Xây dựng nền nông nghiệp tuần hoàn, xanh và bền vững

Doanh nghiệp - Doanh nhân

17:15 18/12/2024

Sáng ngày 18/12, Tổng hội Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam đã tổ chức Diễn đàn Doanh nghiệp đồng hành cùng nhà nông và phát triển bền vững năm 2024.

Quang cảnh Diễn đàn

Những tín hiệu lạc quan
Theo Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội tháng 11 và 11 tháng năm 2024 của Tổng cục Thống kê, những con số tích cực trong sản xuất nông nghiệp đã và đang là những tín hiệu lạc quan cho mục tiêu phát triển chung của ngành nông nghiệp năm 2024. 
Xét theo mặt hàng cụ thể, ước tính 11 tháng năm 2024, Việt Nam có 7 mặt hàng NLTS có thặng dư thương mại đạt trên 1 tỷ USD, gồm: gỗ và sản phẩm gỗ thặng dư 12,11 tỷ USD, tăng 19,4% so với cùng kỳ năm trước; rau quả 4,56 tỷ USD, tăng 33,9%; cà phê 4,53 tỷ USD, tăng 30,5%; gạo 4,07 tỷ USD, tăng 14,6%; tôm 3,19 tỷ USD, tăng 20,5%; cá tra 1,72 tỷ USD, tăng 10,1%; và hạt tiêu thặng dư 1,07 tỷ USD, tăng 43,5%. Ngoài ra, phân bón cũng đang là mặt hàng có thặng dư thương mại đạt trên 1 tỷ USD trong khi nhiều năm về trước chúng ta hoàn toàn phụ thuộc vào thị trường nước ngoài.

Doanh nghiệp nông nghiệp còn gặp nhiều khó khăn 

Ông Hồ Xuân Hùng - Chủ tịch Tổng hội Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam

Tuy ngành nông nghiệp trong năm 2024 đã đạt được những kết quả nhất định, nhưng trên thực tế, theo ông Hồ Xuân Hùng - Chủ tịch Tổng hội Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, số lượng doanh nghiệp đầu tư vào khu vực này vẫn còn khá khiêm tốn do cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp tham gia vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn không đủ mạnh, cách huy động, kêu gọi, tạo điều kiện cho doanh nghiệp chưa thật sự tốt nên vẫn chưa có sức hấp dẫn, cuốn hút doanh nghiệp. Sự gắn kết giữa doanh nghiệp với nhà nông còn chưa thật sự tốt, người nông dân vẫn bị động từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm.
Hiện nay, thực tế là vẫn còn rất nhiều mục tiêu phải làm để có được một nền tảng nông nghiệp bền vững. Đặc biệt trong các lĩnh vực ứng dụng công nghệ cao, số lượng doanh nghiệp đầu tư còn hạn chế về số lượng cũng như kinh nghiệm. Đồng thời, bà con nông dân vẫn đang phải đối mặt với nhiều thách thức, từ biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh cho đến áp lực cạnh tranh trên thị trường.
Chia sẻ về những khó khăn, vướng mắc nội tại của doanh nghiệp ngành nông nghiệp, bà Lê Nguyễn Thiên Nga, Viện trưởng Viện Quản trị Chính sách, Nghiên cứu trưởng Chuỗi Chiến lược Dữ liệu quốc gia cho biết: "Doanh nghiệp nông nghiệp đang đối mặt với hàng loạt khó khăn cần tháo gỡ để phát triển bền vững. Trước tiên là vấn đề đất đai, khi việc tiếp cận để tổ chức sản xuất gặp nhiều vướng mắc. Quy hoạch vùng nguyên liệu còn thiếu ổn định, quá trình tích tụ đất nông nghiệp diễn ra chậm, chưa đáp ứng nhu cầu sản xuất quy mô lớn. Đồng thời, việc thuê hoặc nhận quyền sử dụng đất trên thị trường cũng gặp trở ngại do thiếu sự đồng thuận từ người sử dụng đất. Bên cạnh đó, bài toán tín dụng vẫn chưa tìm được lời giải thỏa đáng. Doanh nghiệp khó tiếp cận vốn do thiếu quy định cụ thể về định giá tài sản trên đất nông nghiệp để làm tài sản thế chấp. Hệ thống thuế và phí lại chưa hợp lý, tạo ra nhiều gánh nặng, đặc biệt trong việc cạnh tranh với hàng nhập khẩu. Trong sản xuất, cơ giới hóa tuy là chìa khóa nâng cao năng suất, nhưng ngành cơ khí hỗ trợ trong nước còn yếu kém, buộc doanh nghiệp phải nhập khẩu phần lớn máy móc thiết bị. Tương tự, nguồn giống cây trồng và vật nuôi phụ thuộc nặng nề vào nhập khẩu, trong khi các viện nghiên cứu trong nước chưa phát huy hiệu quả trong chuyển giao công nghệ".
"Thị trường tiêu thụ sản phẩm hiện cũng tồn tại nhiều bất ổn. Chuỗi liên kết giữa doanh nghiệp và các nhà phân phối chưa chặt chẽ, thiếu cơ quan hỗ trợ dự báo và phân tích thị trường, dẫn đến tình trạng dư thừa sản phẩm, ảnh hưởng trực tiếp đến thu nhập của người sản xuất. Một thách thức lớn khác là chất lượng nguồn nhân lực. Lao động nông thôn tuy dồi dào nhưng trình độ còn thấp, ý thức công nghiệp chưa cao, đòi hỏi nhiều thời gian và chi phí đào tạo. Mối quan hệ giữa lao động và doanh nghiệp cũng thiếu sự ổn định và gắn kết lâu dài. Cùng với đó, các chính sách ưu đãi về đầu tư công nghệ trong nông nghiệp chưa đủ mạnh. Nhiều rào cản trong công nhận và ứng dụng sản phẩm công nghệ khiến sản xuất vẫn mang tính nhỏ lẻ, kém hiệu quả. Hạ tầng phục vụ sản xuất như giao thông, thủy lợi và cơ sở nuôi trồng thủy sản chưa phát triển đồng bộ, làm tăng chi phí vận chuyển và bảo quản nông sản. Không chỉ vậy, thủ tục hành chính phức tạp, quản lý chồng chéo và các chính sách hỗ trợ chưa được thực thi nghiêm túc ở một số địa phương đã gây khó khăn cho doanh nghiệp. Cuối cùng, những bất cập trong quản lý và truyền thông về an toàn thực phẩm đang làm ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của toàn ngành", bà Nga nhận định.

Xây dựng nền nông nghiệp tuần hoàn, xanh và bền vững

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến phát biểu tại Diễn đàn

Phát biểu tại Diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến nhấn mạnh: Nông nghiệp Việt Nam sẽ tiếp tục chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp, sản xuất sản phẩm có giá trị cao, đa dạng theo chuỗi giá trị, tích hợp đa giá trị vào sản phẩm. Xây dựng nền nông nghiệp tuần hoàn, xanh và bền vững đặt ra nhiều thách thức nhưng cũng đem lại nhiều cơ hội về mở rộng thị trường, nâng cao khả năng cạnh tranh.
Năm 2024, ngành nông nghiệp có những thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen, nhất là thiệt hại của bão số 3. Song với sự chuyển đổi mạnh mẽ sang tư duy kinh tế nông nghiệp, hội nhập quốc tế, bám sát thực tiễn, chỉ đạo quyết liệt, linh hoạt, nỗ lực vượt qua nhiều khó khăn, ngành vẫn duy trì đà tăng trưởng cao, phát triển toàn diện, đặc biệt là xuất khẩu.
Với sự đồng hành tích cực của doanh nghiệp, đại biểu và nỗ lực không ngừng của bà con nông dân, các giải pháp hiệu quả sẽ được đề xuất, thúc đẩy một nền nông nghiệp bền vững và hiệu quả. Điều này không chỉ đáp ứng nhu cầu trong nước mà còn nâng cao vị thế của nông nghiệp Việt Nam trên trường quốc tế.
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết: Trong thời gian tới, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ triển khai đồng bộ các nhiệm vụ và giải pháp theo Nghị quyết số 19-NQ/TW khóa XIII về nông nghiệp, nông dân và nông thôn. Bộ cũng sẽ tập trung thực hiện chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030 và kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2021-2025. Mục tiêu là chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, hướng đến tạo ra các sản phẩm có giá trị cao, đa dạng theo chuẩn chuỗi giá trị, đồng thời tích hợp đa giá trị vào sản phẩm. Bên cạnh đó, Bộ cũng sẽ xây dựng nền nông nghiệp tuần hoàn, xanh và bền vững, qua đó nâng cao khả năng cạnh tranh, thu hút đầu tư nước ngoài (FDI), đồng thời thực hiện cam kết của Thủ tướng Chính phủ tại COP26 về giảm phát thải và phát triển nông nghiệp xanh. Trong thời gian tới, mặc dù còn nhiều thách thức cả trong nước, trong khu vực và toàn cầu nhưng chắc chắn ngành nông nghiệp sẽ tiếp tục phát triển, đưa nông nghiệp làm lợi thế của quốc gia.

An Nhiên

Bài viết liên quan