Chủ tịch Quốc hội: “Không đưa cán bộ yếu, thừa sang làm HĐND”

Chủ tịch Quốc hội: Chính sách chỉ là một phần, quan trọng là con người, không để tình trạng cán bộ yếu, không bố trí được thì đưa vào làm HĐND Sáng 25/4, sau phát biểu khai khai mạc phiên họp thứ 47 c...

Chủ tịch Quốc hội: Chính sách chỉ là một phần, quan trọng là con người, không để tình trạng cán bộ yếu, không bố trí được thì đưa vào làm HĐND

Sáng 25/4, sau phát biểu khai khai mạc phiên họp thứ 47 của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nghe Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân trình bày Tờ trình về việc ban hành Nghị quyết về chế độ, chính sách và các điều kiện bảo đảm hoạt động của đại biểu Hội đồng Nhân dân và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính-Ngân sách về nội dung này.

Nội dung được nhiều thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến đó là vấn đề chế độ chính sách, bao gồm tiền lương, hoạt động phí và các chế độ khác đối với đại biểu Hội đồng Nhân dân. Đây cũng là vấn đề còn nhiều ý kiến khác nhau trong quá trình xây dựng dự thảo Nghị quyết.

Đa số các ý kiến đều thống nhất với việc cần phải ban hành Nghị quyết; cơ bản đồng tình thống nhất với tờ trình dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về chế độ, chính sách và các điều kiện bảo đảm hoạt động của đại biểu Hội đồng Nhân dân. Cụ thể về phạm vi điều chỉnh, tiền lương của đại biểu Hội đồng Nhân dân chuyên trách, các chính sách liên quan đến BHYT;

Thống nhất về tiền lương đối với đại biểu Hội đồng Nhân dân không chuyên trách và không được hưởng lương, kể cả người hưởng lương hưu là 0,1/mức lương cơ sở cho đại biểu HĐND cấp xã, 0,12 cho cấp huyện và 0,14 cho HĐND cấp tỉnh; đồng thời không khống chế về thời gian (theo tờ trình của Chính phủ là 80 ngày) mà cần xét theo thực tế thời gian hoạt động, số ngày họp, số ngày tham gia giám sát, số ngày tiếp dân.

Về hoạt động phí, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất với tờ trình của Chính phủ đó là 0,3 mức lương cơ sở đối với cấp xã, 0,4 đối với cấp huyện, 0,5 đối với cấp tỉnh để trước mắt không phá vỡ tổng quan chung, tuy nhiên, phải xem xét lại vào năm 2017 khi đã rà soát lại toàn bộ cơ chế chính sách. Về các điều kiện để đảm bảo hoạt động, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí với tờ trình của Chính phủ, tuy nhiên cần tiếp tục cụ thể hóa thêm, một số nội dung phải giao cho Chính phủ chứ không giao Thủ tướng Chính phủ; cần có những quy định để phù hợp với tình hình thực tế ở địa phương. Thời điểm thực hiện, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất là từ 1/7/2016.

Đồng tình với nhiều ý kiến thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, nếu luật mới ban hành, với thực trạng hoạt động Hội đồng Nhân dân hiện nay, nếu Nghị quyết được thông qua mà không có gì thay đổi sẽ không có tác dụng nâng hiệu quả, chất lượng hoạt động của Hội đồng Nhân dân. Chúng ta đã thống nhất ở đâu có chính quyền ở đó phải có Hội đồng Nhân dân, vì vậy, chúng ta cần phải làm cho cơ quan này mạnh lên, có hiệu lực hơn, để có được điều đó phụ thuộc vào con người và chính sách. Tuy nhiên, chính sách chỉ là một phần, mà quan trọng là con người, không thể để tình trạng cán bộ yếu, không còn chỗ để bố trí thì đưa vào làm Hội đồng Nhân dân.

Kết thúc nội dung đầu tiên của phiên họp 47, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị ban soạn thảo nghiêm túc tiếp thu ý kiến của các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, tiếp tục hoàn thiện dự thảo Nghị quyết. Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nhấn mạnh đích thân ông sẽ chủ trì cùng với Ủy ban Tài chính ngân sách phối hợp với Ủy ban Pháp luật, Bộ Nội vụ các cơ quan liên quan để hoàn chỉnh Nghị quyết này, sau đó sẽ tiếp tục xin ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để trình Chủ tịch Quốc hội ký chứng thực ban hành Nghị quyết.

Trước đó, đầu giờ sáng nay (25/4), dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khai mạc phiên họp thứ 47.

Phát biểu khai mạc phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, diễn ra trong 2 ngày, phiên họp thứ 47 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về việc ban hành Nghị quyết về chế độ và các điều kiện bảo đảm hoạt động của đại biểu Hội đồng Nhân dân; cho ý kiến về Tờ trình của Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao về về trang phục và Chứng minh thư của Thẩm phán Tòa án Nhân dân; về chế độ tiền lương, phụ cấp đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong ngành Tòa án; về bổ sung tạm thời biên chế, số lượng Thẩm phán Cao cấp, trung cấp và sơ cấp. Ủy ban thường vụ cũng sẽ cho ý kiến về các dự thảo Nghị quyết về việc phân loại đơn vị hành chính; tiêu chuẩn đơn vị hành chính và việc nhập chia điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính; Nghị quyết về phân loại đô thị.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng cho biết, tại phiên họp này, Ủy ban thường vụ Quốc hội sẽ đánh giá kết quả kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIII và cho ý kiến bước đầu về việc chuẩn bị kỳ họp thứ 1, Quốc hội khóa XIV. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng sẽ cho ý kiến về việc phê chuẩn đề nghị bổ nhiệm đại sứ đặc mệnh toàn quyền của nước CHXHCN Việt Nam nhiệm kỳ 2016-2019 tại một số nước./.

(Nguồn vov.vn)

Bài viết liên quan

Danh mục khác