Câu hỏi đang được dư luận đặc biệt quan tâm sau vụ cháy quán karaoke khiến 13 người chết vừa xảy ra tại Hà Nội, là trách nhiệm thuộc về ai?
Như Báo Gia đình & Xã hội đã đưa tin, vụ hỏa hoạn xảy ra vào khoảng 13h45 ngày 1/11 trên phố Trần Thái Tông, Hà Nội. Ngọn lửa bắt nguồn từ quán karaoke rồi lan ra các ngôi nhà liền kề. Sau khoảng 5 tiếng, đám cháy đã được khống chế. Hậu quả vụ khiến 13 người tử vong, 4 căn nhà cao tầng bị thiêu rụi cùng nhiều tài sản khác.
Hiện trường vụ cháy quán karaoke khiến 13 người chết ở Hà Nội. Ảnh: Nông Thuyết
Có mặt tại hiện trường vụ hỏa hoạn, ông Lương Cao Thanh, Chủ tịch UBND quận Cầu Giấy thông tin, quán karaoke bị cháy chưa đủ điều kiện kinh doanh theo pháp luật, không có giấy phép phòng cháy chữa cháy. Lực lượng chức năng quận đã nhiều lần kiểm tra và yêu cầu quán đóng cửa, nhưng chủ cơ sở vẫn cố tình kinh doanh.
Về vấn pháp lý, trao đổi với PV Báo Gia đình & Xã hội, Luật sư Lê Văn Khương (Đoàn luật sư TPHCM) cho biết, để trả lời cho câu hỏi “trách nhiệm thuộc về ai sau vụ hỏa hoạn trên, cần nhìn nhận vụ ở nhiều góc cạnh, trường hợp.
Trường hợp hứ nhất: Cơ quan chức năng cần phải làm rõ thời điểm xảy ra vụ hỏa hoạn, thợ hàn xì đang trong quá trình thi công hay đã làm xong rồi. Nếu việc thợ thi công đã hoàn thành thì trách nhiệm thuộc về đơn vị quản lý và khai thác quán karaoke.
Khi đó, CQĐT cần phải làm rõ xem chủ quán có tuân thủ quy định về PCCC không? (bao gồm bản vẽ PCCC, biên bản nghiệm thu, chứng nhận theo quy định của pháp luật). Nếu hệ thống PCCC thực tế đúng với hồ sơ được duyệt mà khi xảy ra hỏa hoạn hệ thống không hoạt động thì lúc đó mới xem xét đến trách nhiệm của cơ quan cấp phép và duyệt PCCC.
Trường hợp thứ 2: Nếu hỏa hoạn xảy ra trong lúc thi công thì cơ quan chức năng cần phải xem hợp đồng giữa chủ đầu tư và đơn vị sửa chữa quy định thế nào về việc đảm bảo an toàn cháy nổ. Hợp đồng có quy định trách nhiệm mua bảo hiểm cháy nổ thuộc về bên nào?
Từ đó, mới có thể xác định trách nhiệm giữa chủ đầu tư và đơn vị thi công. Tuy nhiên, nếu hợp đồng không quy định về việc này, thì cơ quan chức năng có thể áp dụng quy định của luật xây dựng để xử lý.
Thông thường, khi xảy ra hỏa hoạn, đơn vị trực tiếp quản lý công trình đó phải đứng ra chịu trách nhiệm chính để xử lý và giải quyết hậu quả. Sau đó, dựa vào những vấn đề như trên để yêu cầu các bên liên quan bồi hoàn (nếu có) cho đơn vị quản lý công trình xảy ra hỏa hoạn.
(Nguồn giadinh.net.vn)