Tham dự Đại hội có các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đồng chí lão thành cách mạng, các Mẹ Việt Nam Anh hùng, các điển hình tiên tiến đại diện các lĩnh vực kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng, công nghiệp, nông nghiệp, khoa học công nghệ...; các thành phần tôn giáo, dân tộc, nhân sĩ, trí thức, thầy thuốc, nhà giáo, nghệ nhân, văn nghệ sĩ, các nhà khoa học...
Phát biểu khai mạc Đại hội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương nêu rõ: Cách đây 72 năm, nhân kỷ niệm 1.000 ngày Nam Bộ kháng chiến, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra lời kêu gọi Thi đua ái quốc. Người viết: "Mỗi người dân Việt Nam, bất kỳ già, trẻ, trai, gái; bất kỳ giàu, nghèo, lớn, nhỏ, đều cần phải trở nên một chiến sỹ tranh đấu trên mặt trận: Quân sự, Kinh tế, Chính trị, Văn hóa." Người kêu gọi: "Làm cho mau, Làm cho tốt, Làm cho nhiều".
Thực hiện lời kêu gọi thiêng liêng đó của Người, trải qua 26.480 ngày kể từ ngày 11/6 năm đó, không ngày nào nhân dân ta không thi đua yêu nước. Từ những ngày đầu với phong trào thi đua diệt giặc dốt, diệt giặc đói, cho đến giặc ngoại xâm; Từ thi đua khôi phục kinh tế-xã hội ở miền Bắc cho đến thi đua chi viện cho chiến trường miền Nam; Từ thi đua đánh thắng giặc Mỹ, thống nhất đất nước đến thi đua kiến thiết lại nước nhà, thực hiện công cuộc đổi mới kinh tế và đưa đất nước tiến lên trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa; Thi đua làm cho dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Thủ tướng Nguyên Xuân Phúc khẳng định: Trong 5 năm qua, phong trào thi đua yêu nước phát triển ngày càng mạnh mẽ và sâu rộng chưa từng thấy với nhiều nội dung phong phú, sinh động, “lấy cái đẹp dẹp cái xấu”, “lấy tiếng hát át tiếng bom”. Chúng ta thấy nhiều hình ảnh cảm động, nhân văn, những tấm gương đa dạng trong nhiều lĩnh vực…Có thể nói, các phong trào thi đua đã góp phần quan trọng vào việc động viên sức mạnh to lớn của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, trong toàn Đảng, toàn quân và toàn dân, khơi dậy được tinh thần tự hào, tự tôn dân tộc, hun đúc ý chí mạnh mẽ, khát vọng hùng cường của dân tộc ta. Thi đua giờ đây trở thành điều rất quen thuộc trong đời sống hàng ngày của chúng ta. Tinh thần thi đua vượt lên chính mình chính là cội nguồn sức mạnh của sự phát triển.
“Ngày nay, cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín của đất nước ta có được là kết tinh của nhiều phong trào thi đua sôi nổi, bao gồm cả những cống hiến và hi sinh thầm lặng ở mọi cấp, mọi ngành, mọi tầng lớp xã hội”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.
Báo cáo tại Đại hội, đồng chí Đặng Thị Ngọc Thịnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch Thứ nhất Hội đồng Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương cho biết: Trong 5 năm qua, các phong trào thi đua yêu nước trên các lĩnh vực tiếp tục phát triển sâu rộng, nhất là từ đầu năm 2020, đại dịch Covid-19 xảy ra trên toàn cầu đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến kinh tế, xã hội của các quốc gia, trong đó có Việt Nam; thực hiện lời dạy của Bác “Càng khó khăn thì càng phải thi đua”, hưởng ứng Lời kêu gọi của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, các ngành, các cấp và nhân dân cả nước đã ra sức thi đua phấn đấu, chung sức, đồng lòng thực hiện thắng lợi mục tiêu kép mà Chính phủ đề ra, kiểm soát được đại dịch và phát triển kinh tế - xã hội.
Trong đó, phong trào có hiệu quả thiết thực nhất và để lại dấu ấn, làm thay đổi bộ mặt, diện mạo của nông thôn Việt Nam trong thời gian qua là phong trào “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” với sự quan tâm, tạo điều kiện của Nhà nước và toàn xã hội, người dân đã thực sự trở thành chủ thể của phong trào thi đua với những việc làm thiết thực, hiệu quả. Trong 10 năm, đã có hàng vạn hộ gia đình tự nguyện hiến gần 45 triệu m2 đất, đóng góp hàng chục nghìn tỷ đồng và gần 60 triệu ngày công lao động để xây dựng các công trình công cộng, phúc lợi ở địa phương, góp phần về đích sớm gần 2 năm các chỉ tiêu xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011 – 2020; Phong trào “Cả nước chung tay vì người nghèo, không để ai bị bỏ lại phía sau” góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân, giảm tỷ lệ hộ nghèo của cả nước xuống dưới 3%; so với đầu nhiệm kỳ có 32,5% xã vùng bãi ngang ven biển và hải đảo, 50% huyện thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn; Phong trào “Doanh nghiệp Việt Nam hội nhập và phát triển” trong 5 năm qua, có hơn 630.000 doanh nghiệp thành lập mới và ngày càng nhiều các doanh nghiệp đạt các danh hiệu "Doanh nghiệp có sản phẩm, dịch vụ công nhận Thương hiệu quốc gia", "Doanh nghiệp vì người lao động"...Phong trào “Cán bộ, công chức, viên chức thi đua thực hiện văn hóa công sở” góp phần xây dựng hình ảnh người cán bộ, công chức, viên chức tận tụy, trách nhiệm, chuyên nghiệp, phục vụ người dân và doanh nghiệp.
Từ các phong trào thi đua yêu nước đã xuất hiện ngày càng nhiều các tập thể, cá nhân tiêu biểu xuất sắc, điển hình tiến tiến. Trong 5 năm qua, đã khen tặng 343.727 Huân, Huy chương; 25.920 danh hiệu vinh dự Nhà nước (trong đó bao gồm cả Nhà giáo, Thầy thuốc, Nghệ sĩ, Nghệ nhân ưu tú, nhân dân); 28 Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, 73 Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới; 308 Giải thưởng Nhà nước, Giải thưởng Hồ Chí Minh và 390 Chiến sĩ thi đua toàn quốc. Tại Đại hội này, có 2020 đại biểu là những điển hình tiên tiến xuất sắc trong các phong trào thi đua yêu nước trên tất cả các lĩnh vực và đại diện cho các tổ chức, cá nhân được khen thưởng trong nhiệm kỳ qua. Trong đó 60% là những người trực tiếp đang lao động, học tập trên cá lĩnh vực; 24% đại biểu nữ; 19,5% đại biểu trẻ và 9,5% đại biểu các dân tộc thiểu số. Đây là những bông hoa tươi thắm nhất trong vườn hoa thi đua yêu nước của đất nước trong 5 năm qua.
Trần Thu Hương