Toàn xã Đại Hải có 6 nhà thờ, 2 nhà nguyện, 2 thánh thất cao đài và 1 salatel của Phật giáo Nam tông Khmer. Các ngày lễ của các tổ chức tôn giáo được tổ chức chu đáo, long trọng, đáp ứng được nhu cầu tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân. Trong sinh hoạt tôn giáo, các cơ sở thờ tự đều thực hiện nghiêm túc theo đúng pháp luật và quy định của Nhà nước. Tuy nhiên, do đông đồng bào công giáo chủ yếu sống bằng nghề nông, đời sống còn khó khăn, phong tục tập quán còn ảnh hưởng đến nếp sống, nếp nghĩ, nhất là của chị em có đạo. Do nhiều lý do nên việc vận động chị em tham gia sinh hoạt Hội Phụ nữ gặp nhiều khó khăn. Trước tình hình đó, Ban Chấp hành Hội Phụ nữ xã rất trăn trở, quyết tâm tìm ra mô hình phù hợp để thu hút chị em vùng giáo tham gia tổ chức Hội.
Trước thực tế các chị em công giáo đang thiếu vốn để phát triển kinh tế, BCH Hội phụ nữ xã Đại Hải đã kêu gọi chị em đang sinh hoạt tại các chi, tổ hội phát huy nội lực, thực hành “tiết kiệm” ngay trong chính chi hội mình. Đầu nhiệm kỳ, Hội phụ nữ xã chọn ấp Nam Hải làm điểm và triển khai thực hiện với nhiều loại hình tiết kiệm. Từ những khó khăn ban đầu do ý tưởng và cách thức tổ chức chưa tương hợp, các chị đã biết cách vận động những người có uy tín với chị em phụ nữ công giáo nỗ lực thuyết phục, dần dần chị em nghe theo và nhiệt tình ủng hộ.
Chị em phụ nữ địa phương trao đổi, học tập kinh nghiệm phát triển kinh tếTiêu biểu là sự đóng góp của chị Phạm Thị Rộng, chi hội trưởng phụ nữ ấp Nam Hải. Chị đã cùng các thành viên khác trực tiếp đến từng gia đình để tuyên truyền, thuyết phục, vận động chị em tham gia vào tổ, nhóm tiết kiệm. Ban đầu, chị em hùn vốn với số tiền 50.000 đồng/người/tháng giúp cho 01 chị trong tổ, nhóm mượn xoay vòng. Mô hình không tính lãi, xét những chị em khó khăn được vay trước (chị em mới lập gia đình ra ở riêng thì được cho mượn trước để mua ruộng sản xuất). Riêng Hội phụ nữ xã cũng thành lập một tổ hợp tác nâng vốn chăn nuôi, gồm 20 chị tham gia, mỗi chị đóng góp 150.000 đồng, số tiền hùn hàng tháng sẽ xét cho 01 chị vay. Qua các mô hình tổ nhóm, các chị đã xây dựng được một tập thể đoàn kết tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau trong cuộc sống. Toàn xã đã xây dựng được 16 tổ nhóm hùn vốn tiết kiệm với 671 thành viên tham gia. Ngoài ra, Hội Phụ nữ xã còn phối hợp với Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện vay vốn cho 144 lượt chị em hội viên tôn giáo là hộ nghèo, khó khăn trong cuộc sống được vay tổng số hơn 1,7 tỷ đồng, nhờ đó đã có 23 chị em tôn giáo vươn lên thoát nghèo.
Bên cạnh việc chăm lo cho đối tượng chị em nghèo, có hoàn cảnh khó khăn, Hội phụ nữ xã còn kêu gọi chị em có điều kiện kinh tế khá giả tham gia với những mô hình hoạt động phù hợp nhằm chia sẻ kinh nghiệm và hướng dẫn, giúp đỡ nhau cùng phát triển. Đặc biệt, trong nhiệm kỳ qua, BCH Hội phụ nữ xã và các chi hội ấp kết hợp vận động xây dựng 90 căn nhà tình thương cho hội viên nghèo. Tính đến nay, hội viên tôn giáo được phát triển nâng lên tổng số 671/1.962 hội viên, chiếm 34,19% trong tổng số hội viên toàn xã.
Từ những kết quả đạt được, BCH Hội phụ nữ xã Đại Hải xác định vẫn phải thường xuyên nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ hội có kiến thức, năng lực, tận tụy với công việc, có uy tín và có kỹ năng vận động phụ nữ có đạo, am hiểu về các hoạt động tôn giáo; chú trọng đổi mới nội dung, phương thức vận động phụ nữ có đạo bằng việc phân công cán bộ thường xuyên sâu sát từng gia đình chị em hội viên, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của chị em để kịp thời phản ánh với cấp ủy Đảng, tổ chức hội nhằm giải quyết những khó khăn của chị em tín đồ tôn giáo, quan tâm đến quyền và lợi ích hợp pháp của chị em để họ thấy được vai trò của tổ chức Hội và càng tin tưởng tham gia, phấn đấu vì mục tiêu phát triển tổ chức Hội vững mạnh tại cơ sở./.
Đăng Doanh