Trong những năm qua, Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm chỉ đạo và đầu tư nguồn lực cho công tác an sinh xã hội, quyết định nhiều cơ chế chính sách trợ giúp các đối tượng bảo trợ xã hội tại cộng đồng hoặc nuôi dưỡng, điều trị tại các cơ sở Bảo trợ xã hội trong đó có người tâm thần như: Luật Người khuyết tật, Nghị định số 20/2021/NĐ-CP ngày 15/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách trợ giúp các đối tượng bảo trợ xã hội, trong đó có quy định chính sách và chế độ trợ giúp cho người khuyết tật dạng thần kinh, tâm thần trí tuệ sống tại cộng đồng, đối tượng sống tại các cơ sở Bảo trợ xã hội, một số khoản trợ cấp khác như mua sắm tư trang, vật dụng phục vụ sinh hoạt, thuốc chữa bệnh, mai táng phí... hỗ trợ gia đình, cá nhân trực tiếp hoặc nhận chăm sóc, nuôi dưỡng người khuyết tật đặc biệt nặng tại cộng đồng.
Thăm khám sức khoẻ cho các đối tượng đang được nuôi dưỡng, chăm sóc tại cơ sở bảo trợ xã hội
Tại thành phố Hà Nội, bên cạnh các chủ trương, chính sách của Nhà nước, Thành ủy, HĐND, UBND thành phố Hà Nội luôn quan tâm chỉ đạo ban hành các chính sách an sinh xã hội trợ giúp các đối tượng bảo trợ xã hội, trong đó có người tâm thần như: Nghị Quyết số 09/2021/NQ-HĐND ngày 23/9/2021 của HĐND Thành phố Quy định một số chính sách, nội dung, mức chi thuộc thẩm quyền quyết định của HĐND Thành phố, trong đó có quy định mức trợ cấp xã hội hàng tháng cho các đối tượng bảo trợ xã hội sống tại cộng đồng và tại các cơ sở bảo trợ xã hội thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội, quy định mức chuẩn trợ cấp hàng tháng là 440.000 đồng và được nhân với hệ số tương ứng với độ tuổi và mức độ khuyết tật. Công tác tiếp nhận, chăm sóc, nuôi dưỡng, phục hồi chức năng người tâm thần tại các cơ sở bảo trợ xã hội dựa trên cơ sở bệnh án điều trị do các bệnh viện chuyên khoa tâm thần cung cấp. Người tâm thần sau khi điều trị tại các bệnh viện tâm thần có sức khỏe đã ổn định được chuyển về điều trị ngoại trú tại các cơ sở y tế quận, huyện, thị xã và xã, phường, thị trấn. Người tâm thần lang thang sau khi được tiếp nhận điều trị tại các bệnh viện mà tình trạng sức khỏe ổn định, nếu không xác định được địa chỉ nơi cư trú sẽ được chuyển vào các Trung tâm Chăm sóc và nuôi dưỡng người tâm thần, Trung tâm bảo trợ xã hội II quản lý và nuôi dưỡng.
Theo số liệu do Sở Y tế Hà Nội cung cấp, có 579/579 xã, phường, thị trấn triển khai các hoạt động như tập huấn, khám sàng lọc phát hiện bệnh nhân mới, khám và cấp phát thuốc điều trị ngoại trú hàng tháng cho khoảng 70% bệnh nhân tâm thần tại các xã, phường, thị trấn; người tâm thần được sống ổn định, hòa nhập tại cộng đồng (đạt trên 80%), tỷ lệ các hành vi gây rối, gây hại giảm dần (đạt dưới 25%). Công tác chăm sóc, nuôi dưỡng, phục hồi chức năng người tâm thần dựa trên cơ sở bệnh án điều trị do bệnh viện chuyên khoa tâm thần cung cấp. Người tâm thần phân liệt hoặc rối loạn tâm thần sau khi điều trị tại các bệnh viện tâm thần, sức khỏe ổn định sẽ được chuyển về điều trị ngoại trú tại các cơ sở y tế quận, huyện và xã, phường, thị trấn.
Trong thời gian qua, các cấp, các ngành, các tổ chức xã hội và nhân dân thành phố đã có nhiều cố gắng trong việc chỉ đạo, phối hợp triển khai việc bảo vệ, chăm sóc phục hồi chức năng cho người tâm thần, người rối nhiễu tâm trí, tạo điều kiện cho họ hòa nhập cộng đồng. Việc triển khai thực hiện Luật Người khuyết tật đã được quan tâm nhưng trong quá trình thực hiện còn nhiều khó khăn bất cập, đặc biệt các dạng tâm thần, bệnh tâm thần mãn tính xuất hiện ngày càng nhiều và đa dạng. Vì vậy việc phát hiện, can thiệp sớm để điều trị bệnh tâm thần và có biện pháp phòng ngừa rối nhiễu tâm trí, hạn chế nguy cơ phát triển thành bệnh tâm thần là rất cần thiết, nhất là trong bối cảnh xu hướng phát triển xã hội đi cùng với những hệ luỵ khác tác động đến đời sống tâm thần của mỗi người dân. Chúng ta cần mở rộng sự quan tâm, hỗ trợ đối với các đối tượng có nguy cơ cao về rối nhiễu tâm trí như ở người cao tuổi, người nghiện chất, học sinh, thanh thiếu niên do bạo lực học đường, trẻ em khuyết tật và phụ huynh trẻ khuyết tật, phụ nữ có thai và nuôi con nhỏ, gia đình người bệnh tâm thần...
Hiện nay, thành phố Hà Nội chưa có cơ sở phòng và trị liệu rối nhiễu tâm trí. Các cơ sở bảo trợ xã hội mới chỉ đáp ứng được 10% nhu cầu chăm sóc và phục hồi chức năng của người tâm thần, chủ yếu nuôi dưỡng tập trung người tâm thần; kỹ năng và phương pháp chăm sóc chưa khoa học; phần lớn các cơ sở bị xuống cấp về cơ sở vật chất, thiếu các trang thiết bị phục hồi chức năng... Việc tăng cường hợp tác giữa các ngành, đặc biệt giữa hai ngành Y tế và Lao động - Thương binh và Xã hội là rất cần thiết để cải thiện hệ thống chăm sóc sức khỏe tâm thần ở thành phố Hà Nội nhằm phối hợp giữa điều trị, chăm sóc, hỗ trợ tâm lý và hỗ trợ xã hội đối với các đối tượng này.
Tạo điều kiện cho người tâm thần được rèn luyện thể lực, ổn định tinh thần để có cơ hội tái hoà nhập cộng đồng
Trước thực tế khó khăn ấy, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Hà Nội xây dựng Đề án "Mô hình cơ sở phòng và trị liệu rối nhiễu tâm trí cho người mắc bệnh tâm thần" tại Trung tâm Chăm sóc và Phục hồi chức năng người tâm thần số 1 Hà Nội.
Trên thực tế, thời gian qua, công tác chăm sóc, điều trị và phục hồi chức năng cho bệnh nhân tâm thần tại Trung tâm Chăm sóc và Phục hồi chức năng người tâm thần số 1 Hà Nội đã đạt được những kết quả tốt trên các mặt công tác, tích cực góp phần vào hoàn thành nhiệm vụ chính trị của đơn vị. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Đức Phong, Giám đốc Trung tâm, công tác xây dựng, thiết lập hồ sơ quản lý với từng trường hợp bệnh nhân chưa được thực hiện trên diện rộng. Đồng thời quá trình thu thập, phân tích thông tin toàn diện, đặc biệt là các thông tin về sức khoẻ tâm thần để đưa ra những kết luận về nguyên nhân, tình trạng sức khoẻ tâm thần của bệnh nhân chưa được hình thành theo hệ thống. Từ đó, việc xây dựng kế hoạch quản lý, trợ giúp một cách hữu hiệu đối với từng người bệnh chưa được thực hiện. Đặc biệt, các hoạt động kết nối thông tin, gắn kết lâu dài giữa đơn vị với gia đình người bệnh và chính quyền địa phương trong công tác quản lý, chăm sóc bệnh nhân thực hiện chưa tốt. Mặt khác, về cơ sở vật chất đơn vị được xây dựng từ những năm 1984 đến nay, một số hạng mục chưa được đầu tư sửa chữa nâng cấp đã xuống cấp, không phù hợp và đảm bảo các điều kiện đáp ứng nhu cầu thực tế, thiếu các công trình phụ trợ phục vụ cho công tác chăm sóc, nuôi dưỡng, khám, điều trị và phục hồi chức năng cho người bệnh.
Việc xây dựng Đề án "Mô hình cơ sở phòng và trị liệu rối nhiễu tâm trí cho người mắc bệnh tâm thần" hướng tới mục đích phát hiện, can thiệp và phòng ngừa sớm cho người rối nhiễu tâm trí có nguy cơ cao bị tâm thần góp phần giảm bớt mức độ gia tăng trên địa bàn Hà Nội. Mặt khác, giúp cho các gia đình phát hiện sớm người thân bị rối nhiễu tâm trí để có biện pháp chăm sóc kịp thời tránh gây ra các tổn thương bệnh lý tâm thần suốt đời và các hậu quả do người tâm thần gây ra. Huy động sự tham gia của xã hội nhất là gia đình, cộng đồng tăng cường trợ giúp về vật chất, tinh thần, chăm sóc, phục hồi chức năng cho người tâm thần, trẻ em tự kỷ và người rối nhiễu tâm trí hòa nhập cộng đồng, ổn định cuộc sống; sàng lọc, phát hiện và hỗ trợ can thiệp, phòng ngừa người rối nhiễu tâm trí đặc biệt là trẻ tự kỷ bị tâm thần nặng, góp phần bảo đảm an sinh xã hội và nâng cao chất lượng dịch vụ trợ giúp xã hội đối với người tâm thần và người rối nhiễu tâm trí. Phát triển mạng lưới các cơ sở trợ giúp xã hội. Nâng cao chất lượng dịch vụ công tác xã hội trên các lĩnh vực, đáp ứng nhu cầu cung cấp dịch vụ công tác xã hội của người dân, hướng tới mục tiêu phát triển xã hội công bằng và hiệu quả.
Đăng Doanh