Món quà ý nghĩa đến với trẻ em khuyết tật

Nhân dịp Kỷ niệm Ngày sinh nhật Bác Hồ (19/5), sáng nay, Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, Hội Chữ thập đỏ thành phố Hà Nội tổ chức trao những món quà ý nghĩa tới trẻ em khuyết tật của Trung tâm Cứu trợ trẻ em tàn tật huyện Thanh Oai, Trường Phổ thông cơ sở Dân lập dạy trẻ em câm điếc Nhân Chính.

Lọt thỏm giữa thị trấn Kim Bài, Trung tâm Cứu trợ trẻ em tàn tật huyện Thanh Oai sử dụng khu nhà cấp 4 xây dựng từ những năm cuối thập kỷ 2000 nay đã xuống cấp. Dịch bệnh COVID-19, Trung tâm hầu như tê liệt, phòng châm cứu - bấm huyệt mở được hơn tháng cũng đóng cửa. Hôm nay, có Đoàn công tác của Hội Chữ thập đỏ đến thăm tặng quà, học sinh quay lại “tựu trường” có sự hỗ trợ của phụ huynh. Tại đây, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam tài trợ 100 suất quà trị giá 16 triệu đồng; Hội Chữ thập đỏ quận Đống Đa (thuộc Hội Chữ thập đỏ Hà Nội) trao 100 suất quà trị giá 10 triệu đồng.

Có mặt từ rất sớm, Đào Thị Thuyết, cô gái sinh năm 1996 ở thôn Trung Việt, xã Cao Viên, huyện Thanh Oai mãi nhỏ bé như em gái 2 – 3 tuổi. Sinh em, mẹ Nguyễn Thị Hà phải nghỉ việc 10 năm trông nom, chăm sóc. Công việc gia đình dồn vào vai người bố vừa kiếm tiền nuôi vợ và 4 người con, vừa cáng đáng ruộng đất nông nghiệp lo đủ lương thực phục vụ gia đình 6 nhân khẩu. Được trở lại Trung tâm gặp gỡ bạn bè, niềm vui làm rạng rỡ khuôn mặt, em nói: Vui lắm chú ơi! Ở nhà một mình mãi buồn quá. Nhiều tuổi, nhưng cháu vẫn “thèm” được chiều chuộng, yêu thương như những đứa trẻ lên 5, lên 10.

Món quà ý nghĩa đến với trẻ em khuyết tật - Ảnh 1.

Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Việt Nam cùng Đoàn công tác thăm hỏi, động viên trẻ em khuyết tật tại Trung tâm Cứu trợ trẻ em tàn tật huyện Thanh Oai, Hà Nội

Nằm lẻ loi trên giường bệnh phòng Châm cứu, bấm huyệt của Trung tâm Cứu trợ, cháu gái Nguyễn Thị Linh (15 tuổi) xoay đầu hướng ra phía sân, lắng nghe âm thanh vui nhộn của các bạn cùng trang lứa đang chơi đùa. Mẹ em, bà Nguyễn Thị Thắm đang chăm con cho biết: Linh bị khuyết tật bẩm sinh, không có đốt sống cổ, tứ chi bại liệt. Bố em nhiều năm nay cũng nghỉ việc, nằm một chỗ dưỡng bệnh do gặp tai nạn lao động. Nhà neo người, tôi là trụ cột nên rất vất vả.

Tại lễ trao quà giúp đỡ trẻ em khuyết tật nhân Tháng Nhân đạo 2021, Giám đốc Trung tâm Cứu trợ, ông Nguyễn Vũ Trọng chia sẻ: Thành lập năm 1996, lúc đầu Trung tâm làm việc nhờ Trạm Y tế thị trấn Kim Bài, sau xin đất xây dựng trụ sở riêng. Trung tâm hoạt động theo hình thức xã hội hóa, trở thành nơi chăm sóc, vui chơi, chữa bệnh cho trẻ em khuyết tật, nạn nhân chất độc da cam. Trung tâm có 2 lớp học văn hóa, vài phòng khám chữa bệnh, phục hồi chức năng với thiết bị tập luyện đã lạc hậu và xuống cấp. Hiện nay, Trung tâm đang quy tụ hơn 60 trẻ em khuyết tật. Đây là vùng nông thôn, sự đóng góp của các bậc phụ huynh rất hạn chế, hoạt động trông chờ vào sự huy động từ các nhà tài trợ, các mạnh thường quân.

Bà Nguyễn Thị Thắm, mẹ cháu Nguyễn Thị Linh, trẻ em khuyết tật nói lời cảm động: Được sự quan tâm của cộng đồng, gia đình vô cùng biết ơn. Món quà thêm động lực để gia đình vượt qua những khó khăn giữa đại dịch COVID 19. Đây cũng là quà ý nghĩa trước dịp 1/6 Ngày Quốc tế thiếu nhi của cháu Linh.

Món quà ý nghĩa đến với trẻ em khuyết tật - Ảnh 2.

PGS.TS Nguyễn Thị Xuân Thu tặng 100 phần quà cho các em Trường Phổ thông cơ sở Dân lập Dạy trẻ câm điếc Nhân Chính, Hà Nội

Tới Trường Phổ thông cơ sở Dân lập Dạy trẻ câm điếc Nhân Chính, Hà Nội các em háo hức, phấn khởi chào đón Đoàn trao quà của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, Hội Chữ thập đỏ thành phố Hà Nội có mặt. Tại đây, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam trao quà trị giá 16 triệu đồng (do Quỹ Hoạt động Chữ thập đỏ vận động); Hội Chữ thập đỏ thành phố Hà Nội trao quà trị giá 10 triệu đồng. 

Món quà ý nghĩa đến với trẻ em khuyết tật - Ảnh 3.

Các em Trường Phổ thông cơ sở Dân lập Dạy trẻ câm điếc Nhân Chính, Hà Nội vui mừng khi nhận được quà tặng

Bà Mạc Chung Thủy - Hiệu trưởng Nhà trường cho biết: Thành lập năm 1990, Trường là nơi chăm sóc, học tập trong môi trường đặc biệt của trẻ em câm điếc không chỉ của thành phố Hà Nội mà còn đón nhận một số trẻ em câm điếc từ các tỉnh miền núi phía Bắc. Khi mới thành lập Trường mở 2 lớp với 16 trẻ em câm điếc, nay phát triển lên 9 lớp, đón nhận nuôi dưỡng, đào tạo văn hóa cho 97 trẻ câm điếc. Kinh phí đóng góp của phụ huynh có hạn, Trường hoạt động nhờ dự án của nước ngoài tài trợ; vài năm gần đây từ nguồn huy động xã hội hóa (Dự án nước ngoài chuyển tới những nước khó khăn hơn). Trường đã được Chính phủ ghi nhận về những thành tích đạt được trong nuôi dưỡng, dạy văn hóa cho trẻ em khuyết tật với 3 lần đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất, Huân chương Lao động hạng Ba và nhiều Bằng khen. Học sinh khuyết tật ngoài được đào tạo văn hóa, còn được phát hiện, bồi dưỡng phát triển năng khiếu hội họa. Một số em có tác phẩm đoạt giải cao trong các cuộc thi quốc tế dành cho trẻ khuyết tật; Nhiều sản phẩm thủ công mỹ nghệ do học sinh Nhà trường thêu, gia công được khách nước ngoài đặt mua…

Phổ Thế

Bài viết liên quan