Truyền thông với thế mạnh tác động đến nhận thức công chúng, từ nhận thức sẽ tác động đến hành động và ứng xử của công chúng. Đối với hoạt động nhân đạo, truyền thông tuyên truyền đến tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước biết tới các hoạt động của Hội CTĐ Việt Nam, hiểu rõ nội hàm về nhân đạo, các giá trị nhân đạo, Tư tưởng nhân đạo Hồ Chí Minh - Người sáng lập và là Chủ tịch danh dự đầu tiên của Hội CTĐ Việt Nam. Qua đó, vận động được các nguồn lực nhằm trợ giúp thiết thực tới các đối tượng yếu thế trong cộng đồng lan tỏa trong xã hội lòng nhân ái, tinh thần tương thân tương ái, vốn dĩ là truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam.
Ngoài Cổng thông tin điện tử của Hội CTĐ Việt Nam (Redcross.org.vn), Hội CTĐ Việt Nam có thể tự hào là một trong không nhiều đơn vị có đủ cả báo hình, báo viết, báo điện tử (Truyền hình Nhân đạo, Tạp chí Nhân đạo, Tạp chí điện tử Nhân đạo và Đời sống và Trang tin điện tử). Các bài viết không chỉ đề cập các vấn đề nhân đạo trong nước mà còn chia sẻ các thông tin ở nước ngoài, về phong trào CTĐ-TLLĐ quốc tế. Ở một số kỳ của Tạp chí Nhân đạo có cả các bài viết tiếng Anh.
Thời gian qua, các cơ quan truyền thông của Hội CTĐ Việt Nam cơ bản đã làm tốt vai trò của mình trong tuyên truyền các hoạt động nhân đạo và công tác CTĐ ở các cấp Hội trong cả nước, không chỉ chia sẻ thông tin trong hệ thống Hội mà còn kết nối với các doanh nghiệp, đối tác. Màu cờ, sắc áo CTĐ trong các hoạt động xã hội đã được truyền thông hiệu quả, nhanh nhạy, kịp thời, góp phần lan toả hình ảnh Hội CTĐ Việt Nam với bạn bè quốc tế. Thông qua đó, vận động nguồn lực ngày càng tốt hơn, công tác vận động chính sách với Đảng, Nhà nước rõ rệt hơn, người dân và cộng đồng tin yêu Hội CTĐ Việt Nam hơn, coi CTĐ là địa chỉ tin cậy để trao gửi, giúp đỡ những người gặp khó khăn.
Đặc biệt, Tạp chí Nhân đạo có thêm Chuyên đề “Dân tộc và Miền núi” với số lượng phát hành mỗi số gần 18.000 bản, 2 kỳ/tháng đã giúp hình ảnh CTĐ có lượng tương tác nhiều hơn đến với đồng bào dân tộc thiểu số. Nhất là vừa qua, Tạp chí Nhân đạo còn được Bộ Khoa học và Công nghệ cấp Mã chuẩn quốc tế cho xuất bản phẩm nhiều kỳ (ISSN).
Các hoạt động truyền thông của Hội tập trung tuyên truyền đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước về công tác nhân đạo, về truyền thống tương thân tương ái của dân tộc, nhiều tấm gương người tốt việc tốt, mô hình hay, trong các lĩnh vực hoạt động của Hội như: Công tác xã hội nhân đạo; Chăm sóc sức khỏe và sơ cấp cứu đựa vào cộng đồng; Hiến máu, hiến tặng mô tạng nhân đạo; Phòng ngừa và ứng phó thảm họa… được truyền tải đầy đủ đến độc giả, để từ đó lan tỏa các giá trị nhân đạo trong đời sống xã hội.
Thông qua truyền thông, Phong trào “Tết vì người nghèo và nạn nhân chất độc da cam” đã đi vào tiềm thức không chỉ người dân, đối tượng hưởng lợi mà còn với cấp ủy Đảng, chính quyền. Cuộc vận động “Mỗi tổ chức, mỗi cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo”, nhờ truyền thông tốt nên không chỉ cán bộ của Hội CTĐ tham gia, mà nhiều cấp uỷ Đảng, chính quyền, người đứng đầu tổ chức, doanh nghiệp… đăng ký gắn với những địa chỉ nhân đạo cụ thể. Dự án “Ngân hàng bò” đã được lan toả tới 62 huyện nghèo, xã biên giới trên toàn quốc. “Tháng Nhân đạo” với các mô hình hiệu quả như “Chợ Nhân đạo” đã dần trở thành phong trào nhân đạo của toàn dân. Các sự kiện truyền thông vận động hiến máu nhân đạo như “Lễ hội Xuân hồng”, Chiến dịch “Những giọt máu hồng” hè – “Hành trình đỏ”; Các Lời kêu gọi ủng hộ nhân dân bị thiên tai, thảm họa do con người gây ra, đại dịch đã được các cơ quan truyền thông đăng tải rộng khắp, từ đó nâng cao nhận thức xã hội, cổ vũ, phát huy, khơi dậy tinh thần tương thân tương ái, sự quan tâm, sẻ chia trong các tầng lớp nhân dân cho những người dân gặp khó khăn trong cuộc sống. Đặc biệt, trong đại dịch COVID-19, các cơ quan truyền thông của Hội đã kịp thời đăng tải hình ảnh hoạt động của lãnh đạo Đảng và Nhà nước, lãnh đạo T.Ư Hội đến các bệnh viện, đến các tâm dịch trao tặng khẩu trang và dụng cụ y tế, giúp tuyến đầu phòng, chống dịch. Những hình ảnh đẹp của các tổ chức, cá nhân quyên góp gây quỹ tặng quà người dân, những cây ATM gạo, hay “cửa hàng 0 đồng” được truyền tải trên các trang tin, mặt báo của Hội đã lan tỏa tinh thần tương thân tương ái sâu sắc, góp tiếng nói chung cùng Đảng, cùng dân đẩy lùi dịch bệnh.
Với những thành quả trên, một lần nữa khẳng định vai trò của truyền thông là vô cùng to lớn đối với công tác Hội và phong trào CTĐ. Trong cuộc gặp mặt các cơ quan truyền thông của Hội nhân dịp 95 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam, PGS.TS Nguyễn Thị Xuân Thu đánh giá cao vai trò các cơ quan báo chí đã phản ánh trung thực, kịp thời các hoạt động của Hội. Báo chí không những làm tốt vai trò tuyên truyền, các cơ quan báo chí còn làm tốt công tác vận động nhân đạo, vận động doanh nghiệp, mạnh thường quân tặng quà, xây trường học, duy trì nồi cháo yêu thương… Đây có lẽ là đặc thù của các cơ quan báo chí của Hội.
Trong thời gian tới, các cơ quan báo chí của Hội cần tiếp tục duy trì bộ máy ổn định, nâng cao được chất lượng, điều chỉnh nội dung hoạt động, đổi mới cách thức truyền thông. Dựa trên nền tảng 4.0, những ấn phẩm báo in truyền thống cải tiến thành ấn phẩm mềm, có thể chia sẻ rộng rãi trên mạng xã hội. Mỗi cơ quan báo chí, đặc biệt Tạp chí là một cơ quan truyền thông đa phương tiện, có những chuyên mục, chuỗi bài viết tạo dấu ấn và tương tác mạnh mẽ với độc giả, tiếp cận đến nhiều đối tượng hơn, không chỉ trong hệ thống Hội mà có thể phát hành đến đông đảo bạn đọc trên toàn quốc, góp phần làm lan toả giá trị nhân đạo tới cộng đồng. Đồng thời, tham gia cùng cả hệ thống Hội trong vận động nguồn lực, vận động chính sách, không chỉ vận động trong nước mà còn vươn ra thế giới.