Theo kết quả rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo, tại thời điểm ngày 01/01/2021, tỉnh Quảng Trị 12.505 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 7,03 % và 11.210 hộ cận nghèo, chiếm tỷ lệ 6,30%; trong đó có 7.930 hộ nghèo dân tộc thiểu số, chiếm 63,41% so với tổng số hộ nghèo và 38,70% so với tổng số hộ dân tộc thiểu số. Dự kiến trong năm 2021, toàn tỉnh giảm 1.887 hộ nghèo, tương ứng giảm tỷ lệ 1,10%, ước đạt 100% kế hoạch đề ra.
Kịp thời đưa chính sách đến với hộ nghèo
Thời gian qua, được cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp trong tỉnh quan tâm lãnh đạo và chỉ đạo, các chính sách của Đảng, Nhà nước đã đến với hộ nghèo, hộ cận nghèo một cách kịp thời, đầy đủ.
Theo báo cáo kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững 9 tháng năm 2021 của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Quảng Trị, về chính sách tín dụng ưu đãi cho hộ nghèo, cận nghèo, Chi nhánh Ngân hàng chính sách xã hội tỉnh được bổ sung 336,65 tỷ đồng vào nguồn vốn cho vay (Trung ương 310,7 tỷ đồng, địa phương 25,95 tỷ đồng), theo đó đã thực hiện 10/14 chương trình tín dụng ưu đãi trên địa bàn tỉnh.
Hỗ trợ về đất cho đồng bào dân tộc thiểu số ở huyện Cam Lộ (Quảng Trị) để vươn lên thoát nghèo
Kết quả, qua chương trình ủy thác nguồn vốn vay với các hội, đoàn thể và các chương trình tín dụng khác, toàn tỉnh đã giải quyết cho 21.923 lượt hộ vay, đạt 83,68% kế hoạch năm và 99,15% so với cùng kỳ năm 2020; tổng kinh phí giải ngân trên 979,63 tỷ đồng, đạt 105,27% kế hoạch năm và vượt 4,5% so với cùng kỳ năm 2020.
Thực hiện chính sách hỗ trợ về y tế cho người nghèo, người cận nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số và người dân ở vùng đặc biệt khó khăn, Cơ quan Bảo hiểm xã hội đã cấp 144.439 thẻ Bảo hiểm y tế cho người nghèo, người cận nghèo, người dân tộc thiểu số ở vùng khó khăn và người dân ở vùng đặc biệt khó khăn, với tổng kinh phí thực hiện trên 89,41 tỷ đồng.
UBND tỉnh Quảng Trị phân bổ 9,05 tỷ đồng bổ sung Quỹ khám, chữa bệnh cho người nghèo của tỉnh. Trong 9 tháng năm 2021, đã hỗ trợ 14.868 lượt bệnh nhân thuộc hộ nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội, đồng bào dân tộc thiểu số và người mắc bệnh hiểm nghèo không có khả năng khám, chữa bệnh, với tổng kinh phí hỗ trợ 7,41 tỷ đồng.
Đối với chính sách hỗ trợ về giáo dục cho người nghèo, tỉnh thực hiện miễn, giảm học phí cho 10.542 lượt học sinh thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo; hỗ trợ chi phí học tập cho 8.561 lượt học sinh thuộc hộ nghèo; tổng kinh phí miễn giảm và hỗ trợ chi phí học tập trên 5,98 tỷ đồng. Cấp trên 569 tấn gạo và trên 7,86 tỷ đồng để thực hiện các chính sách hỗ trợ học sinh và trường phổ thông ở xã, thôn đặc biệt khó khăn theo Nghị quyết số 116/2016/NQ-CP, ngày 18/7/2016 của Chính phủ cho 5.842 lượt học sinh thuộc vùng đặc biệt khó khăn.
Thực hiện chính sách hỗ trợ đồ dụng, phương tiện học tập, cấp học bổng cho 193 học sinh khuyết tật theo Thông tư liên tịch số 42/2013/TTLT-BGDĐT-BLĐTBXH-BYT, với số kinh phí hỗ trợ trên 1,63 tỷ đồng. Trong 9 tháng đầu năm 2021, đã có 583 học sinh, sinh viên được tiếp cận với nguồn vốn vay, tăng 139,9% so với cùng kỳ năm 2020, tổng kinh phí giải ngân ngân trên 28,05 tỷ đồng, tăng 30% so với cùng kỳ năm 2020.
Về chính sách hỗ trợ đào tạo nghề cho người nghèo, cận nghèo, các cơ sở dạy nghề đã tổ chức tuyển sinh, đào tạo nghề cho 2.039 lao động nông thôn; trong đó có 42 người thuộc diện hộ nghèo, 19 người thuộc hộ cận nghèo, 86 lao động là người dân tộc thiểu số được đào tạo nghề và 10 lao động là người khuyết tật, tổng kinh phí hỗ trợ trên 300 triệu đồng.
Chính sách hỗ trợ xây dựng nhà ở cho hộ nghèo, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh và các tổ chức Hội, Đoàn thể đã vận động Quỹ ”Vì người nghèo” và các nguồn huy động khác hỗ trợ 202 nhà, sửa chữa 87 nhà ở cho hộ nghèo và các đối tượng khó khăn về nhà ở, với tổng kinh phí thực hiện trên 10,6 tỷ đồng.
Ngoài ra, tỉnh Quảng Trị cũng đã thực hiện chính sách hỗ trợ tiền điện cho 12.505 hộ nghèo với tổng kinh phí thực hiện 3,15 tỷ đồng.
Tích cực tham gia hỗ trợ người nghèo
Có thể khẳng định, công tác giảm nghèo trên địa bàn tỉnh Quảng Trị đã có sự tham gia hưởng ứng tích cực, có hiệu quả của MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội và các tầng lớp nhân dân. Qua đó, góp phần quan trọng vào việc cải thiện đời sống vật chất và tinh thần cho người nghèo ổn định cuộc sống, thu hẹp khoảng cách về trình độ phát triển giữa các vùng, địa bàn và các nhóm dân cư.
Cụ thể, trong 9 tháng năm 2021, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã hỗ trợ xây mới 93 nhà, sửa chữa 73 nhà ở cho hộ nghèo với tổng kinh phí trên 4,71 tỷ đồng; thực hiện các chính sách hỗ trợ khác trên 10,79 tỷ đồng, như: xây dựng 01 trường mầm non, tặng 4.737 suất quà, hỗ trợ 746 học sinh nghèo, hỗ trợ phát triển sản xuất 87 hộ gia đình, tặng xe đạp cho 80 học sinh nghèo.
Hội Liên hiệp Phụ nữ các cấp trong tỉnh đưa chỉ tiêu giảm nghèo vào ký kết giao ước thi đua năm 2021, phấn đấu giúp đỡ 100% hộ nghèo do phụ nữ làm chủ, có 75% được các cấp hội đỡ đầu có địa chỉ. Trong đó, bình quân mỗi cơ sở đỡ đầu thoát nghèo từ 5 - 7 hộ (riêng các xã miền núi từ 3 - 5 hộ), trong đó có 1 hộ đạt 8 tiêu chí gia đình 5 không 3 sạch. Đồng thời, quản lý tốt các tổ nhóm tiết kiệm tại chi tổ, tổ hợp tác tiết kiệm tín dụng. Kết quả, đã tiết kiệm trên 44,37 tỷ đồng cho 14.292 lượt hội viên vay; giải ngân 111,59 tỷ cho 4.250 lượt hội viên vay vốn qua chương trình ủy thác với Ngân hàng Chính sách xã hội và tín chấp với Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nâng tổng số dư nợ lên 1.701,2 tỷ đồng, với 74.605 lượt người vay.
Ngô trở thành cây trồng chính của nhiều hộ nghèo ở vùng núi Đakrông (Quảng Trị)
Các cấp Hội phụ nữ cũng đã tổ chức và phối hợp tổ chức 48 lớp tập huấn kỹ thuật nghề may, trồng hoa, trồng rau, chăn nuôi, tín dụng tiết kiệm, kinh doanh, chế biến... với 1.278 lượt hội viên tham gia. Tiếp tục tục hiện có hiệu quả Chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương”, mô hình “Ngân hàng cây, con giống”....
Trong 9 tháng năm 2021, đã huy động 4,46 tỷ đồng hỗ trợ 2.949 suất quà và tiếp sức cho 1.267 lượt hội viên phụ nữ nghèo, phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong cuộc sống. Hỗ trợ xây dựng 29 nhà, sửa chữa 14 mái ấm tình thương, với tổng kinh phí trên 1,62 tỷ đồng; hỗ trợ xây dựng 228 nhà tiêu hợp vệ sinh với số tiền thực hiện 887 triệu đồng, qua đó giúp hội viên Hội Phụ nữ khắc phục khó khăn, thoát nghèo.
Hội Nông dân các cấp trong tỉnh đã thực hiện chương trình ủy thác với Ngân hàng Chính sách xã hội thực hiện 68 mô hình giải quyết việc làm giảm nghèo bền vững với tổng kinh phí 3,65 tỷ đồng. Từ nguồn Quỹ hỗ trợ nông dân đã giải ngân cho 95 hộ nghèo, cận nghèo xây dựng 09 mô hình giảm nghèo, với tổng kinh phí cho vay 2,5 tỷ đồng. Hỗ trợ xây dựng 05 nhà ở cho hộ nghèo với tổng kinh phí 200 triệu đồng. Tổ chức các hoạt động thông qua nhóm hộ, tổ hợp tác, dịch vụ, tư vấn, tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật; tập trung xây dựng các mô hình về liên kết sản xuất, mô hình hợp tác xã kiểu mới; vận động cán bộ, hội viên nông dân đóng góp công, vật chất cho hộ nghèo, nạn nhân chất độc da cam, hội viên nông dân có hoàn cảnh khó khăn.
Hội Cựu chiến binh các cấp trong tỉnh tập trung xây dựng các mô hình giảm nghèo; các cấp Hội phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội giải quyết vốn vay tín dụng ưu đãi đến hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác. Theo đó, đã giải quyết vốn vay cho 10.963 hội viên với tổng số vốn quản lý lên đến 494,19 tỷ đồng; qua tín chấp với các tổ chức tín dụng đã giải ngân 58 tỷ đồng để giải quyết việc làm cho 1.160 lao động. Từ Quỹ nội bộ giúp nhau phát triển kinh tế đã giải quyết cho 615 hội viên vay với tổng số tiền nợ là 30,74 tỷ đồng. Tổ chức 21 lớp tập huấn về công tác giảm nghèo cho 975 hội viên tham gia; tập huấn 16 về kiến thức vay vốn cho 230 hội viên; 40 lớp nâng cao kiến thức cho 1.222 hội viên.
Đoàn TNCS Hồ Chí Minh các cấp trong tỉnh đã chỉ đạo và hướng dẫn, hỗ trợ thanh niên xây dựng và phát triển 490 mô hình thanh niên làm kinh tế có thu nhập trên 100 triệu đồng/năm. Qua hoạt động ủy thác tiếp tục giải quyết vốn vay cho đoàn viên, nâng tổng số dư nợ lên 347 tỷ đồng. Tổ chức trao tặng cây, con giống cho các hộ đoàn viên như: tặng 500 ngan giống, 15 cặp dê giống, 16 bó giống, 10.000 cây giốn; hỗ trợ 8 sáng kiến khởi nghiệp, chuyển đổi việc làm với tổng kinh phí trên 790 triệu đồng…
Phát huy những kết quả đạt được, thời gian tới, tỉnh Quảng Trị sẽ tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp; đưa mục tiêu giảm nghèo vào tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của các tổ chức Đảng, chính quyền, mặt trận, đoàn thể của địa phương.
Thực hiện có hiệu quả phong trào thi đua “Cả nước chung tay vì người nghèo - Không ai bị bỏ lại ở phía sau”, khơi dậy ý chí tự lực vượt khó, vươn lên thoát nghèo của người nghèo. Thực hiện đầy đủ các chính sách giảm nghèo và an sinh xã hội; vận động cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp giúp đỡ hộ nghèo phát triển kinh tế hộ gia đình, tăng thu nhập.
Tiếp tục đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu tại các khu dân cư, đặc biệt ở vùng nghèo, xã nghèo nhằm tạo điều kiện cho phát triển kinh tế - xã hội của cộng đồng dân cư và hộ nghèo thuận lợi, dễ dàng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản để vươn lên thoát nghèo…
Chí Tâm