Đắk Nông: Thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững

Xóa đói giảm nghèo

15:27 05/04/2023

(LĐXH) – Theo kế hoạch thực hiện chỉ tiêu giảm nghèo bền vững năm 2023, tỉnh Đắk Nông đặt mục tiêu đến cuối năm 2023 toàn tỉnh giảm từ 3% trở lên (tương ứng với số hộ giảm trên 4.990 hộ; số hộ nghèo chung toàn tỉnh cuối năm 2023 còn 8.352 hộ, chiếm tỷ lệ 4,97%).

Theo kết quả điều tra, rà soát hộ nghèo cuối năm 2022, toàn tỉnh có 13.342 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 7,97%. Đắk Nông phấn đấu cuối năm 2023 toàn tỉnh giảm từ 3% trở lên (tương ứng với số hộ giảm trên 4.990 hộ; số hộ nghèo chung toàn tỉnh cuối năm 2023 còn 8.352 hộ, chiếm tỷ lệ 4,97%).

Trong đó, tỷ lệ hộ nghèo chung toàn tỉnh giảm từ 3% trở lên, riêng tỷ lệ hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ giảm từ 5% trở lên. 100% hộ nghèo, hộ cận nghèo thiếu hụt về tiêu chí thu nhập được hỗ trợ và tạo điều kiện vay vốn phát triển sản xuất, đào tạo nghề, tạo việc làm ổn định để tăng thu nhập. 100% hộ nghèo, hộ cận nghèo thiếu hụt về các dịch vụ xã hội cơ bản sẽ được hỗ trợ một phần để từng bước cải thiện và tiếp cận các dịch vụ về việc làm, y tế, giáo dục, nhà ở, nước sinh hoạt và vệ sinh, tiếp cận thông tin.

Đắk Nông: Thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững - Ảnh 1.

Mô hình trồng cà phê sạch tại tỉnh Đắk Nông

Để đạt được mục tiêu giảm trên 4.990 hộ nghèo trong năm 2023, Kon Tum triển khai thực hiện chính sách xã hội đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm; thực hiện chính sách hỗ trợ có điều kiện gắn với đối tượng, địa bàn và thời hạn thụ hưởng nhằm tăng cường cơ hội tiếp cận chính sách. Khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn theo cơ chế, chính sách khuyến khích quy định, tạo việc làm, tăng thu nhập, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo nhanh, bền vững.

Đồng thời, thực hiện tốt quy hoạch bố trí dân cư vùng dân tộc thiểu số trên cơ sở lồng ghép nhiều chương trình, dự án trên cùng địa bàn để đảm bảo nguồn lực thực hiện và đầu tư đồng bộ về cơ sở hạ tầng cũng như sắp xếp, bố trí dân cư gắn với phát triển sản xuất; tăng cường thực hiện các chính sách dân tộc miền núi, quy hoạch sử dụng đất, trong đó ưu tiên bố trí đất ở, đất sản xuất cho hộ nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số; hộ nghèo dân tộc Kinh sinh sống ở xã đặc biệt khó khăn, thôn đặc biệt khó khăn.

Cùng với, tăng cường lồng ghép nguồn vốn giữa các chương trình, chính sách để hỗ trợ đầu tư cho các xã nghèo, xã biên giới, xã đăng ký đạt chuẩn nông thôn mới nhằm nâng cao hiệu quả đầu tư, góp phần thúc đầy phát triển kinh tế - xã hội và giảm nghèo bền vững. Tập trung triển khai đồng bộ các cơ chế, chính sách, chương trình giảm nghèo phù hợp với thực tiễn; lồng ghép với Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị để thực hiện thành công chỉ tiêu, mục tiêu giảm nghèo năm 2023.

Đặc biệt, coi trọng vai trò của cấp cơ sở, bảo đảm sự tham gia của người dân trong việc giám sát và đánh giá. Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện tốt phong trào thi đua “Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”. Tôn vinh các tổ chức, cá nhân có nhiều đóng góp về nguồn lực, cách làm hiệu quả trong công tác giảm nghèo bền vững.

Đắk Nông: Thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững - Ảnh 2.

Tổ hợp tác dệt thổ cẩm bon N’Jriêng, xã Đắk Nia giúp người dân có việc làm, thu nhập ổn định

Mới đây, Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Đăk Nông ban hành Công văn số 427/STTTT-TTBCXB về việc tuyên truyền Chương trình giảm nghèo bền vững năm 2023 trên địa bàn tỉnh. Kế hoạch nhằm truyền thông, tuyên truyền kịp thời những quan điểm, chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững tỉnh Đăk Nông năm 2023; góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của toàn xã hội và tạo sự đồng thuận, ủng hộ của nhân dân, góp phần huy động nguồn lực thực hiện hiệu quả các mục tiêu, chỉ tiêu giảm nghèo bền vững. Trong đó, chú trọng truyền thông đối với nhóm đối tượng hưởng lợi từ Chương trình giảm nghèo như: người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo; người khuyết tật khó khăn về kinh tế, người dân sinh sống trên các địa bàn huyện nghèo, xã nghèo, cán bộ làm công tác giảm nghèo các cấp…

Đồng thời ghi nhận, biểu dương về các tấm gương điển hình, sáng kiến hay, mô hình giảm nghèo tiêu biểu nhằm tạo sự lan tỏa trong toàn xã hội, khơi dậy khát vọng, tinh thần tự lực, tự cường, nỗ lực vươn lên thoát nghèo của người dân và cộng đồng, khuyến khích làm giàu chính đáng. Phê phán những hạn chế, tiêu cực, những hành vi trục lợi, kìm hãm sự phát triển trong thực hiện các hoạt động, dự án, chính sách về giảm nghèo.

Công tác giảm nghèo bền vững vừa là nhiệm vụ phát triển kinh tế, vừa là nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên, lâu dài của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội; góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và mang tính nhân văn sâu sắc của dân tộc.

Để truyền thông về Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững đạt hiệu quả cao, Sở Thông tin và Truyền thông đề nghị các cơ quan báo chí, các cổng thông tin điện tử ngành, các trung tâm văn hóa thực hiện truyền thông bằng nhiều hình thức như: truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng từ cấp tỉnh tới cơ sở nhằm thông tin, hướng dẫn, tạo sự đồng thuận trong thực hiện các hoạt động, dự án, chính sách về giảm nghèo; chú trọng truyền thông qua hệ thống truyền thanh ở cơ sở; tổ chức cuộc thi các tác phẩm báo chí viết về công tác giảm nghèo của phong trào thi đua “Vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”; tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ truyền thông lĩnh vực giảm nghèo đối với đội ngũ cán bộ làm công tác giảm nghèo;  in ấn, phát hành tài liệu và các ấn phẩm, sản phẩm truyền thông tuyên truyền về Chương trình giảm nghèo và chính sách giảm nghèo; khuyến khích công dân thực hiện truyền thông trên cá nền tảng mạng xã hội.../.

Hưng Cảnh

Bài viết liên quan

Danh mục khác