Chúng tôi tìm về nhà cựu chiến binh Dương Mạnh Việt, khi ông đang chuẩn bị những suất quà cho thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sĩ trên địa bàn huyện.
Ðã ở gần tuổi “thất thập cổ lai hy”, nhưng ông còn tráng kiện, minh mẫn. Ông Việt kể: Năm 1969, tôi nhập ngũ khi vừa tròn 18 tuổi. Sau huấn luyện, tôi được biên chế vào Ðại đội 62, Tiểu đoàn 923, Trung đoàn 766, Bộ Tư lệnh 959, tham gia tại chiến trường Lào. Hơn 3 năm ở mặt trận, tôi cùng đồng đội tham gia nhiều trận đánh ác liệt, có trận đơn vị đánh liên tiếp bốn quả bộc phá, mở hàng rào ta-luy, phá trận địa pháo và hàng trăm tấn vũ khí của địch; tiêu diệt được hàng chục quân địch trong trận đánh ở đồi A1, sân bay Phu Cúm – Luông Pha Băng (Lào). Ông được cấp trên khen thưởng, phong tặng danh hiệu dũng sĩ đánh bộc phá.
Năm 1973, Ban Chỉ huy Trung đoàn điều động ông đến Tiểu đoàn 923, làm nhiệm vụ quy tập hài cốt liệt sĩ tại ba tỉnh Hủa Phăn, Xiêng Khoảng và Luông Pha Băng nước bạn Lào, với chức vụ Ðội trưởng. Lãnh đạo Bộ Tư lệnh 959 đã động viên và giao cho ông những hồ sơ, tài liệu mộ chí liệt sĩ, gồm ba nghĩa trang, với tổng cộng 411 mộ. Ông cho biết: Ở thời điểm chưa chấm dứt chiến tranh, bom, mìn, lựu đạn do địch cài bẫy còn đầy dưới lòng đất, tôi và những đồng đội của mình có thể hy sinh bất cứ lúc nào. Nhưng nhiệm vụ đặt lên vai, chúng tôi động viên nhau bằng mọi giá đưa các anh, những Anh hùng liệt sĩ trở về đất mẹ. Ðội chúng tôi tìm được hơn 2.200 hài cốt liệt sĩ, với đầy đủ danh tính để đưa về nghĩa trang liệt sĩ huyện Anh Sơn (Nghệ An) và huyện Bá Thước (Thanh Hóa).
Lật từng trang sổ ghi chép danh tính liệt sĩ, ngắm bức ảnh chụp đồng đội cũ, ông không giấu nổi cảm xúc. Hơn 15 năm nay, bằng sự nỗ lực, nghĩa tình với đồng đội và thân nhân của họ, ông đã tìm được 184 hài cốt liệt sĩ, cung cấp hơn 2.000 hồ sơ liệt sĩ cho các đơn vị chức năng.
Từ năm 2006, ông đã bàn giao toàn bộ tài liệu, sơ đồ mộ chí liệt sĩ cho đội quy tập các địa phương và hầu hết các đội quy tập đều đã đưa hài cốt liệt sĩ về nước. Nhưng ông còn day dứt, bởi ở các vùng chiến trường xưa vẫn còn nhiều liệt sĩ đang nằm lại như Pu Cúng (Luông Pha Băng) còn tám đồng chí; ngọn núi 1688 ở Noong Tham còn một trung đội bị bom vùi; hay ở Pun Choong còn 130 liệt sĩ, đội quy tập đã tìm kiếm mà chưa thấy. Nhiều đêm nằm ngủ, ông vẫn mơ thấy các đồng đội cũ… những điều đó thôi thúc ông tìm mọi cách quay lại chiến trường Lào, đưa anh em liệt sĩ trở về quê hương.
Năm 2011, hưởng ứng đợt phát động cung cấp thông tin liệt sĩ, ông Dương Mạnh Việt đã thành lập và là đội trưởng đội tình nguyện tìm mộ liệt sĩ hy sinh tại Lào. Ban đầu đội có khoảng 11 người, nhưng do điều kiện sức khỏe nên mọi người dần nghỉ hết, còn một mình ông. Từng có thời gian sống và chiến đấu tại chiến trường Lào, ông Việt thuộc địa hình, địa vật ở đây như trong lòng bàn tay. Với hành trang là chiếc ba-lô, vài bộ quần áo, mì tôm, lương khô, nước uống và một chiếc gậy, hễ nghe tin báo của người dân về mộ liệt sĩ là ông lại sẵn sàng lên đường. Cầm những tập tài liệu trên tay với những con số: tỉnh Xiêng Khoảng 14 nghìn liệt sĩ, Hủa Phăn 5.000 liệt sĩ, Luông Pha Băng 3.000 liệt sĩ, ông càng thấm thía rằng cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc tổn thất biết nhường nào.
Hiện nay, ông Việt là Trưởng ban liên lạc Quân tình nguyện và Chuyên gia quân sự Việt Nam giúp cách mạng Lào tỉnh Thái Nguyên. Cùng với hoạt động thăm hỏi, động viên nhau trong cuộc sống, nhiệm vụ của Ban liên lạc là tìm các đồng đội hy sinh mà chưa tìm thấy hài cốt. Từ năm 2006 đến nay, cựu chiến binh này đã 14 lần quay trở lại chiến trường Lào. Ông và các thành viên ban liên lạc đã tìm thấy 148 hài cốt liệt sĩ ở tỉnh Xiêng Khoảng và Hủa Phăn; thông báo cho gần 80 gia đình thân nhân liệt sĩ biết phần mộ tại nghĩa trang quốc tế Việt Nam – Lào; đưa 27 thân nhân liệt sĩ lấy mẫu giám định AND, xác định danh tính hài cốt liệt sĩ.
(Nguồn nhandan.org.vn)