Về cơ bản, Bộ trưởng NN&PTNT đã thâu tóm được vấn đề nhưng giải pháp Bộ trưởng đưa ra còn chưa cụ thể
Phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường sáng 13/6 thu hút sự quan tâm theo dõi của đông đảo cử tri cả nước.
Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã trả lời chất vấn về giải cứu nông sản; Giải pháp đột phá để tái cơ cấu ngành; Biện pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nông sản; Bảo tồn, tái tạo cũng như quản lý khai thác thủy sản.
Theo cử tri, phần chất vấn của các đại biểu cũng như phần trả lời của Bộ trưởng đã tập trung vào các vấn đề nóng của ngành nông nghiệp hiện nay. Tuy nhiên, các giải pháp mà Bộ trưởng trả lời vẫn còn chung chung và chưa thuyết phục để có thể giúp cải thiện nền nông nghiệp đang còn thiếu và yếu về nhiều mặt. Điển hình là vấn đề phân bón giả, các bộ ngành vẫn chưa có giải pháp xử lý triệt để mặc dù tình trạng này gây hại nghiêm trọng cho sản xuất và người nông dân.
|
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trả lời chất vấn của Đại biểu Quốc hội. (Ảnh: Cổng TTĐT Quốc hội) |
Cử tri Trần Văn Hùng (phường Yên Thế, thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai) nhận xét: “Vấn đề bức xúc nhất của người lao động, nông dân như chúng tôi là về phân bón giả, gây ảnh hưởng tới cây trồng. Đây là vấn đề phá hoại kinh tế của đất nước. Những vụ việc đã bắt được vừa qua, xử lý bằng hình thức phạt tiền theo tôi chưa thỏa đáng. Số tiền phạt quá nhỏ so với số tiền họ làm ra nên họ tiếp tục làm giả, nông dân chúng tôi tiếp tục gánh hậu quả. Tôi đề nghị Quốc hội nên quy họ vào tội xâm phạm đến nền kinh tế quốc gia”.
Theo dõi nội dung Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội, ông Thao Hồng Sơn, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Kon Tum đánh giá cao trách nhiệm, khả năng nắm chắc, nắm rõ từng vấn đề của Bộ trưởng đối với phát triển nông nghiệp, nông thôn của đất nước và xuất phát từ thực tế địa phương.
Ông Thao Hồng Sơn nhận xét: “Qua theo dõi tôi đồng tình với trả lời của Bộ trưởng. Không đổ lỗi bất cứ ai. Việc gì làm được là khẳng định làm được. Việc gì làm chưa được là nhận và đề ra hướng triển khai sắp tới. Vấn đề tôi quan tâm ở đây là để sản xuất bền vững, đề nghị Bộ trưởng có một trung tâm để nghiên cứu vấn đề xử lý môi trường. Hiện vấn đề ô nhiễm môi trường nông thôn rất nặng, trong đó có vấn đề sử dụng thuốc diệt cỏ. Thứ hai, đề nghị Bộ, ngành liên quan, Chính phủ quan tâm vấn đề xây dựng các nhà máy xử lý sản phẩm sạch để đảm bảo sức khỏe hơn. Các Bộ, ngành phải tìm kiếm thêm thị trường không phụ thuộc vào một thị trường”.
|
Cử tri Bùi Hoa Thám |
Cử tri Bùi Hoa Thám (tổ 3, phường Nghĩa Trung, thị xã Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông) cho rằng, các giải pháp để tháo gỡ những vướng mắc trong ngành nông nghiệp được Bộ trưởng đưa ra cần cụ thể, và mang tính đột phá hơn nữa.
Cử tri Bùi Hoa Thám mong muống Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn có những giải pháp tham mưu cho Chính phủ, đặc biệt là vấn đề liên kết sản xuất, tìm đầu ra cho sản phẩm để sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam sản xuất ra không còn bị tư thương ép giá, để làm sao đầu ra sản phẩm được tốt hơn.
Cử tri Nguyễn Thị Loan (thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh) cho biết, chị đặc biệt quan tâm đến vấn đề đầu ra cho nông sản cụ thể là vấn đề rau sạch, người dân chăm sóc rau rất cẩn thận, cầu kỳ, đảm bảo an toàn mà lại không bán được. Chị Loan mong Quốc hội có biện pháp hỗ trợ về đầu ra cho người nông dân, giúp bà con tiêu thụ được sản phẩm nhiều hơn.
Cử tri Nguyễn Thị Thu Hương (phường Bạch Đằng, thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh) cho rằng, Quảng Ninh có những tiềm năng thuận lợi cho việc phát triển đánh bắt, nuôi trồng và chế biến thuỷ, hải sản. Nhưng một bộ phận ngư dân do hám lời trước mắt mà lén lút sử dụng các hình thức khai thác tận diệt, khiến cho môi trường sống của thủy sản bị đe dọa. Để trả lại sự yên bình và môi trường sinh thái biển bền vững, đại biểu Quốc hội cần có những giải pháp cụ thể để chấm dứt tình trạng trên.
Chị Hương kiến nghị: “Là một cử tri tôi cho rằng việc quản lý các hoạt động khai thác thủy sản tỉnh Quảng Ninh chưa thực sự hiệu quả. Thực tế, các ngành chức năng đã thu giữ nhiều phương tiện khai thác thủy hải sản bằng xung điện, kích điện. Đây là hình thức khai thác tận diệt có tác hại lâu dài. Tôi mong qua kỳ họp này sẽ có những giải pháp cụ thể để chấm dứt tình trạng này”.
Cử tri Nguyễn Văn Hoan (xã Hòa Đông, huyện Krông Pách, tỉnh Đắk Lắk) bày tỏ hy vọng về giải pháp giải cứu nông sản của Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh. Cử tri Nguyễn Văn Hoan nêu rõ, lâu nay bà con sản xuất hàng hóa chỉ bán theo các đường tiểu ngạch, nên chuyện được mùa mất giá, giá cả bấp bênh là chuyện thường xuyên xảy ra, như vừa rồi là dưa hấu, chanh dây, dịp này là giá heo, rồi bí đỏ… “Chúng tôi rất vui mừng với giải pháp của Bộ trưởng nêu ra đó là sẽ xuất khẩu cho nông dân theo hướng chính ngạch. Bà con mong giải pháp này sớm triển khai để bà con yên tâm sản xuất”, ông Hoan nói.
Cử tri Lê Minh Đức (71 tuổi, trú tại Khu phố 1, Phường 2, thị xã Quảng Trị, tỉnh Quảng Trị) cho rằng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã nhận rõ trách nhiệm của ngành.
Ông Lê Minh Đức nhận xét, phần trả lời của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn cho thấy Bộ trưởng nắm được tình hình sát với thực tế. Công tác quản lý nhà nước còn bất cập cho nên để xảy ra vấn đề dưa hấu, thịt lợn dư thừa, giá thấp, nông dân thua lỗ. Việc này đòi hỏi phải có thời gian, không thể một sớm một chiều. Một số giải pháp Bộ trưởng đưa ra có thể tin được. Việc trồng cây gì, con gì là vấn đề quy hoạch, trong đó ngành Nông nghiệp là ngành chủ quản, phải chịu trách nhiệm vấn đề đó./.
(Nguồn vov.vn)