Xác định vai trò quan trọng của hoạt động sơ cấp cứu đối với người bị nạn, Hội Chữ thập đỏ tỉnh Bắc Giang đã triển khai mạnh mẽ mô hình các trạm, điểm sơ cấp cứu. Đến nay, Bắc giang đã trở thành địa phương có nhiều trạm, điểm sơ cấp cứu đạt chuẩn và hoạt động hiệu quả nhất cả nước.
Hơn 5000 người được sơ cấp cứu kịp thời
Theo thống kê của cơ quan chức năng, hằng năm, tỉnh Bắc Giang có trên 300 vụ tai nạn giao thông đường bộ, làm chết hơn 100 người, bị thương khoảng hơn 200 người.
Từ thực trạng nêu trên, Hội Chữ thập đỏ tỉnh Bắc Giang xác định cần triển khai các hoạt động sơ cứu kịp thời cho người bị nạn trước khi chuyển đến cơ sở y tế để giảm tử vong, thương tật nặng, ảnh hưởng sức khỏe, giảm gánh nặng cho ngành y tế, gia đình và xã hội.
Đề xuất về việc thành lập các trạm, điểm sơ cấp cứu theo chuẩn của Thông tư số 17/2014/TT-BYT của Bộ Y tế đã được sự ủng hộ nhiệt tình của cấp ủy Đảng, chính quyền, ngành y tế, nhất là các tình nguyện viên.
Các hội viên được tập huấn kỹ năng sơ cấp cứu đối với người bị nạn.
Bà Lê Thị Duyên, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh Bắc Giang cho biết, khi tai nạn xảy ra, nạn nhân được sơ cứu kịp thời và đúng cách ngay tại hiện trường sẽ tăng khả năng được cứu sống, giảm thiểu tổn thương thứ phát, giúp nhanh chóng hồi phục; giảm thiệt hại về kinh tế, gánh nặng về chi phí điều trị. Chính vì vậy việc sơ cứu kịp thời trong khoảng “thời gian vàng” 4 phút đóng vai trò quan trọng trong cứu sống và giảm thiểu di chứng cho nạn nhân khi bị tai nạn.
Hiện tại, toàn quốc có 526 trạm, điểm sơ cấp cứu chữ thập đỏ đạt chuẩn (gồm 6 trạm và 522 điểm), trong đó, tỉnh Bắc Giang có 159 trạm, điểm sơ cấp cứu (1 trạm và 158 điểm) đạt chuẩn, được Sở Y tế tỉnh Bắc Giang cấp giấy phép hoạt động. Bắc Giang đang là tỉnh có nhiều trạm, điểm sơ cấp cứu đạt chuẩn và hoạt động hiệu quả nhất cả nước.
Với thông điệp “Sơ cấp cứu là một hành động nhân đạo”, tỉnh Hội đã làm tốt công tác vận động, thuyết phục, kêu gọi các tấm lòng nhân đạo, thiện nguyện, sẵn sàng mang thời gian, công sức, trí tuệ, vật lực tham gia và đặt các điểm sơ cấp cứu tại nhà mình và thực hiện các hoạt động sơ cấp cứu ban đầu cho người dân.
Trong nhiệm kỳ qua, đội ngũ tình nguyện viên đã sơ cấp cứu hơn 900 vụ tai nạn, 5.321 nạn nhân đã được sơ cấp cứu kịp thời, bảo vệ sự sống và hỗ trợ đưa đến các cơ sở y tế an toàn để điều trị.
Chú trọng công tác đào tạo hội viên
Để có được những kết quả trên, tỉnh Hội đã chú trọng đầu tư đào tạo đội ngũ tập huấn viên, hướng dẫn viên và tình nguyện viên sơ cấp cứu (80 lớp huấn luyện cho trên 3.500 lượt cán bộ, hội viên, tình nguyện viên sơ cấp cứu đã được thực hiện trong nhiệm kỳ qua).
Đặc biệt, trong 12 năm liên tiếp tính từ năm 2009 đến nay, tỉnh Hội đều đặn tổ chức Hội thi kỹ thuật sơ cấp cứu cho tình nguyện viên, được Trung ương Hội đánh giá cao và nêu điển hình trong toàn quốc.
Hội Chữ thập đỏ tỉnh Bắc Giang thường xuyên tổ chức hội thi kỹ thuật sơ cấp cứu cho tình nguyện viên.
Hiện nay, toàn tỉnh có 795 tình nguyện viên làm việc tại các trạm điểm, trên tinh thần tự nguyện, không có phụ cấp, hàng ngày họ vẫn phải mưu sinh lo cuộc sống nên có biến động về số lượng. Nhằm khắc phục tình trạng trên, tỉnh Hội đã đề xuất, thuyết minh và được hỗ trợ từ ngân sách nhà nước 350 triệu đồng/1 năm để duy trì hoạt động của 100% trạm, điểm trong toàn tỉnh.
Theo Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh Bắc Giang Lê Thị Duyên, thời gian tới, tỉnh Hội sẽ tập trung đẩy mạnh công tác truyền thông, tạo dựng vị thế, sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền các cấp, huy động sự tham gia của cộng đồng và các nguồn lực từ các tổ chức, nhà hảo tâm.
Quan tâm nâng cao năng lực chuyên sâu, tận dụng kinh nghiệm, động viên, khen thưởng kịp thời cho đội ngũ tập huấn viên, hướng dẫn viên, tình nguyện viên sơ cấp cứu.
Thường xuyên đầu tư, bổ sung, cập nhật trang thiết bị, tài liệu, dụng cụ huấn luyện và đào tạo sơ cấp cứu. Phối hợp chặt chẽ với ngành y tế, các bệnh viện, đơn vị liên quan để thiết lập kênh thông tin, liên lạc, hỗ trợ xử lý các tình huống có thể xảy ra.
“Mong muốn trong thời gian tới, Hội Chữ thập đỏ tỉnh Bắc Giang có thể thành lập được Trung tâm huấn luyện sơ cấp cứu, mang đến kiến thức, kỹ năng cho người dân tại tỉnh Bắc Giang; tiến tới có thể thực hiện các hoạt động đào tạo sơ cấp cứu dịch vụ vì mục tiêu nhân đạo trong trường học, các khu công nghiệp; tổ chức các buổi diễn tập với quy mô lớn về sơ cấp cứu để ứng phó với các trường hợp thiên tai, đại dịch hoặc sự cố nghiêm trọng xảy ra”, bà Lê Thị Duyên chia sẻ.
Với những kết quả nêu trên, Hội Chữ thập đỏ Bắc Giang đã được Trung ương Hội đánh giá là lá cờ đầu trong khu vực với Danh hiệu “ba nhất”: Nhất về triển khai hiệu quả Cuộc vận động “Mỗi tổ chức, mỗi cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo” với sự tham gia, vào cuộc của cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể và trực tiếp, toàn diện của đồng Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch danh dự của Hội Chữ thập đỏ tỉnh; Nhất về thiết lập mạng lưới, tập huấn, hội thi và triển khai hoạt động sơ cấp cứu; Nhất về Phong trào hiến máu tình nguyện và mô hình "Dòng họ, gia đình hiến máu tiêu biểu" với 220 dòng họ hiến máu.
Theo Lê Tú (daibieunhandan.vn)