Quảng Ninh: Hiệu quả mô hình “Cộng đồng an toàn” ứng phó với biến đổi khí hậu

Mô hình tiêu biểu

21:38 09/09/2020

Sau 2 năm triển khai mô hình “Cộng đồng an toàn” tại xã Liên Hòa, TX.Quảng Yên do Hội Chữ thập đỏ tỉnh Quảng Ninh phát động đã từng bước phát huy hiệu quả, nâng cao ý thức, kỹ năng của người dân về phòng chống thiên tai, biến đổi khí hậu, góp phần bảo vệ môi trường.

Với quy mô dân số 8.108 người bằng 2.201 hộ dân, xã Liên Hòa là địa phương thường xuyên chịu tác động do thiên tai, nhất là vào mùa mưa bão. Vì vậy, việc xây dựng và triển khai mô hình “Cộng đồng an toàn” tạo sự hỗ trợ cơ sở vật chất và nâng cao nhận thức cho người dân về phòng ngừa thảm họa thiên tai, nước sạch và vệ sinh môi trường tại địa phương là hết sức cần thiết.
 
     Diễn tập phòng chống thiên tai do Hội CTĐ tỉnh Quảng Ninh tổ chức tại
xã Liên Hòa, TX.Quảng Yên
Trao đổi với PV Báo TN&MT, ông Nguyễn Quốc Hưng, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ (CTĐ) xã Liên Hòa cho biết, những năm về trước, xã còn nhiều khó khăn, điều kiện vệ sinh môi trường, nước sạch và nhận thức về phòng ngừa thiên tai  còn hạn chế, thiếu nguồn nước sạch cho sinh hoạt, ý thức về việc bảo vệ môi trường sống trong dân cư chưa được coi trọng. Từ khi mô hình được triển khai đã góp phần nâng cao ý thức của người dân về bảo vệ môi trường, cũng như có thêm nhiều kiến thức về phòng chống về thiên tai.
Có được kết quả trên, là sự vào cuộc tích cực của Hội CTĐ tỉnh, thị xã Quảng Yên và chính quyền xã Liên Hòa và sự đồng tình ủng hộ, tham gia của đông đảo người dân ở địa phương. Cụ thể, sau 2 năm triển khai, Hội CTĐ tỉnh đã tổ chức 4 tập huấn, về phòng ngừa thiên tai, thảm họa, quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng cho 143 học viên là cán bộ, chính quyền xã, đội tình nguyện viên, giáo viên và người dân xã Liên Hòa. Đồng thời, thành lập một đội tình nguyện viên CTĐ nòng cốt của xã gồm 25 người. Các thành viên được cung cấp tài liệu, kỹ năng để từ đó xây dựng những nội dung trọng tâm, phù hợp với đặc thù của địa phương, để đội tình nguyện viên thực hiện các buổi tuyên truyền một cách thiết thực, hiệu quả tại các thôn.
Cùng với đó, Hội CTĐ tỉnh tổ chức 9 lớp tập huấn sơ cấp cứu ban đầu, nâng cao nhận thức về hiến máu tình nguyện và tư vấn sức khỏe cộng đồng cho 300 cán bộ chính quyền, hội viên, đội tình nguyện viên, giáo viên và người dân ở xã Liên Hòa. Đồng thời, tổ chức tập huấn cho giáo viên, học sinh tiểu học về phòng ngừa thiên tai, thảm họa, sơ cấp cứu ban đầu và mở các lớp dậy bơi cho học sinh tiểu học. Từ nay đến hết năm 2020, Hội sẽ tổ chức 4 lớp tập huấn cho 100 giáo viên, học sinh tiểu học về kỹ năng bơi và an toàn trường học trên địa bàn xã.
         Tình huống diễn tập gia cố mái nhà người dân trước khi bão đổ bộ
vào đất liền tại xã Liên Hòa, TX.Quảng Yên
Trước ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19, ngay từ đầu năm 2020, Hội CTĐ tỉnh đã phối hợp với xã Liên Hòa tổ chức truyền thông phòng chống dịch bệnh Covid-19, kết hợp phát miễn phí 200 khẩu trang và 300 tờ rơi. Đồng thời, từ nguồn kinh phí của Dự án “Ứng phó dịch bệnh Covid-19” do Hiệp hội CTĐ và Trăng lưỡi liềm đỏ Quốc tế, Hội đã hỗ trợ sinh kế cho 57 hộ gia đình tại Liên Hòa bị ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19 trị giá 147 triệu.
Bên cạnh đó, Hội CTĐ tỉnh phối hợp với chính quyền địa phương xây dựng cơ sở dữ liệu 65 địa chỉ những đối tượng dễ bị tổn thương cần trợ giúp nhân đạo để vận động các nhà hảo tâm hỗ trợ. Đến nay, Hội CTĐ tỉnh đã vận động kết nối trao tặng 25 xe đạp cho học sinh nghèo trị giá 37 triệu; hỗ trợ kinh phí xây 5 nhà nhân đạo trị giá 200 triệu đồng...
           Hội CTĐ tỉnh Quảng Ninh tổ chức cho các em học sinh Trường Tiểu học
Liên Hòa tìm hiểu kiến thức về phòng ngừa thảm họa, thiên tai
Phó Chủ tịch UBND xã Liên Hòa, Đào Văn Hồng cho biết, sau 2 năm thực hiện mô hình “Cộng đồng an toàn” đã giúp cho điều kiện sống kinh tế của người dân được nâng lên rõ rệt. Môi trường sạch hơn trước rất nhiều, người dân đã có ý thức và hình thành thói quen thu gom, phân loại và xử lý rác thải. Kết quả này thông qua những con số ấn tượng, như: 75% người dân không còn vứt rác bừa bãi như trước; tỷ lệ người mắc các bệnh phụ khoa, tiêu chảy, hô hấp giảm 30%, tỷ lệ hộ nghèo từ 65 hộ giảm xuống còn 22 hộ; tỷ lệ cộng đồng đã hiểu biết về thiên tai, thảm họa và biện pháp phòng tránh, ứng phó tăng 20%; 100% người dân cho rằng xây dựng mô hình “Cộng đồng an toàn” là rất cần thiết.
Một lớp dạy bơi cho các em học sinh bậc tiểu học tại xã Liên Hòa, TX.Quảng Yên
Chia sẻ về những kết quả của mô hình nói trên, Chủ tịch Hội CTĐ tỉnh Quảng Ninh, Vũ Hồng Hải cho biết, hiệu quả lớn nhất từ công tác xây dựng mô hình “Cộng đồng an toàn” có tính bền vững, cần hướng tới cơ chế điều hành của chính quyền địa phương, trong đó mỗi người dân là chủ thể trong cộng đồng đó. Có được kết quả trên là có sự tham gia hỗ trợ của cộng đồng dân cư và các ban, ngành đoàn thể trong thôn, xã, thể hiện sự quan tâm vào cuộc của cộng đồng. Mô hình như là một chất xúc tác, thúc đẩy sự vào cuộc của các cấp chính quyền, tổ chức, cá nhân tạo điều kiện để người dân vươn lên có cuộc sống tốt hơn so với trước khi thực hiện mô hình.
Theo Phạm Hoạch /TN&MT

Bài viết liên quan