Lũng Pù phát triển chăn nuôi lợn đen đặc sản

Mô hình tiêu biểu

15:15 22/09/2020

Lũng Pù là xã vùng cao núi đá của huyện Mèo Vạc tỉnh Hà Giang, sở hữu giống lợn đen bản địa nổi tiếng của người Dao và Mông, thịt vô cùng thơm ngon, thương lái miền xuôi tìm lên mua về bán tại các nhà hàng ăn ở Hà Nội và các thành phố lớn.

Đặc sản lợn đen Lũng Pù
Thôn Lũng Lừ A, xã Lũng Pù có 74 hộ sinh sống hầu hết nhà nào cũng nuôi lợn đen Lũng Pù, hộ ít nuôi khoảng 2 con, hộ nhiều nuôi từ 30 đến 50 con. Trong đó, gia đình anh Sùng Mí Nà, thôn Lũng Lừ A, đầu tư xây dựng chuồng trại nuôi 45 con lợn đen Lũng Pù, đã vươn lên thoát nghèo, làm giàu. Theo anh Sùng Mí Nà, thức ăn chủ yếu là cây chuối, rau rừng, ngô, khoai. Muốn thịt lợn đen thơm, ngon thì thức ăn phải nghiền và nấu chín. Nhờ nuôi lợn đen mà các hộ gia đình trong thôn có thêm nguồn thu nhập, mở ra hướng đi mới trong phát triển nông nghiệp hàng hóa. Anh Sùng Mí Ná cho biết: Lợn đen Lũng Pù có đặc điểm lông dày và ngắn, da thô, tai nhỏ cúp, mõm dài trung bình. Lợn đen có 2 loại: Một loại 4 chân trắng và có chòm lông trắng ở trán tạo thành một xoáy ngược lên đỉnh đầu và một loại đen tuyền. Do được thuần hóa lâu đời, nên giống lợn này thích nghi tốt với điều kiện khí hậu khắc nghiệt của vùng núi cao, chúng rất dễ nuôi, phàm ăn và có sức đề kháng cao, chống chịu bệnh tốt.

Nhiều hộ dân ở Lũng Pù tích cực đầu tư mở rộng chăn nuôi giống lợn đen
Bà Phạm Thị Hà, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hà Giang cho hay, thịt lợn đen Lũng Pù có mùi thơm và ngọt hơn so với các loại thịt lợn ở vùng khác, nên ngày càng được thực khách ở các thành phố ưa chuộng. Giống lợn này nuôi từ 4 đến 8 tháng đạt trọng lượng 15-25kg thì xuất chuồng. Lợn nuôi cả năm, đến khi trưởng thành cũng chỉ đạt 45-50kg.
Theo bà Hà, giống lợn đen được người dân xã Lũng Pù huyện Mèo Vạc chăn nuôi từ lâu nhưng chỉ ở quy mô nhỏ lẻ, với hình thức chăn thả nên hiệu quả không cao. Mấy năm nay, xã Lũng Pù đã triển khai mô hình phát triển đàn lợn theo hướng hàng hóa bằng phương thức đầu tư có thu hồi và từ nguồn sự nghiệp nông nghiệp của huyện. Được sự tuyên truyền vận động của xã, nhiều hộ dân đã tích cực đầu tư mở rộng chăn nuôi giống lợn đen. Ngoài ra xã còn phối hợp với Trạm khuyến nông huyện, cử cán bộ thú y thôn bản kiểm tra tình hình sức khỏe đàn lợn, hướng dẫn nhân dân cách chăm sóc, trồng nguồn thức ăn, xây dựng chuồng trại. Người dân cũng chủ động phát triển nguồn thức ăn, trồng thêm rau xanh, tận thu các nguyên liệu sẵn có như bã rượu, đậu tương, thân chuối để đảm bảo đáp ứng lượng thức ăn cho đàn lợn.
Thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2018 – 2020 (OCOP), xã Lũng Pù đã vận động người dân chú trọng phát triển giống lợn này để góp phần nâng cao thu nhập, xóa đói giảm nghèo. Ông Nguyễn Văn Hợp, Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân xã Lũng Pù cho biết: Với trên 2.000 con, hiện nay, lợn đen trở thành vật nuôi chủ lực của xã Lũng Pù, mang lại thu nhập ổn định cho người dân. Để phong trào chăn nuôi phát triển hơn, lãnh đạo xã Lũng Pù tiếp tục tuyên truyền, vận động người dân mở rộng mô hình chăn nuôi, đồng thời phối hợp với các cơ quan chức năng hướng dẫn khoa học kỹ thuật, hỗ trợ người chăn nuôi về cách chăm sóc, phòng chống dịch bệnh, xây dựng chuồng trại, tạo mọi điều kiện tốt nhất để nhân dân phát triển sản xuất, ổn định đời sống. Hiện nay, sản phẩm thịt lợn đen Lũng Pù không chỉ người dân trong huyện tin dùng mà nhiều nơi khác cũng biết đến và ưa chuộng. Từ chăn nuôi lợn đen, nhiều hộ dân trong xã Lũng Pù đã có thêm nguồn thu nhập cho gia đình, góp phần phát triển kinh tế, giảm nghèo hiệu quả.
Chăn nuôi theo quy trình an toàn sinh học
Từ nhu cầu thị trường, giá bán cao, hiện Trung tâm Khuyến nông tỉnh Hà Giang đang triển khai Dự án “Hỗ trợ mô hình Chăn nuôi lợn sinh sản giống bản địa (Lợn Lũng Pù) theo hướng an toàn sinh học tại một số huyện trên cao nguyên đá Đồng Văn giai đoạn 2018-2020”. Từ dự án này, Hà Giang đã và đang xây dựng  thương hiệu cho lợn đen Lũng Pù, đưa lợn này thành vật nuôi hàng hóa bài bản, có sức cạnh tranh cao. An toàn sinh học trong chăn nuôi là biện pháp kỹ thuật nhằm ngăn ngừa, hạn chế lây nhiễm của các tác nhân sinh học xuất hiện trong tự nhiên hoặc do con người tạo ra; Gây hại cho con người, gia súc và hệ sinh thái, nhằm kiểm soát nguồn gốc giống, thức ăn, đảm bảo môi trường xung quanh.

Lợn đen Lũng Pù được bán ở chợ phiên Mèo Vạc
Ông Ma Quốc Trưởng - Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân huyện Mèo Vạc cho biết: Để mô hình chăn nuôi giống lợn đen Lũng Pù theo hướng an toàn sinh học thành công, huyện đã chỉ đạo các ngành chuyên môn của huyện khảo sát, tư vấn cho các hộ thực hiện mô hình xây dựng chuồng trại đúng với các quy định, chuồng trại chăn nuôi phải có các khu riêng biệt, như: Khu chăn nuôi; Khu vệ sinh, sát trùng thiết bị chăn nuôi; Khu tắm rửa, khử trùng, khu thay quần áo cho người lao động; Khu tập kết và xử lý rác thải; Khu cách ly lợn ốm; Khu mổ khám lâm sàng và lấy bệnh phẩm. Lợn giống phải là lợn đen Lũng Pù có nguồn gốc rõ ràng, khỏe mạnh, có đầy đủ giấy kiểm dịch định kỳ… Thức ăn cho lợn phải đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng và khẩu phần ăn của lợn, không sử dụng thức ăn thừa của đàn lợn đã xuất chuồng, thức ăn của đàn lợn bị dịch cho đàn lợn mới. Thức ăn hỗn hợp được phân theo 3 giai đoạn gồm: Giai đoạn 1 hậu bị (nuôi để chọn giống mà chưa phối), giai đoạn 2 là cám hỗn hợp cho lợn mang thai và giai đoạn 3 là cám hỗn hợp cho lợn mẹ nuôi con. Trong trường hợp phải trộn thuốc, hóa chất vào thức ăn, nước uống nhằm mục đích phòng bệnh hoặc trị bệnh phải tuân thủ thời gian ngừng thuốc, ngừng hóa chất theo hướng dẫn của các ngành chuyên môn…
Để phòng tránh dịch bệnh cho đàn lợn, giúp đàn lợn sinh trưởng toàn diện, các ngành chuyên môn của huyện thường xuyên tuyên truyền, tư vấn cho người dân khi đưa các phương tiện vận chuyển vào trại chăn nuôi phải đi qua nơi khử trùng và được phun thuốc sát trùng. Mọi người trước khi vào khu chăn nuôi phải thay quần áo, giầy dép và sử dụng quần áo bảo hộ của trại. Định kỳ phun thuốc sát trùng xung quanh khu vực chăn nuôi, chuồng chăn nuôi ít nhất 1 lần/2 tuần, phun thuốc sát trùng lối đi trong khu vực chăn nuôi và dãy chuồng nuôi ít nhất 1 lần/tuần khi không có dịch bệnh và ít nhất 1 lần/ngày khi có dịch bệnh xảy ra, thực hiện nghiêm các quy trình tiêm phòng cho đàn lợn theo quy định. Sau mỗi đợt nuôi phải làm vệ sinh, tiêu độc khử trùng chuồng, dụng cụ chăn nuôi và để trống chuồng ít nhất 7 ngày trước khi đưa đàn lợn mới đến. Trong trường hợp trại bị dịch, phải để trống chuồng ít nhất 21 ngày… mới được nuôi lứa mới.
Chu Khôi

Bài viết liên quan