Thái Nguyên: Tạo sinh kế giúp người nghèo qua Dự án “Ngân hàng bò”

Được triển khai từ năm 2013, đến nay Dự án “Ngân hàng bò” của Hội CTĐ huyện Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên đã và đang phát huy hiệu quả thiết thực. Từ dự án, nhiều hộ dân nghèo, nạn nhân chất độc da cam có thêm “chiếc cần câu” để phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.

Đến thăm gia đình chị Nguyễn Thị Nguyệt, xóm An Long, xã Bình Long, là đối tượng hộ nghèo, nạn nhân chất độc da cam được trao bò đợt đầu tiên của dự án “Ngân hàng bò” (năm 2013). Chị Nguyệt cho biết: Khi nhận được bò giống sinh sản (tương đương 13 triệu đồng) từ Dự án “Ngân hàng bò” của Hội CTĐ huyện Võ Nhai, chúng tôi rất vui mừng, bởi khi đó hoàn cảnh gia đình vô cùng khó khăn. Sau khi nhận bò, chúng tôi được Ban quản lý dự án phổ biến kỹ thuật chăn nuôi bò, hỗ trợ khi bò gặp vấn đề bệnh tật. Nhờ vậy, bò được chăm sóc, phát triển tốt, sau một năm bò sinh bê con, gia đình đã bàn giao cho Ban quản lý dự án xã Bình Long để tiếp tục luân chuyển cho hộ nghèo khác. Ngoài con bê bàn giao, tính từ con giống ban đầu, đến nay tôi đã bán được 7 con bê con (với giá bán từ 10-16 triệu đồng/con). Cũng nhờ tích lũy từ tiền bán bê, gia đình tôi sửa sang lại nhà cửa, nuôi con ăn học và đến nay đã thoát nghèo.
 

Chị Nguyễn Thị Nguyệt, xã Bình Long, một trong những hộ được nhận bò giống đầu tiên từ Dự án “Ngân hàng bò” nay đã thoát nghèo
Bình Long là một trong những xã quản lý hiệu quả Dự án “Ngân hàng bò”. Từ con bò giống đầu tiên đến nay, xã đã luân chuyển được 12 con cho 12 hộ nghèo, nạn nhân chất độc da cam trong xã. Ông Long Văn Lưu, Phó Bí thư Đảng ủy xã Bình Long (Nguyên Trưởng ban Dự án “Ngân hàng bò” của xã) nhận xét: Đây là hình thức giúp đỡ rất thiết thực, phù hợp với nguồn lực, lợi thế đồi bãi sẵn có của các gia đình. Trong quá trình chuyển giao bò, cũng có những cam kết, phối hợp chặt chẽ giữa hộ nhận bò và Ban quản lý dự án nên hầu hết những vướng mắc, khó khăn trong quá trình nuôi đều được giải quyết kịp thời. Do vậy, các hộ đều rất vui vẻ, chăm sóc phát triển đàn bò béo tốt, bán được giá cao và đa phần các hộ đã vươn lên thoát nghèo.
Võ Nhai là huyện vùng núi,  có 8 dân tộc anh em cùng sinh sống, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm trên 72%, điều kiện kinh tế khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo còn cao. Thực hiện chủ chương của Trung ương Hội CTĐ Việt Nam, đồng thời với mong muốn “tạo sinh kế” cho người dân thoát nghèo bền vững, năm 2013, Ủy ban nhân dân huyện Võ Nhai đã thành lập Ban quản lý Dự án “Ngân hàng bò”. Để có kinh phí hoạt động ban đầu, huyện đã vận động, kêu gọi toàn thể cán bộ, công nhân, viên chức, người lao động trên toàn huyện tham gia ủng hộ. Ngay sau khi phát động đầu tiên, Ban quản lý dự án thu được khoảng 600 triệu đồng và mua được 48 con bò giống sinh sản giao đến người nghèo.

Gia đình anh Nguyễn Xuân Chinh ở xã Bình Long phát triển hiệu quả bò của Dự án
Ông Hòa Minh Toàn, Chủ tịch Hội CTĐ, Trưởng ban Dự án “Ngân hàng bò” huyện cho biết: Để dự án thực sự phát huy hiệu quả, đúng người đúng đối tượng, chúng tôi xây dựng quy trình chặt chẽ, có hướng dẫn cụ thể và huy động sự vào cuộc các ngành, đoàn thể. Đối tượng nhận bò là hộ nghèo, ưu tiên hộ gia đình chính sách, phụ nữ là chủ hộ và có đủ điều kiện chăn nuôi... Mỗi hộ hưởng lợi, đều có hồ sơ, trong đó có đơn xin chăn bò, biên bản họp, bình xét của xóm, bản cam kết chăn nuôi. Bò giống sau khi nuôi tại các hộ, lứa đẻ đầu tiên, nếu là bê cái sau 6 tháng tuổi thì chuyển giao cho hộ nghèo khác, theo lựa chọn của Ban quản lý dự án. Nếu là bê đực, Ban quản lý Dự án “Ngân hàng bò” huyện sẽ bán và mua bê cái cho hộ nghèo khác nuôi. Sau lứa trao bê đầu tiên, gia đình sẽ hoàn toàn sở hữu bò giống được trao. Sau khi nhận bò, các hộ dân được tham gia tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc bò sinh sản do Ban quản lý Dự án “Ngân hàng bò” phối hợp với các phòng, ban chuyên môn tổ chức. Các hộ cũng được hỗ trợ 50% giá trị bò nếu không may gặp rủi ro như bị chết, hoặc không sinh được bê cái, được hỗ trợ tiền phối giống. Để bò phát triển tốt, Ban quản lý dự án thường xuyên kiểm tra, đôn đốc các gia đình làm chuồng trại, phối hợp với cán bộ thú y tiêm phòng định kỳ cho đàn bò giống. Nhờ vậy, từ 48 con giống ban đầu, đến nay Dự án “Ngân hàng bò” huyện Võ Nhai đã luân chuyển lên hơn 150 con bò cho toàn bộ 15 xã, thị trấn. Trong số đó, có gần 100 hộ nhận bò đã phát triển chăn nuôi hiệu quả và thoát nghèo.
Với những hiệu quả đạt được từ việc triển khai Dự án “Ngân hàng bò” tại huyện Võ Nhai đã chứng minh chương trình hỗ trợ sinh kế không chỉ mang lại hiệu quả thiết thực cho các hộ nghèo mà dự án còn mang một ý nghĩa nhân văn sâu sắc, đó là sự sẻ chia, chung tay góp sức của cả cộng đồng với tinh thần tương thân, tương ái, từng bước góp phần giảm nghèo, tạo điều kiện để người nghèo phát triển kinh tế theo hướng bền vững. Hi vọng, thời gian tới, Dự án “Ngân hàng bò” của huyện Võ Nhai sẽ tiếp tục nhận được sự quan tâm, hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân hảo tâm để dự án ngày càng lan tỏa, trao thêm những niềm vui, hy vọng mới cho các hộ nghèo trên địa bàn.
Lưu Phượng

 

Bài viết liên quan