Quang cảnh Hội thảo
Theo Báo cáo nghiên cứu, ngành bia có, vị trí, vai trò rất lớn trong việc tạo nguồn thu cho ngân sách thông qua các khoản thuế trực tiếp từ sản xuất bia và các khoản khác qua những hoạt động liên quan như: dịch vụ phân phối bán lẻ, bao gồm cả dịch vụ xuất nhập khẩu. Theo số liệu thống kê của VBA, trong những năm gần đây, ngành bia và đồ uống nói chung đóng góp lớn vào thu NSNN, với trung bình khoảng gần 60 nghìn tỷ đồng mỗi năm. Giá trị sản xuất của ngành đồ uống chiếm khoảng 5,6-6% tổng giá trị sản xuất ngành công nghiệp, trong đó sản xuất và kinh doanh bia có những đóng góp quan trọng bên cạnh những giá trị về văn hóa, lịch sử.
Cùng với những đóng góp lớn vào nền kinh tế, ngành cũng đã tạo ra tạo ra việc làm cho hàng chục nghìn lao động trực tiếp và hàng triệu lao động gián tiếp trong chuỗi cung ứng bia từ sản xuất, cung ứng nguyên phụ liệu đầu vào cho sản xuất, chế biến đến lưu thông, phân phối, đóng gói, bao bì, vận chuyển, bảo quản, bán buôn, bán lẻ tới người tiêu dùng và phục vụ cho xuất khẩu… Ngành cũng thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài và các công nghệ tiên tiến hiện đại. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp trong ngành luôn ưu tiên và quan tâm dành một phần ngân sách đáng kể để tham gia tích cực trong các hoạt động phát triển bền vững theo tiêu chí Môi trường- Xã hội và Quản trị minh bạch (ESG), thông qua các chiến dịch sản xuất xanh, nâng cao nhận thức xã hội, hỗ trợ vấn đề an sinh, bảo vệ môi trường và báo cáo minh bạch, theo xu hướng của thế giới và cam kết của Việt Nam, tích cực tham gia vào công tác thiện nguyện, xã hội…
Phát biểu tại hội thảo, nhiều ý kiến cũng đồng tình quan điểm cho rằng, việc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với một số ngành hàng, trong đó có ngành bia là cần thiết. Tuy nhiên, việc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với ngành bia cần một phương án hài hòa để đạt được mục tiêu tăng thu ngân sách mà vẫn bảo vệ sức khỏe, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.
Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) (sửa đổi) đã được đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025, bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 8 (tháng 10/2024) và thông qua tại Kỳ họp thứ 9 (tháng 5/2025).
Trong đó, Luật sửa đổi theo hướng điều chỉnh tăng thuế suất thuế TTĐB đối với mặt hàng bia (mức thuế hiện nay là 65%) với 2 phương án được đề xuất. Phương án 1 sẽ tăng thuế từ năm 2026, tăng theo từng năm và mỗi năm tăng 5% để tới năm 2030 thuế suất thuế TTĐB đối với bia là 90%. Phương án 2 sẽ tăng thuế từ năm 2026 với mức tăng 15%, sau đó từ năm 2027 tăng từng năm và mỗi năm tăng 5% để tới năm 2030 thuế suất thuế TTĐB đối với bia là 100%.
Tại Văn bản số 28/VB-VBA ngày 1/7/2024 của Hiệp hội Bia-Rượu-Nước giải khát (VBA) gửi Bộ trưởng Bộ Tài chính về góp ý dự thảo Luật thuế TTĐB (sửa đổi), VBA đề xuất lùi thời hạn tăng thuế tới năm 2027; đồng thời tăng thuế ở mức 5% và với lộ trình tăng 2 năm một lần, đến mức 80% vào năm 2031, để phù hợp với bối cảnh kinh tế, thực trạng doanh nghiệp và để doanh nghiệp có khả năng trụ vững, thích ứng, qua đó giảm nhẹ ảnh hưởng tiêu cực tới ngành và đóng góp chung cho phát triển kinh tế xã hội.
3 phương án nhóm nghiên cứu thực hiện đánh giá tác động.
Bà Nguyễn Thị Minh Thảo, Trưởng ban Nghiên cứu môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh (Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương – CIEM) cho biết: Nhóm nghiên cứu đã thực hiện với 3 phương án gồm phương án 1, phương án 2 của Bộ Tài Chính và phương án VBA đề xuất. Cả 3 phương án đều ảnh hưởng, làm suy giảm giá trị tăng thêm của ngành bia. Giả định, mức tăng trưởng giá trị tăng thêm ngành bia tương đương với mức tăng trưởng GDP theo kịch bản 6,5%, với phương án 1, giá trị tăng thêm giảm 44.359 tỷ đồng, tương đương 9,4%; phương án 2 giảm 61.899 tỷ đồng, tương đương 13,12% và phương án 3 là giảm 38.329 tỷ đồng, tương đương 6,5%.
Theo bà Nguyễn Thị Minh Thảo, chu kỳ sản xuất của ngành bia là chu kỳ ngắn hạn. Ở các chu kỳ sản xuất trung và dài hạn, sản xuất của ngành bia và 21 ngành trong quan hệ liên ngành bị thu hẹp, dẫn tới nguồn thu NSNN giảm. Vì thế, mục tiêu tăng thuế TTĐB đối với mặt hàng bia để tăng NSNN sẽ không đạt được về trung và dài hạn.
Đặc biệt, người lao động cũng chịu ảnh hưởng đáng kể khi tăng thuế TTĐB đối với bia. Cả 3 phương án đều làm giảm thu nhập của người lao động trong nền kinh tế. Vì vậy, trên cơ sở căn cứ vào tổng quan, thực trạng chung của doanh nghiệp, ngành bia là ngành dễ bị ảnh hưởng nhất trước những thay đổi về chính sách.
Việc điều chỉnh tăng thuế sẽ có tác động lớn tới hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, của người dân tới cả nền kinh tế. Do vậy cần có đánh giá tác động thật kỹ lưỡng, dựa trên các cơ sở khoa học, tình hình thực tế về kinh tế và an sinh xã hội, chiến lược phát triển.
“Báo cáo đánh giá tác động của dự thảo tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng bia” được kỳ vọng sẽ là nguồn thông tin đáng tin cậy, có giá trị tham khảo hữu ích cho Quốc Hội, Chính phủ, ban soạn thảo và các bộ ngành liên quan để tham khảo, xem xét các tác động toàn diện của đề xuất điều chỉnh tăng thuế TTĐB đối với bia, hướng tới một chính sách thuế phù hợp theo Phương án 3 (lùi thời điểm thực hiện đến 2027, tăng 5% theo lộ trình 2 năm một lần đến 2031), tạo động lực và tinh thần kinh doanh, đồng thời đảm bảo mục tiêu quản lý nhà nước và điều tiết tiêu dùng hướng tới mục tiêu hài hòa các lợi ích, sức khỏe cộng đồng, an sinh xã hội, ổn định phát triển sản xuất kinh doanh và tăng thu cho ngân sách Nhà nước.