Cụ Trần Cang với chiếc xe máy cũ sử dụng khi đi làm từ thiện. Ảnh: Việt Tường
Gặp cụ trong căn nhà nhỏ hai tầng, giờ chỉ còn mình cụ ở, chúng tôi đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác khi cụ còn nhớ khá chi tiết về những việc làm từ thiện của đời mình, nói chuyện không lạc đề và tai thính, mắt tinh. Cụ vẫn thường chạy xe máy đi làm từ thiện, nhận bằng khen và ghi chép đầy đủ những khoản nhà hảo tâm gửi về tài trợ cũng như danh sách những mảnh đời được cụ kết nối, giúp đỡ hàng tháng, hàng năm.
Cụ Cang không nhớ chính xác mình bắt đầu giúp đỡ người khác từ khi nào, chỉ nhớ hồi nhỏ, thấy những gia đình nghèo khó khi chết không có tiền mua hòm hoặc những người bệnh nghèo có hoàn cảnh khó khăn, cụ đã vận động giúp đỡ họ. Sau chiến tranh, vào cuối những năm 70, cụ bán bánh pía trên TP Hồ Chí Minh thì cái duyên với hoạt động từ thiện đã trở lại với cụ và kéo dài đến bây giờ.
Ngày ấy, những đứa trẻ tàn tật chỉ biết lết và bò ở xã Phú Tâm, cụ đã về quê chúng để biết hoàn cảnh và đưa 5 em đi chữa trị tại Trung tâm phục hồi chức năng trẻ tàn tật ở TP Hồ Chí Minh. Ba trong năm em được phục hồi là động lực cho cụ làm từ thiện nhiều hơn. Cũng từ đó, cụ còn giúp người già mổ mắt cườm và hỗ trợ nuôi hàng tháng.
Thông qua chương trình Nhịp cầu nhân ái, cụ kết nối với mạnh thường quân đưa bệnh nhân hiểm nghèo lên sóng phát thanh truyền hình tỉnh. Theo đó, nhiều mảnh đời đã được cứu giúp từ việc làm của cụ. Tiếng lành đồn xa, nhiều nhà hảo tâm tin tưởng tìm đến, giúp đỡ, hỗ trợ; nhiều bạn bè, người thân của cụ cũng tham gia, đưa đón bệnh nhân từ tỉnh lên thành phố.
Năm 2016, cụ nhận nuôi 112 người già neo đơn, nghèo với mức trợ giúp là 10kg gạo/người/tháng; trong đó có những người đã được cụ nhận nuôi khoảng 20 năm nay. Những cụ tuổi cao sức yếu, ốm đau, đi đứng không được, cụ chở gạo đến tận nhà để chu cấp. Bà Nguyễn Thị Hương, 87 tuổi ở ấp Thọ Hòa Đông B (cùng xã) là một trong những trường hợp như thế. Xúc động trước tấm lòng của cụ Cang, bà Hương cho biết: “Tôi nói thiệt nhờ ông cụ cho gạo ăn chứ tôi đau bệnh, con cái nghèo chẳng hỗ trợ được gì, chồng bệnh mất còn để lại nợ nần. Cụ Cang cho gạo, còn cho tiền, mua mì, đường, dầu ăn. Tôi biết ơn cụ nhiều lắm”.
Trong 40 năm qua, cụ Trần Cang đã đưa hơn 40 trẻ em khuyết tật và bệnh bẩm sinh, trong đó có 7 em không có hậu môn lên các trung tâm, bệnh viện tuyến TP Hồ Chí Minh để điều trị. Nhiều em đã đi đứng được, nhiều người hiện nay đã lập gia đình và có cuộc sống ổn định. Mỗi năm, cụ cũng mang lại niềm vui cho hàng chục người nghèo không may mắc bệnh ung thư, bệnh hiểm nghèo khác hoặc bị tai nạn giao thông nặng bằng cách hỗ trợ tiền, lo chi phí.
Cụ Cang chia sẻ: “Ví dụ mình vận động được, thông qua chương trình Nhịp cầu nhân ái hỗ trợ người đó 20 triệu đồng rồi, thiếu thì mình lo thêm. Còn nếu dư, mình sẽ mời chương trình đến, cho chương trình biết và số tiền dư đó đưa cho bệnh nhân bồi dưỡng. Mình làm, thứ nhất là giúp đỡ được cho người ta, thứ hai là giữ chữ tín, vậy nên thấy tốt thì mình cứ làm”.
Cụ Cang còn cùng với các ban ngành, đoàn thể thực hiện nhiều chương trình an sinh xã hội nhân các dịp lễ, tết như: Ủng hộ hàng chục nghìn tấn gạo, phần quà cùng quần áo, mì ăn liền cứu trợ cho các hộ nghèo; tham gia đóng góp xây dựng cầu nông thôn, sửa đường phục vụ người dân đi lại và đóng 17 cây nước sạch cho bà con nghèo. Tấm lòng nhân ái, tình thương người của cụ đã lay động nhiều người và chính quyền địa phương.
Ông Dương Kỳ Nam, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Phú Tâm, người từ nhỏ chứng kiến việc làm ý nghĩa của cụ Cang cho biết: “Cụ là tấm gương sáng cho chúng tôi và mọi người noi theo. Hằng năm, cụ làm rất nhiều việc ý nghĩa, đóng góp lớn cho địa phương trong công tác an sinh xã hội. Tại xã, cụ hỗ trợ cho 40 – 50 người hàng tháng. Nhiều người không có tiền, không có khả năng điều trị mà cần mổ gấp thì cụ liên hệ với bác sĩ, bệnh viện ở TP Hồ Chí Minh để giúp họ giành lại sự sống. Phải nói cụ có tấm lòng bao la với công tác từ thiện”.
Từ những việc làm thiết thực của mình, cụ Trần Cang đã được tặng nhiều danh hiệu cao quý như: Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp Chữ thập đỏ Việt Nam, Kỷ niệm chương vì sự nghiệp đại đoàn kết, Kỷ niệm chương vì sự nghiệp bảo vệ – chăm sóc trẻ em và Bằng khen của Bộ LĐTB&XH…
Hiện nay, nhiều nhà hảo tâm vẫn gửi tiền cho cụ đều đặn để giúp đỡ mọi người mặc dù chưa gặp cụ lần nào. Sự tin tưởng đó đã tạo động lực cho cụ sống khỏe, sống vui mỗi ngày để cố gắng làm từ thiện đến cuối đời như lời cụ nói.
(Nguồn giadinh.net.vn)