Cá chết tại miền Trung: Cần thiết phải khảo sát thiệt hại và đánh giá nhu cầu chính xác để hỗ trợ kịp thời ngư dân ven biển

Trước hiện tượng cá chết hàng loạt tại biển miền Trung ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của ngư dân vùng ven biển và gây ô nhiễm môi trường biển, chiều qua (26/4), Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, Hội Ngh...

Trước hiện tượng cá chết hàng loạt tại biển miền Trung ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của ngư dân vùng ven biển và gây ô nhiễm môi trường biển, chiều qua (26/4), Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, Hội Nghề cá Việt Nam và Trung tâm nghiên cứu Bảo tồn Sinh vật biển và Phát triển cộng đồng (MCD) cùng một số tổ chức phi chính phủ đã có buổi tọa đàm, thảo luận các giải pháp hỗ trợ cộng đồng đang gặp khó khăn, thách thức do thực trạng cá chết gây ra.

1461749393531_cachet

 

Hiện tượng cá chết hàng loạt được ví như một thảm họa hi hữu, lần đầu tiên xảy ra tại Việt Nam. Trong lúc các bộ, ngành, các cơ quan chức năng tập trung tìm nguyên nhân của “thảm họa” thì các tổ chức có hoạt động liên quan tới cộng đồng mong muốn đưa ra các biện pháp hỗ trợ người dân của 4 tỉnh ven biển từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên Huế bị ảnh hưởng. Bà Nguyễn Thu Huệ – Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Bảo tồn Sinh vật biển và Phát triển cộng đồng nêu vấn đề: Cần phải làm gì và làm như thế nào để hỗ trợ nhóm người bị thiệt hại nặng nề trong một kế hoạch ngắn hạn và dài hạn?

Theo Ông Hoàng Đình Yên – Tổng thư ký Hội Nghề cá Việt Nam, những người đánh bắt nuôi trồng thủy sản ven bờ là những người chịu tổn thất nặng nề nhất. Vấn đề cấp bách cần tập trung giải quyết là hỗ trợ người dân gặp khó khăn. Cần thiết phải đánh giá mức độ thiệt hại của người dân để đề xuất mức độ hỗ trợ cho người dân, ủng hộ ngư dân bám biển sản xuất. Đây cũng là ý kiến của phần lớn các đại biểu tham dự Hội nghị.

Ông Hoàng Quốc Dũng – Tổng thư ký Diễn đàn các nhà báo Môi trường Việt Nam nhấn mạnh đến nguy cơ ô nhiễm môi trường, ô nhiễm nguồn nước và dịch bệnh là những hậu quả nghiêm trọng mà con người đang phải đối mặt. Ông cho rằng cần thiết phải có biện pháp xử lý nguồn cá chết để giữ gìn vệ sinh môi trường, giảm thiểu nguy cơ dịch bệnh. Đồng thời đối với người dân bị ảnh hưởng đến đời sống cần có biện pháp hỗ trợ tâm lý kịp thời.

Thay mặt chủ tọa Hội nghị, PGS.TS Nguyễn Thị Xuân Thu – Chủ tịch Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đã thống nhất một số giải pháp trước mắt cần thực hiện như: Khảo sát, đánh giá nhanh thiệt hại của người dân vùng ven biển và môi trường biển tại 4 tỉnh, rà soát, thống kê các hộ nuôi trồng, khai thác thủy, hải sản bị thiệt hại, mức độ thiệt hại, đảm bảo đầy đủ, chính xác; Huy động lực lượng tình nguyện viên Chữ thập đỏ các địa phương tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân không sử dụng, chế biến cá chết, đồng thời vận động bà con thu gom và chôn lấp hải sản chết để bảo vệ môi trường; kiến nghị chính quyền địa phương, các bộ ngành liên quan có hình thức hỗ trợ người dân tại địa phương; Vận động nguồn lực hỗ trợ người dân bị thiệt hại; đề xuất biện pháp hỗ trợ cho bà con ngư dân, nhất là các hộ gia đình chính sách, hộ nghèo, khó khăn, các trường hợp bị thiệt hại lớn, nặng nề, giúp người dân sớm ổn định cuộc sống.

(Nguồn redcross.org.vn)

Bài viết liên quan

Danh mục khác