Cuộc vận động “Mỗi tổ chức, mỗi cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo” do Hội Chữ thập đỏ Việt Nam phát động là cầu nối để các cấp chính quyền, tổ chức xã hội chung tay chăm lo cho người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong cuộc sống.
Hội Chữ thập đỏ tỉnh Kiên Giang tổ chức tặng quà người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn nhân dịp tháng nhân đạo.
Gia đình em Huỳnh Ngọc Thủy Tiên - học sinh Trường Trung học cơ sở và Trung học phổ thông U Minh Thượng, ngụ ấp Công Sự, xã An Minh Bắc, huyện U Minh Thượng (Kiên Giang) có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Gia đình Tiên thuộc hộ nghèo, mẹ em bị suy thận mạn tính nên hàng tuần phải lọc máu. Cuộc sống khó khăn nên mẹ con em phải qua ở cùng ông bà ngoại.
Tháng 11-2022, ông ngoại Tiên bị tai nạn giao thông qua đời, chi phí sinh hoạt trong nhà em nhờ vào sự giúp đỡ của người thân. Cảm thông với hoàn cảnh gia đình Tiên, Công đoàn cơ sở Hội Chữ thập đỏ tỉnh vận động đoàn viên đóng góp hỗ trợ 550.000 đồng/tháng cho gia đình em. Năm 2022, Công đoàn cơ sở Hội Chữ thập đỏ tỉnh Kiên Giang vận động tặng gia đình Tiên 1 xe đạp, xây nhà và tặng quà với tổng số tiền trên 135 triệu đồng.
“Em cảm ơn cô chú giúp đỡ gia đình em. Em cố gắng học tốt để sau này có nghề có thể lo cho bản thân, cho bà và mẹ”, Thủy Tiên nói.
Cuộc vận động “Mỗi tổ chức, mỗi cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo” trên địa bàn tỉnh Kiên Giang ngày càng lan tỏa sâu rộng, được sự quan tâm, hưởng ứng của nhiều cơ quan, tổ chức, nhà hảo tâm, góp phần trợ giúp kịp thời hoàn cảnh khó khăn.
Từ năm 2021 đến nay, các cấp hội trợ giúp 10.587 lượt địa chỉ với số tiền trên 10 tỷ đồng thông qua hình thức tặng bảo hiểm y tế, cấp học bổng, hỗ trợ học nghề, tạo việc làm cho người khuyết tật, nạn nhân chất độc da cam, sửa và xây nhà, hỗ trợ chi phí điều trị bệnh… Từ sự trợ giúp này, nhiều gia đình vượt qua khó khăn, phát triển kinh tế, vươn lên trong cuộc sống, góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo ở địa phương.
Theo Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh Kiên Giang Lưu Kim Oai, cuộc vận động được các cấp hội chữ thập đỏ triển khai sâu rộng và có nhiều hoạt động mới theo từng năm. Các cấp hội tập trung tuyên truyền về ý nghĩa của cuộc vận động, rà soát, lập hồ sơ địa chỉ nhân đạo và tích cực vận động mọi nguồn lực để trợ giúp địa chỉ nhân đạo. Đối tượng được hướng tới là người khuyết tật nghèo, nạn nhân chất độc da cam, người già neo đơn và trẻ em mồ côi...
Hội Chữ thập đỏ Vòng tay nhân ái phối hợp tình nguyện viên khám, phát thuốc miễn phí cho người dân huyện Hòn Đất (Kiên Giang).
Nhằm tiếp tục đẩy mạnh cuộc vận động “Mỗi tổ chức, mỗi cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo”, huy động toàn xã hội trợ giúp ngày càng tốt hơn cho đối tượng có hoàn cảnh khó khăn, ban chỉ đạo cuộc vận động ban hành kế hoạch thực hiện năm 2023.
Ban chỉ đạo đề nghị thành viên ban chỉ đạo, các ban, ngành, đoàn thể và địa phương chỉ đạo trong hệ thống tổ chức triển khai thực hiện cuộc vận động; phối hợp hội chữ thập đỏ cùng cấp khảo sát lập hồ sơ địa chỉ nhận đạo; vận động cán bộ, công chức, viên chức, chi bộ, đảng bộ, tổ chức Công đoàn, Đoàn Thanh niên, tổ chức, cá nhân, nhà hảo tâm đăng ký hỗ trợ đối tượng có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; chỉ tiêu giai đoạn 2023-2025 có 90% địa chỉ nhân đạo khảo sát được gắn kết trợ giúp từ 300.000 đồng/tháng trở lên.
Mỗi xã, phường, thị trấn đăng ký trợ giúp ít nhất từ 1 địa chỉ trở lên; mỗi cơ sở hội có ít nhất 1 mô hình công tác xã hội nhân đạo được áp dụng thực hiện hiệu quả...
“Thời gian tới, Hội Chữ Thập đỏ tỉnh Kiên Giang tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các ngành, đoàn thể vận động doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tích cực tham gia cuộc vận động, từ đó lan tỏa giá trị nhân văn sâu sắc, giúp đỡ người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn có điều kiện vươn lên trong cuộc sống”, đồng chí Lưu Kim Oai cho biết.