Nhiều mô hình trợ giúp người nghèo từ cộng đồng

Cùng với các nguồn lực của Nhà nước, người nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo, gia đình khó khăn trên địa bàn tỉnh còn được tiếp sức thông qua những phong trào, mô hình giảm nghèo, trợ giúp người nghèo do cộng đồng thực hiện.

Cùng với hàng chục hộ dân tại xã Phú Lập, thời gian qua gần 200 lượt nạn nhân da cam/dioxin tại TP.Biên Hòa và 2 huyện Nhơn Trạch, Vĩnh Cửu đã được vay vốn không lãi suất để làm kinh tế. Theo Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh Đào Nguyên, nguồn vốn vay từ 10-25 triệu đồng/hộ, được vận động từ các mạnh thường quân, tổ chức.
Ngoài ra, mỗi tổ chức Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin, Hội Chữ thập đỏ từ cấp xã đến huyện đều chủ động xây dựng quỹ để cho nạn nhân chất độc da cam/dioxin, gia đình có hoàn cảnh khó khăn ở địa phương vay buôn bán nhỏ với số tiền từ 5-15 triệu đồng. Nguồn tiền huy động hoàn toàn từ cộng đồng này cùng các chương trình tín dụng chính sách khác của Nhà nước đã góp phần giúp nhiều gia đình nạn nhân chất độc da cam/dioxin có thêm điều kiện chăn nuôi, mua máy móc làm nghề. Cùng với đó, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin cấp huyện, thành phố trong tỉnh còn hỗ trợ cây con giống cho hàng trăm gia đình nạn nhân da cam có thành viên còn khả năng lao động.
Theo ông Võ Văn Nga, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ kiêm Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin xã Túc Trưng, (H.Định Quán), thông qua vận động mạnh thường quân, Hội đã xây dựng được Quỹ Nạn nhân da cam với 55 triệu đồng. Số tiền này mỗi năm được giải quyết cho khoảng 10 người vay để làm vốn bán vé số, mua ve chai…
Trợ giúp người thiếu thốn
Bà Nguyễn Thị Phương Anh, Phó chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh cho biết, hiện toàn tỉnh có khoảng 30 địa điểm tổ chức mô hình cửa hàng từ thiện, shop 0 đồng, gian hàng cho - nhận. Những địa chỉ nhân đạo này đã tạo nên hiệu ứng tích cực khi huy động được sự tham gia hưởng ứng của cộng đồng. Qua đó, góp phần tạo ra ngày càng nhiều sự hỗ trợ dành cho người có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn tỉnh.
Có một điểm nổi bật là ban đầu, những shop 0 đồng, tủ đồ từ thiện… được thực hiện bằng việc kêu gọi người dân tặng đồ cũ còn sử dụng được để cho những người nghèo, khó khăn. Song 1 năm qua, những shop 0 đồng, tủ đồ từ thiện này đã được nâng chất lượng khi người dân có điều kiện đem đồ mới mua đến tặng nhiều hơn là quyên góp đồ cũ. Điều này đã góp phần giúp đỡ tốt hơn những hoàn cảnh kém may mắn.
Theo bà Trần Thị Bích Ngọc, Chủ tịch Hội LHPN xã Bàu Hàm 2 (H.Thống Nhất), thời gian gần đây không ít nhà hảo tâm còn mua tặng shop 0 đồng của Hội LHPN xã những trang phục mới. Nhờ đó mà chất lượng của những vật dụng có ở shop 0 đồng cũng được nâng lên, tạo nên sức thu hút người dân đến với địa chỉ nhân đạo từ thiện này. “Em thích nhất những cái áo thun, đồ bộ còn nguyên nhãn áo vì là đồ mới nên màu vải rất đẹp”- em Nguyễn Thanh Hiền (học sinh Trường tiểu học Trần Bình Trọng, xã Bàu Hàm 2) thổ lộ.

Bài viết liên quan