Ngày 18/4 hàng năm được chọn là ngày Bảo vệ và chăm sóc người khuyết tật Việt Nam. Đây là dịp để cộng đồng thể hiện tình yêu thương, chia sẻ với những người kém may mắn trong xã hội.
“Chung tay vì mục tiêu an sinh trẻ thơ”
Phải nỗ lực lắm, Chế Mậu Hành, trường Tiểu học An Phước, Hòa Vang, Đà Nẵng mới có thể đứng vững khá lâu để cùng tham gia vẽ tranh với các bạn. Niềm vui cùng những mong ước của em đã được gửi gắm qua từng nét vẽ. “Con đang vẽ người chèo thuyền, con rất vui và con mong muốn được đi học cùng các bạn”.
Do điều kiện sức khỏe không cho phép, bức tranh của Hành chưa thể hoàn thành. Tiếp nối ý tưởng của em là những nét vẽ, nét tô màu của các bạn học sinh khác. Và như thế, ước mơ của Hành đã được hòa cùng nhiều ước mơ khác của các bạn khi bức tranh với chiều dài hơn 10m được hoàn thành.
Mỗi hình vẽ là một câu chuyện kể, là mong ước của không chỉ những trẻ khuyết tật, mà còn của cả những trẻ em bình thường khác cùng tham gia. Tất cả đều cùng thể hiện tình yêu thương, cảm thông và chia sẻ.
Nguyễn Tôn Sang, học sinh trường Tiểu học Hòa Khương 1, Hòa Vang hào hứng kể: “Con đang vẽ Trạm y tế xã. Con vẽ bức tranh này vì các em cần tiêm vaccine để không bị bệnh tật”. Còn Võ Thị Ánh Nga, bạn cùng lớp với Sang thì vẽ bức tranh bảo vệ trẻ em khỏi nạn mù chữ, bức tranh gồm mẹ và 2 em nhỏ. “Con muốn nhắn gửi rằng, hãy để trẻ em đi học, tránh nạn mù chữ…”.
Thật khó có thể phân biệt đâu là trẻ khuyết tật trong hơn 500 em tham gia ngày hội “Chung tay vì mục tiêu an sinh trẻ thơ” ở Hòa Vang ngày hôm qua. Dường như những khiếm khuyết về hình thể đã không còn là trở ngại, mặc cảm với các trẻ em khuyết tật khi sự hòa đồng đã hiển hiện trong mọi hoạt động và các trò chơi.
Bà Lê Thị Phượng, Phó phòng LĐ-TBXH huyện Hòa Vang cho biết: “Đối với trẻ khuyết tật, chúng tôi cũng xây dựng 9 sân chơi, hàng tháng các cán bộ chuyên trách sẽ tham gia vào các sân chơi này cùng các em, mỗi sân chơi có từ 50 đến 80 trẻ, trong đó 50% là trẻ khuyết tật. Cán bộ chuyên trách trẻ em đến tận nhà đưa trẻ khuyết tật đến chơi. Thông qua các hoạt động này, đã cải thiện được nhận thức của phụ huynh đối với việc chăm sóc, bảo vệ trẻ khuyết tật.