Phóng viên: Dư luận xã hội, đông đảo người dân, cán bộ, đảng viên đánh giá cao Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là người lãnh đạo hội tụ đầy đủ các yếu tố cần thiết của người đứng đầu Nhà nước. Ðề nghị đồng chí cho biết ý kiến cá nhân và phân tích rõ hơn khi giới nghiên cứu, giới quan sát trong nước và quốc tế cho đây là điểm mới, thể hiện bước đột phá trong công tác nhân sự lãnh đạo cao nhất của Ðảng, Nhà nước ta?
PGS, TS Lê Minh Thông: Ngày 3-10 trong ngày làm việc thứ hai của Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành T.Ư Ðảng khóa XII, Ban Chấp hành T.Ư đã thống nhất rất cao giới thiệu đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Ban Chấp hành T.Ư Ðảng để Quốc hội bầu giữ chức vụ Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tại kỳ họp thứ sáu, Quốc hội khóa XIV. Và đồng chí Tổng Bí thư được Quốc hội bầu làm Chủ tịch nước với số phiếu rất cao.
Trên thế giới hiện nay, đối với các đảng cầm quyền, người đứng đầu đảng thường là người đứng đầu Nhà nước. Ở Việt Nam, lần này Tổng Bí thư được giới thiệu bầu giữ chức vụ Chủ tịch nước cũng phù hợp với tập quán chính trị ở nhiều nước trên thế giới. Việc một người vừa là Tổng Bí thư vừa là Chủ tịch nước không có nghĩa là nhất thể hóa hai chức vụ này. Ðó là hai chức vụ khác nhau: một chức vụ Nhà nước, một chức vụ Ðảng. Tổng Bí thư có trách nhiệm, quyền hạn của người đứng đầu Ðảng về công tác Ðảng, về tổ chức và hoạt động của Ðảng cầm quyền. Còn Chủ tịch nước là nguyên thủ quốc gia, thay mặt cho Nhà nước về đối nội và đối ngoại theo quy định của Hiến pháp và pháp luật. Hai chức vụ này có quyền hạn, nhiệm vụ hết sức rõ ràng. Một bên là điều lệ Ðảng quy định, một bên là Hiến pháp và luật quy định.
Việc Quốc hội bầu Tổng Bí thư giữ chức Chủ tịch nước thật ra không phải là vấn đề mới ở nước ta. Trước đây, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đảm nhiệm hai vị trí quan trọng này (Chủ tịch Ðảng và Chủ tịch nước). Tuy nhiên, qua nhiều nhiệm kỳ, chức vụ Tổng Bí thư và Chủ tịch nước đều do hai đồng chí lãnh đạo Ðảng đảm nhận. Vì vậy, việc Quốc hội bầu Tổng Bí thư giữ chức vụ Chủ tịch nước tại kỳ họp thứ sáu này cũng có thể xem là một đột phá trong công tác cán bộ.
Phóng viên: Việc một người đảm nhận hai chức vụ, như vậy thực hiện hai nhiệm vụ, quyền hạn khác nhau theo quy định, đương nhiên nhiệm vụ và quyền hạn sẽ cao hơn. Trước đây Tổng Bí thư, Chủ tịch nước do hai người thực hiện, nay một người thực hiện. Ðồng chí có thể phân tích rõ hơn cơ chế để kiểm soát quyền lực đối với vị trí lãnh đạo cao nhất trong bối cảnh hiện nay?
PGS, TS Lê Minh Thông: Ở Việt Nam có một đảng duy nhất cầm quyền lãnh đạo Nhà nước, lãnh đạo xã hội đã được quy định trong Hiến pháp. Trước đây, hai chức vụ Tổng Bí thư, Chủ tịch nước do hai đồng chí trong Ðảng đảm nhiệm, nhưng đều chịu sự lãnh đạo của tập thể là Bộ Chính trị. Mọi vấn đề quan trọng của đất nước đều được thảo luận, quyết định bởi cơ quan lãnh đạo đặc biệt quan trọng này. Nay một người đảm nhận hai chức vụ này, tuy quyền lực có cao hơn, nhiều hơn, trách nhiệm lớn hơn, nhưng sự độc đoán, lạm quyền rất khó có thể xảy ra. Cơ chế chúng ta là cơ chế lãnh đạo tập thể, nguyên tắc tập trung dân chủ là nguyên tắc xuyên suốt hoạt động của Ðảng ta của Nhà nước ta. Bất kỳ một đồng chí nào ở vị trí tối cao đều phải tuân thủ nguyên tắc tập trung dân chủ.
Theo Hiến pháp và pháp luật, Chủ tịch nước có Quốc hội kiểm soát, nhân dân kiểm soát, thông qua việc lấy phiếu tín nhiệm của Quốc hội. Quốc hội sẽ giám sát hoạt động của Chủ tịch nước cũng như các thiết chế quyền lực khác theo quy định của Hiến pháp và pháp luật. Bên cạnh đó còn có Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị – xã hội cũng có chức năng giám sát xã hội và cả xã hội giám sát hoạt động của Chủ tịch nước.
Trong sinh hoạt Ðảng, trách nhiệm giải trình, hoạt động chất vấn tại các hội nghị của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, tại hội nghị T.Ư khi được đẩy mạnh, tăng cường thì việc kiểm soát quyền lực sẽ được vận hành tốt hơn. Là đảng cầm quyền, việc kiểm soát quyền lực trong tổ chức và hoạt động của Ðảng có vai trò, ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Nguyên tắc lãnh đạo tập thể trong Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chấp hành T.Ư là một trong những yếu tố quan trọng để kiểm soát quyền lực của cá nhân người lãnh đạo.
Phóng viên: Dư luận cử tri, nhân dân và nhiều đại biểu Quốc hội bày tỏ tin tưởng kết quả bầu Chủ tịch nước sẽ tạo thuận lợi cho việc trình Quốc hội các nội dung quan trọng thuộc thẩm quyền. Từ góc độ chuyên gia pháp luật, đồng chí có thể phân tích rõ hơn vấn đề này?
PGS, TS Lê Minh Thông: Khi Tổng Bí thư đồng thời giữ chức Chủ tịch nước đương nhiên tạo ra nhiều điều kiện thuận lợi để thực hiện sự lãnh đạo của Ðảng đối với Nhà nước và xử lý tốt hơn mối quan hệ giữa các cấu trúc quyền lực của Nhà nước pháp quyền với đảng cầm quyền trong quá trình thực hiện quyền lực của nhân dân theo quy định của Hiến pháp và pháp luật.
Là Tổng Bí thư của một đảng cầm quyền đồng thời là Chủ tịch nước của Nhà nước pháp quyền sẽ tạo điều kiện thuận lợi để thể chế hóa kịp thời các đường lối, chính sách của đảng cầm quyền thành pháp luật của Nhà nước thông qua vai trò điều phối, giữ cân bằng giữa các cơ quan lập pháp, hành pháp, tư pháp trong bộ máy Nhà nước. Trong điều kiện nước ta hiện nay, Tổng Bí thư là Trưởng Ban Chỉ đạo công tác phòng, chống tham nhũng, Chủ tịch nước trực tiếp là Trưởng Ban Chỉ đạo công tác cải cách tư pháp, thì việc Tổng Bí thư được bầu làm Chủ tịch nước sẽ thúc đẩy mạnh mẽ hơn, thuận lợi hơn cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, nâng cao chất lượng hoạt động của các cơ quan tư pháp. Như thế sẽ đáp ứng không chỉ mục tiêu phòng, chống tham nhũng, mà còn bảo đảm tốt hơn trật tự, an toàn xã hội, sự tuân thủ pháp luật trong điều kiện phát triển mới của đất nước.
Chủ tịch nước là nguyên thủ quốc gia thay mặt Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam về đối nội và đối ngoại theo quy định của Hiến pháp. Do vậy việc Tổng Bí thư đồng thời là Chủ tịch nước không chỉ giải quyết tốt các công tác đối nội mà còn rất thuận lợi cho công tác đối ngoại.
Theo lịch làm việc kỳ họp này, Quốc hội sẽ tiến hành phê chuẩn Hiệp định Ðối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Ðây là hiệp định được đánh giá rất quan trọng, sẽ có tác động đến hầu hết các lĩnh vực từ chính trị, kinh tế – xã hội đến ngoại giao của nước ta, nhất là ngành nông nghiệp và quyền của công nhân lao động. Phê chuẩn hiệp định này có ý nghĩa quan trọng đối với việc hội nhập quốc tế của nước ta và việc Quốc hội bầu Chủ tịch nước sẽ thúc đẩy, tác động tích cực quá trình này.
Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn đồng chí.
(Nguồn nhandan.com.vn)