Hàng triệu tấm lòng đang hướng về miền Trung thời điểm này. Các hoạt động từ thiện sôi nổi, rộng khắp đã và đang mang lại hơi ấm của nghĩa đồng bào và cũng là để chung tay giúp đỡ bà con sớm ổn định cuộc sống sau những mất mát không thể đong đếm. Nhưng cũng từ đây, một số hoạt động từ thiện chưa đúng cách cũng xuất hiện, vừa không đạt được mục đích cứu trợ, lại còn gây ra những phiền toái, thậm chí là tổn thương cho cộng đồng.
Từ thiện không đúng cách
Quần áo từ thiện mới được gửi về xã Hướng Hóa, huyện Hướng Sơn, tỉnh Quảng Trị trong đợt lũ lụt vừa qua. Bà con ở đây đa phần là người dân tộc, có lẽ họ không biết phải mặc những chiếc quần áo, váy, thậm chí là váy 2 dây như thế nào, nên cuối cùng chúng được vứt ở ven đường. Chị Lại Thị Việt - người ghi lại những hình ảnh này - cũng là người làm từ thiện nhiều năm.
Những chai nước, gói mỳ ngày bão lụt thật quý giá hơn vàng. Nhưng trong những ngày nước dâng cao, hầu hết các đoàn từ thiện chỉ tới được những địa điểm gần đường, dễ tiếp cận. Những người ở sâu ở xa, nghèo đói nhất, nguy hiểm nhất chỉ có thể trông chờ vào lực lượng cứu hộ của địa phương. Vô tình, có những so sánh, tủi thân giữa những người cùng làng cùng xóm khi bão lũ qua rồi.
Ông Nguyễn Thế Hoàn - Bí thư huyện Lộc Hà, Hà Tĩnh - cho hay: "Những người già, trẻ con không thể lội ra để nhận hàng được nên họ rất thiệt thòi. Chúng tôi thấy rằng nếu cứ ồ ạt như vậy thì tạo ra hệ lụy là mất tình cảm xóm giềng sau lũ".
Còn đây là câu chuyện được chia sẻ trên một trang cộng đồng lớn: Có đoàn tình nguyện chở đồ vào miền Trung, yêu cầu lực lượng chức năng phải cung cấp tàu thuyền để phân phát cho bà con. Yêu cầu không được đáp ứng vì tàu còn phải dùng để cứu người khẩn cấp, thế là nhóm lấy điện thoại livestream trên mạng xã hội, kết tội cán bộ địa phương.
PGS.TS Trịnh Hòa Bình - chuyên gia Xã hội học - cho biết: "Thực tế là không chỉ làm tổn thương những người đang thực thi nhiệm vụ mà còn làm ảnh hưởng tới niềm tin xã hội vào cả hệ thống hỗ trợ mà chúng ta đang giăng ra để phục vụ với nỗ lực cao nhất cho công việc thiện nguyện này".
Từ thiện không chỉ đơn thuần là câu chuyện của trái tim. Việc làm từ thiện tự phát còn có thể khiến chính bà con xô xát nữa, thậm chí còn đánh luôn cả trưởng thôn vì cho rằng phân chia đồ cứu trợ không công bằng.
Cứu trợ cần an toàn, đúng đối tượng
Ông Mai Văn Lợi - Trưởng thôn Ngọa Cương, xã Cảnh Hóa, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quang Bình vừa xuất viện về. Phân trần với cơ quan công an, ông cho biết, vừa qua đã xảy ra xô xát với một số bà con trong thôn do việc phân chia đồ từ thiện chưa được đúng đối tượng, việc này là do nhiều đoàn từ thiện đến địa bàn, đến nơi gặp khó khăn trong việc cứu trợ mới gọi cho xã, thời gian gấp rút đã khiến công tác phân bổ không được đồng đều dẫn đến mâu thuẫn.
Trong khoảng 20 ngày vừa qua, nhiều cá nhân, tổ chức đi hỗ trợ bà con nhân dân tỉnh Quảng Bình bị ảnh hưởng bởi lũ lụt một cách tự phát đã gây ra những bất cập nhất định. Việc này đã khiến cho công tác cứu trợ không đúng đối tượng, không đúng thời điểm, thậm chí nhiều đoàn tự ý di chuyển đã đi vào các vùng sạt lở, nước xiết nguy hiểm đến tính mạng, nhiều trường hợp các đơn vị chức năng phải hỗ trợ giúp đỡ, việc này gây ra rất nhiều phiền toái.
Trong khi đó, 150 suất quà trị giá 300 triệu đồng của Tập đoàn Đèo Cả đã được trao rất nhanh, đúng người, đúng đối tượng cần hỗ trợ. Bởi trước đó đơn vị đã liên hệ để phối hợp với chính quyền địa phương, nhờ đó đã có sự chuẩn bị chu đáo.
Sự hỗ trợ của cộng đồng xã hội sẽ góp gió thành bão, tạo nguồn lực to lớn hỗ trợ bà con chịu ảnh hưởng của thiên tai. Tuy nhiên cần cứu trợ đúng cách, có văn hóa để làm sao để hàng cứu trợ đến được đúng nơi cần đến, tránh lãng phí và sự hoài nghi của những người làm từ thiện. Cách tốt nhất, lên liên hệ với chính quyền địa phương, bởi chính họ mới biết khu vực nào an toàn để đi, trường hợp nào khó khăn, trường hợp nào cần thiết cần hỗ trợ.
Nguồn: https://vtv.vn/xa-hoi/tu-thien-khong-chi-la-cau-chuyen-cua-trai-tim-20201104193905239.htm