, đạt 398% so với Nghị quyết Đại hội khóa VIII đề ra.
Triển khai vận động “Tháng Nhân đạo” là điểm mới, sự khác biệt so với hoạt động nhân đạo thường xuyên; khẳng định tính đúng đắn, phù hợp với công tác nhân đạo, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức của cấp ủy, chính quyền và trách nhiệm tham gia của các tổ chức, cá nhân. Kết quả tổ chức “Tháng Nhân đạo” từ năm 2018 đến nay đạt 14,1 tỷ đồng. Đến nay, 100% các huyện, thành phố đã nhân rộng thực hiện “Tháng Nhân đạo”.
“Tháng hành động vì nạn nhân chất độc da cam” được tổ chức hàng năm từ ngày 10/8 đến ngày 10/9. Các cấp Hội đã tổ chức vận động nguồn lực góp phần giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam, người khuyết tật khám chữa bệnh, phẫu thuật chỉnh hình, phục hồi chức năng. Bên cạnh đó, trao học bổng, xây nhà Chữ thập đỏ, hỗ trợ vốn phát triển sản xuất, chăn nuôi... nhằm giúp các hộ nạn nhân da cam từng bước vươn lên cải thiện cuộc sống.
Các hoạt động của “Bếp ăn tình thương Chữ thập đỏ” đã trở thành địa chỉ quen thuộc với những bệnh nhân nghèo. Bếp ăn đã thu hút ngày càng nhiều tình nguyện viên, tạo thêm sự lan tỏa yêu thương. Trong 5 năm qua, các bếp ăn tình thương Chữ thập đỏ tại các Bệnh viện và Trung tâm y tế đã cung cấp 30.425 suất ăn cho bệnh nhân nghèo vơi đi những khó khăn khi phải nằm điều trị tại các cơ sở y tế trong tỉnh.
Khánh thành công trình Giếng nước chào mừng Đại hội Đảng tại huyện Lạc Dương.
Chương trình “Xây nhà tình thương Chữ thập đỏ” do Hội Chữ thập đỏ thực hiện đã mang lại ý nghĩa nhân văn sâu sắc, góp phần giúp người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn có được căn nhà ấm áp, an tâm làm ăn cải thiện cuộc sống. Từ năm 2017 đến nay, Hội Chữ thập đỏ các cấp trong tỉnh đã vận động các tổ chức, cá nhân hảo tâm xây dựng 167 nhà tình thương Chữ thập đỏ, tổng trị giá 5.880 triệu đồng. Đặc biệt trong nhiệm kỳ 2016 - 2021 đã đưa vào Nghị quyết, phát động trong toàn hệ thống cán bộ, hội viên, xây dựng được 12 căn nhà tình thương Chữ thập đỏ cho cán bộ chuyên trách cơ sở Hội có hoàn cảnh khó khăn, hoàn thành sớm hơn thời gian Nghị quyết đề ra.
Thực hiện tốt phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, các cấp Hội đã xây dựng nhiều mô hình hoạt động nhân đạo có hiệu quả, như: “Thùng tiền nhân đạo”, “Hũ gạo tình thương”, “Nuôi dê sinh sản”, “Nuôi bò sinh sản”, “Nuôi heo đất”, “Giúp nhau phát triển kinh tế”,…. Các mô hình phát triển cộng đồng cũng đã được phát triển, như: “Sân xi măng” tại Đam Rông đã được nhân rộng tại Đà Lạt và Lạc Dương; “Mặt trời đêm trên buôn làng” tại huyện Đam Rông; “Hố rác gia đình” tại huyện Đạ Tẻh, “Giọt nước nghĩa tình” tại Đơn Dương, Lâm Hà, Di Linh; “Đoạn đường tự quản” tại Đức Trọng, Đạ Tẻh, Đơn Dương,… đã lan tỏa trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, thực hiện có hiệu quả, góp phần cùng cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương thực hiện tốt chương trình xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới.
Ông Trần Văn Hồng, Chủ tịch UBND xã Gia Bắc, huyện Di Linh chia sẻ: Từ khi Hội Chữ thập đỏ xây dựng cho nhân dân xã Gia Bắc 4 cái giếng nước, người dân được thụ hưởng công trình này rất vui mừng, không phải đi xa lấy nước, chủ động với nguồn nước sinh hoạt và tưới cho cây cối trong vườn, đáp ứng nguồn nước sạch sinh hoạt, đặc biệt là bà con không sợ thiếu nước mỗi khi mùa khô đến.
Chủ động giúp đỡ đồng bào miền Trung bị bão lụt và nhân dân bị ảnh hưởng bởi dịch Covid – 19, các cấp Hội đã kịp thời vận động nguồn lực giúp đỡ đồng bào miền Trung khắc phục hậu quả sau bão lũ từ những “Chuyến xe nghĩa tình” và trao tiền mặt, tổng trị giá 16 tỷ đồng. Các hoạt động phòng, chống dịch Covid 19, Hội Chữ thập đỏ các cấp trong tỉnh có trên 100 chuyến xe nghĩa tình ủng hộ rau, củ, quả, lương thực, nhu yếu phẩm, bình quân mỗi chuyến xe 5 tấn; vận động hàng trăm ngàn chiếc khẩu trang, kính chắn giọt bắn, nước sát khuẩn, quần áo phòng hộ, găng tay và quà…để trao cho các chốt chống dịch, khu cách ly trong tỉnh và hỗ trợ lực lượng tuyến đầu phòng, chống dịch Covid-19 và các tỉnh/thành Hội bị ảnh hưởng dịch bệnh nặng nề. Tổ chức điểm cấp phát lương thực, thực phẩm miễn phí và nấu hàng ngàn suất ăn từ thiện, giúp đỡ cho người có hoàn cảnh khó khăn, người bị ảnh hưởng dịch Covid 19, các trạm, chốt chống dịch. Tổng trị giá các hoạt động nhân đạo phòng, chống dịch Covid – 19 đạt trên 20 tỷ đồng.
Ông Đỗ Hoàng Tuấn, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh Lâm Đồng cho biết: Các cấp Hội Chữ thập đỏ trong tỉnh đã thực hiện tốt nhiệm vụ của mình, tỉnh Hội đã bám sát nội dung, phần việc trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh và sự chỉ đạo của Trung ương Hội, triển khai các kế hoạch, hướng dẫn các cấp Hội thực hiện tốt nhiệm vụ đề ra, vận động hội viên, tình nguyện viên Chữ thập đỏ, các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp và nhà hảo tâm tham gia, ủng hộ các hoạt động nhân đạo, từ thiện, thực hiện có hiệu quả công tác dân vận khéo trong xây dựng nông thôn mới, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Hoàng Văn Khôi