Việt Nam: Top 10 thị trường thương mại điện tử tăng trưởng nhanh nhất thế giới

Sự kiện nổi bật

16:24 01/12/2023

Sáng 1/12, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) tổ chức hội nghị phát triển thương mại điện tử Việt Nam (TMĐT) với chủ đề “Phát triển thương mại điện tử bền vững”. Sự kiện được tổ chức trong khuôn khổ Chương trình Tuần lễ thương mại điện tử quốc gia và Ngày mua sắm trực tuyến Việt Nam - Online Friday thứ 10.

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải nhận định: Thương mại điện tử Việt Nam đang trải qua giai đoạn 10 năm phát triển rực rỡ. Từ những ngày đầu khi khái niệm thương mại điện tử còn khá xa lạ với người tiêu dùng, giao diện, hiển thị sản phẩm, dịch vụ, gian hàng còn đơn giản, đến nay đều đã có sự phát triển vượt bậc. TMĐT Việt Nam hiện đã liên tục ghi nhận mức tăng trưởng vượt bậc ở mức 16-30%/năm và dự kiến quy mô thị trường sẽ đạt 20,5 tỷ USD trong năm 2023 này.

Điều này chứng tỏ TMĐT ngày càng khẳng định vai trò và là cấu phần quan trọng của nền kinh tế số tại Việt Nam. Cùng với đó, thị trường TMĐT trong nước đã hình thành các hệ thống cung ứng dịch vụ thứ cấp cho thị trường bao gồm: dịch vụ nền tảng công nghệ hỗ trợ giao dịch TMĐT, các dịch vụ marketing, truyền thông tiếp thị trực tuyến, dịch vụ chuyển phát...

Nhận định thêm về tốc độ tăng trưởng của thương mại điện tử, bà Lê Hoàng Oanh, Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương cho biết: Thị trường thương mại điện tử Việt Nam đã giữ được tốc độ tăng trưởng liên tục trong 15 năm, trung bình tăng trưởng 20%/năm (ngoại trừ giai đoạn ảnh hưởng Covid-19).

Nhờ đó, thị trường thương mại điện tử Việt Nam đang được đánh giá có tốc độ tăng trưởng nằm trong nhóm Top 10 trên thế giới và dự đoán tiếp tục thăng hạng trong 2 năm tới.

Theo Cục trưởng Lê Hoàng Oanh để phát triển bền vững, TMĐT Việt Nam cần duy trì một tốc độ tăng trưởng tích cực, ổn định; đảm bảo sự cân bằng và hài hòa và phát triển xanh. Thương mại điện tử cũng là lĩnh vực có thể đóng góp nhiều vào việc tiết kiệm năng lượng và giảm thiểu rác thải độc hại cho môi trường; niềm tin; nguồn nhân lực.

“TMĐT là lĩnh vực mới, đang phát triển nhanh nhưng quy mô nguồn nhân lực chưa theo kịp nhu cầu phát triển. Hiện nay, ước tính chỉ có 30% nhân lực tại các công ty cung cấp giải pháp TMĐT được đào tạo chính quy. Như vậy, có tới 70% nhân sự TMĐT ở những đơn vị này được tuyển dụng từ những chuyên ngành đào tạo khác như thương mại, kinh doanh, công nghệ thông tin…”, bà Lê Hoàng Oanh nói.

Quang cảnh Hội nghị
Quang cảnh Hội nghị

Trong khuôn khổ Hội nghị, phiên Tọa đàm với chủ đề “Giải pháp hệ sinh thái số tăng cường bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và các chủ thể tham gia hoạt động thương mại điện tử tại Việt Nam" đã thu hút nhiều sự quan tâm, trao đổi của đông đảo doanh nghiệp đến tham dự.

Từ những chia sẻ, kiến nghị của các cơ quan, tổ chức, hiệp hội và doanh nghiệp đến Bộ Công Thương tại Hội nghị, Chương trình tiếp tục có thêm cơ hội hoàn thiện khung pháp lý và chính sách hiện hành về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trên môi trường trực tuyến. Từ đó, có thể tham mưu với lãnh đạo Chính phủ các định hướng, kế hoạch phù hợp nhằm thúc đẩy phát triển thương mại điện tử, tiếp tục đưa thương mại điện tử đóng vai trò chủ đạo đóng góp vào sự tăng trưởng chung của nền kinh tế số.

TP

Bài viết liên quan