Tình người còn mãi

Đi qua chặng đường năm Canh Tý 2020, một năm đầy biến động, đong đầy những cảm xúc và tâm trạng buồn vui. Đi qua cuộc đời mỗi người là thời gian, là những gian truân vất vả làm nên những thành công và để chúng ta thêm tuổi mới với niềm lạc quan, phấn khởi.

Một năm vượt qua bao khó khăn thử thách, tinh thần và ý chí  ViệtNam lại càng được phát huy mạnh mẽ, là điểm sáng về sự thành công đạt được mục tiêu kép trong phát triển kinh tế và phòng chống đại dịch Covid -19. Báo chí trong và ngoài nước đã giật những tít lớn ca ngợi, đâu đó dân ta cũng râm ran câu chuyện của năm cũ với cảm xúc tự hào, kiêu hãnh.
Trong những câu chuyện của năm cũ, những người con dân Đất Việt không thể quên được những đau thương mất mát do thiên tai dịch bệnh gây nên. Một năm gánh chịu sự cuồng nộ của 13 cơn bão và dịch bệnh đã cướp đi sinh mạng của gần 290 người trong đó riêng bão lụt quần phá 9 tỉnh miền Trung đã làm chết và mất tích 129 người, hơn 111,9 nghìn ngôi nhà bị đổ sập, cuốn trôi; thiệt hại do thiên tai lên con số 10,1 nghìn tỷ đồng.
Bao đời nay, cái dáng hình xứ sở hình chữ S bên bờ Biển Đông sóng gió này đã làm nên một Việt Nam với bao thăng trầm của giặc giã ngoại xâm và thiên tai ác liệt. Có lẽ vì thế mà tôi luyện nên con người Việt Nam, gan góc, xông pha, không sợ hy sinh gian khổ, đoàn kết yêu thương làm nên nghĩa đồng bào. Truyền thống nhân văn, nhân ái Việt Nam vì thế mãi mãi là hồn cốt tinh hoa, là vốn quý để làm nên sức mạnh của cả một dân tộc. Vốn quý ấy đã thể hiện mạnh mẽ nhất trong năm qua bằng việc thử sức đương đầu với đại dịch Covid -19 và bão lũ ở các tỉnh miền Trung. Những người đứng đầu Đảng, Nhà nước và Chính phủ đã phát đi những lời hiệu triệu mạnh mẽ mà nhân văn, nhân ái có sức lay động lòng người, kêu gọi sự quyết tâm, đồng lòng hợp sức, chia sẻ. Triệu triệu người dân, các tập thể, các tổ chức, cá nhân chung tay góp sức giúp người dân trong phòng chống đại dịch Covid -19, trong bão lũ miền Trung đã viết nên những câu chuyện đẹp về tình người. Trong những câu chuyện đó, những “Chiến sỹ áo đỏ” làm công tác nhân đạo của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đã để lại nhiều hình ảnh đẹp khi đến với người dân vùng lũ và vùng dịch bệnh.
Chợ Nhân đạo dành cho người nghèo tại xã Ngọc Lập, huyện Yên Lập, tỉnh Phú Thọ 
Một năm về với người dân khó khăn vùng biên giới xa xôi, với bà con ngư dân không thể đi biển đánh bắt mang về con tôm, con cá; về với những miền quê đằm mình trong bão lũ, những xóm trọ của công nhân khó khăn mất việc làm, đến với các em nhỏ vùng cao, những điểm trường bán trú nơi dốc núi, đầu non... Toàn hệ thống Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đã hỗ trợ hơn 4.740 tỷ đồng cho trên 19,6 triệu lượt người, cao gấp hơn 1,5 lần so với giá trị hoạt động nhân đạo năm 2019. Con số ấy đã nói lên nhiều điều. Chất chứa trong con số đó là sự chung tay, góp sức của hàng triệu tấm lòng “bầu bí thương nhau”, là tình cảm, trách nhiệm và sự nêu gương của những người lãnh đạo, quản lý với tinh thần: “Gần dân, hiểu dân, có trách nhiệm với dân”. Con số đó chứa đựng hàng ngàn, hàng vạn câu chuyện để cho tình người còn mãi đọng lại.
 
Nhóm thiện nguyện Sahring tặng bồn chứa nước  bà con các tỉnh hạn mặn miền Tây
Đó là Nhóm thiện nguyện Sahring của các doanh nghiệp TP Hồ Chí Minh do Nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cùng Phu nhân tập hợp vận động với hàng chục thành viên đồng hành với Hội Chữ thập đỏ đã nhiều năm lăn lộn với người nghèo. Bước chân của họ đi tới nhiều nơi khó khăn nhất, gắn bó với bà con vùng sâu, vùng xa mang đến cho người dân vùng cao Hà Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn gần 500 căn nhà Chữ thập đỏ; mang đến những dòng nước ngọt từ các giếng khoan trong mùa hạn mặn giúp đỡ hàng trăm hộ gia đình ở các tỉnh miền Tây Nam bộ có nước để dùng qua mùa hạn mặn; là hàng trăm cây cầu, con đường để người dân đi lại trong mùa nước lũ, trẻ em được đến trường.
Đó là tinh thần nêu gương của cán bộ, đảng viên huyện Bát Xát và lãnh đạo cấp ủy, chính quyền tỉnh Lào Cai hưởng ứng Cuộc vận động “Mỗi tổ chức, mỗi cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo” của Hội đã tham gia gắn địa chỉ nhân đạo giúp đỡ hàng trăm trẻ mồ côi, tàn tật. Đó là hàng trăm bếp ăn tình thương của những vùng quê luôn đỏ lửa để có những bữa cơm, cháo phục vụ người bệnh. Đó là trung tâm nuôi dạy trẻ mồ côi đã truyền lửa yêu thương, dạy dỗ cho bao mảnh đời trẻ em bất hạnh được nên người.
Là câu chuyện về chị Trần Thị Mai, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Phường Cam Nghĩa, Nha Trang, Khánh Hòa đã 97 lần tham gia hiến máu tình nguyện. Là câu chuyện nuôi bò của ông Nguyễn Mạnh Thản, Công ty Cổ phần Ao Vua đã cấp hơn 6 tỷ đồng cho bà con nghèo vay không lấy lãi để phát triển mô hình “Ngân hàng bò” của Hội, giúp cho hàng trăm gia đình khó khăn có việc làm, thu nhập ổn định. Về vùng bão lũ miền Trung trong những ngày tháng 9-10 năm 2020, hình ảnh những chiến sỹ áo đỏ các cấp Hội lăn lộn trong mưa lũ luôn bám dân, vào vùng nguy hiểm giúp dân sơ tán, cung cấp kịp thời lương thực, nước uống. Câu chuyện về người Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ hyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình, Nguyễn Thị Thắm đã gác lại chuyện nhà cửa của mình ngập lụt lao vào vùng tâm lũ cùng đồng nghiệp cứu dân đã để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp.
Hội Chữ thập đỏ Quảng Trị trao quà cho người dân  bị ngập lụt tại xã Hải Sơn, huyện Hải Lăng
Có biết bao nhiêu Nhà lãnh đạo, quản lý phát huy tinh thần nêu gương của cán bộ, đảng viên, luôn đồng hành cùng với Hội; trăn trở tạo điều kiện làm cho phong trào nhân đạo lan tỏa trong cộng đồng. Có biết bao doanh nghiệp lăn lộn với thương trường nhưng khi có “miếng ăn, miếng để” cũng luôn hướng về những người nghèo khó. Bao nhiêu bếp ăn tình thương tại các bệnh viện do những cán bộ hưu trí, những tình nguyện viên Chữ thập đỏ lập ra để có bữa cơm, bữa cháo làm ấm lòng người bệnh.
Bà Trương Thị Mai, Trưởng ban Dân vận Trung ương đã đi những phiên Chợ Nhân đạo, bà đánh giá cao sáng kiến của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đã vận dụng sáng tạo, linh hoạt trong bối cảnh giãn cách xã hội để đồng loạt tổ chức“Chợ Nhân đạo”. Chỉ trong vòng chưa đầy 1 tháng cao điểm đã có gần 500 phiên chợ phục vụ cho trên 120.000 người dân ở vùng ảnh hưởng của dịch bệnh trị giá trên 35 tỷ đồng vừa giúp người dân tiêu thụ sản phẩm vừa hỗ trợ kịp thời người dân khó khăn.
Trong hội nghị trực tuyến toàn quốc cuối năm 2020, người đứng đầu chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá rất cao sự nỗ lực của các cấp, các ngành, mọi người dân trong đó ông nhấn mạnh: Trong thời gian diễn ra đại dịch Covid-19, khắc phục hậu quả lũ lụt tại các tỉnh miền Trung vừa qua, các cấp, các ngành làm rất tốt, nhất là Hội Chữ thập đỏ Việt Nam  các cấp và các  nhà hảo tâm khác đã chung tay, góp sức,thể hiện lòng nhân ái, nghĩa đồng bào, tinh thần “lá lành đùm lá rách”. Đây là truyền thống văn hóa đáng quý của nhân dân ta và trở thành sức mạnh lan tỏa rộng khắp cả nước...
Hội Chữ thập đỏ Việt Nam ra đời gần 75 năm đã có nhiều phong trào, cuộc vận động mà sức lan tỏa của tình người trải dài trên khắp mọi vùng miền của Tổ quốc. Nạn nhân chiến tranh, nạn nhân chất độc da cam được chữa bệnh, tặng nhà ở, chăm sóc giúp đỡ thường xuyên. Đồng bào dân tộc vùng sâu biên giới, hải đảo được cấp vốn, cấp vật nuôi cây trồng để xoá đói giảm nghèo yên tâm xây dựng bản làng giữ đất, giữ lửa cho đất nước bình yên. “Mỗi giọt máu cho đi- Một cuộc đời ở lại, Hiến máu cứu người – Một nghĩa cử cao đẹp”…Những thông điệp ấy lay động hàng triệu triệu trái tim nhân ái sẵn sàng tham gia hiến máu cứu người, làm cho phong trào hiến máu tình nguyện tỏa đến tận bản làng, góc phố, cơ quan, trường học. Là thành viên của Phong trào Chữ thập đỏ - Trăng lưỡi liềm đỏ  quốc tế, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đã có nhiều đóng góp xứng đáng, là thành viên tích cực hoạt động vì mục tiêu: “Nhân đạo - Hòa bình - Hữu nghị”.
Chào năm mới 2021! 
Trời đã yên, biển đã lặng.
Xuân đã về trên mọi vùng miền Tổ quốc.
Không khí Tết cổ truyền đầm ấm, vui tươi lại đến với mỗi gia đình. Một năm bắt đầu từ mùa xuân, đến từ những điều mới mẻ nhất, nhưng có lẽ những câu chuyện mà những Chiến sỹ áo đỏ đã viết nên từ năm này qua năm khác sẽ còn đọng mãi, họ sẽ viết tiếp những câu chuyện của tình người, tình nhân ái để cho:
Lòng Nhân ái muôn đời tỏa sáng
Trí Anh hùng vạn thuở lưu danh.

Đặng Minh Tiến

Bài viết liên quan