Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân tiếp xúc cử tri TP Cần Thơ

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tiếp xúc cử tri xã Thạnh Tiến, huyện Vĩnh Thạnh, TP Cần Thơ. Ảnh: TRỌNG ĐỨC (TTXVN) Tiếp tục chương trình tiếp xúc cử tri, ngày 28-6, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị...

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tiếp xúc cử tri xã Thạnh Tiến, huyện Vĩnh Thạnh, TP Cần Thơ. Ảnh: TRỌNG ĐỨC (TTXVN)

Tiếp tục chương trình tiếp xúc cử tri, ngày 28-6, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và các đại biểu Quốc hội đơn vị TP Cần Thơ tiếp xúc cử tri xã Thạnh Tiến, huyện Vĩnh Thạnh và cử tri phường Cái Khế, quận Ninh Kiều.

Tại buổi tiếp xúc, cử tri phản ánh: Nhà máy giấy Lee & Man nằm ven sông Hậu (thuộc tỉnh Hậu Giang) sắp đi vào hoạt động, cần có biện pháp kiểm soát xả thải chặt chẽ, nếu không sẽ gây ô nhiễm nguồn nước, ảnh hưởng đến người dân trong vùng. Nhiều cử tri lo lắng về việc nợ công, nợ xấu tăng cao; tai nạn giao thông, tội phạm ma túy, bạo lực học đường có xu hướng gia tăng. Cử tri cũng kiến nghị Đảng, Nhà nước, Quốc hội tăng đầu tư hơn nữa cho phát triển vùng đồng bằng sông Cửu Long gắn với tái cơ cấu nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới; có giải pháp giải quyết việc làm cho sinh viên mới ra trường; thực hiện tốt hơn nữa chính sách đền ơn đáp nghĩa, xóa đói giảm nghèo…

Trả lời ý kiến của cử tri, Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết: Đối với Nhà máy giấy Lee & Man, nhiều lần các đại biểu Quốc hội đi tiếp xúc cử tri đều nghe phản ánh. Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tiến hành thanh tra, kiểm tra công tác bảo vệ môi trường tại hai dự án của nhà máy giấy. Hiện nay, chưa cho phép sản xuất và yêu cầu nhà máy phải có báo cáo đánh giá tác động môi trường theo quy định của pháp luật. Hiện đã lắp hệ thống quan trắc nước thải hiện đại và theo dõi sát hoạt động của nhà máy. Nếu nhà máy bảo đảm yêu cầu và không ảnh hưởng nguồn nước sinh hoạt, sản xuất của người dân thì mới cho phép sản xuất.

Về nợ công, xử lý nợ xấu, Chủ tịch QH cho biết, QH đang giám sát chặt chẽ để nợ công không vượt quá 65% GDP, không dùng ngân sách để xử lý nợ xấu. Nghị quyết xử lý nợ xấu đề ra một số cơ chế đặc thù để xử lý nợ xấu hiệu quả và xử lý trách nhiệm các tổ chức, cá nhân gây ra nợ xấu.

Chủ tịch QH cũng chia sẻ với lo lắng của cử tri về tình hình tội phạm, tai nạn giao thông, bạo lực học đường tăng. Để giải quyết thực trạng này, ngoài các quy định của pháp luật, mỗi gia đình, cá nhân cần nâng cao ý thức giáo dục con cái, gương mẫu trong cuộc sống. Về giải quyết việc làm cho sinh viên mới tốt nghiệp, xã hội cần thay đổi quan điểm về việc làm, không chỉ làm việc tại các cơ quan nhà nước mới được xem là có việc làm, mà làm ở các doanh nghiệp nước ngoài, tư nhân, tự khởi nghiệp cũng là xu hướng mới cần khuyến khích.

Về an ninh mạng, thông tin xấu, độc trên in-tơ-nét chưa được ngăn chặn kịp thời, QH đã ban hành Luật An toàn thông tin nhằm tạo hành lang pháp lý cho vấn đề này. Bộ Thông tin và Truyền thông đã làm việc với các nhà cung cấp mạng xã hội để xóa những thông tin không đúng sự thật, ảnh hưởng xấu đến hình ảnh nước ta với cộng đồng quốc tế. Mỗi công dân cần nâng cao ý thức, tỉnh táo trước những thông tin xấu, độc hại và không tuyên truyền, phát tán dưới mọi hình thức.

Những kiến nghị của cử tri về tăng cường đầu tư cho vùng đồng bằng sông Cửu Long, phong tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam Anh hùng cho mẹ có một con hy sinh, tăng hỗ trợ cho cán bộ không chuyên trách ở cơ sở…, Chủ tịch QH ghi nhận và nêu rõ, QH sẽ có những giải quyết cụ thể trong thời gian tới.

(Nguồn nhandan.org.vn)

Bài viết liên quan

Danh mục khác