Trước lúc tổ chức chuyến đi, nhiều lá đơn tình nguyện xin được vào "điểm nóng" để kề vai, sát cánh cùng đồng đội và nhân dân dập dịch. Những học viên mang cầu vai đỏ đã tạm gác lại mùa thi phía trước để lên đường vào “trận tuyến đánh giặc Covid-19".
“Trận tuyến” mới của học viên cầu vai đỏ
Những ngày này, các học viên của Học viện Quân y được phân công về khu xét nghiệm dã chiến đặt tại Trung đoàn 831 (Bộ CHQS tỉnh Bắc Giang) đã quen với nhiệm vụ ở vùng tâm dịch. Sáng 28-5, theo kế hoạch, các bác sĩ quân y tương lai tiếp tục vào “điểm nóng”, lấy mẫu xét nghiệm cho người dân. Thượng sĩ Dương Minh Hiếu, Lớp 50B đa khoa, Học viện Quân y cùng đồng đội dậy từ rất sớm. Những người lính trẻ xếp hàng theo đội hình với đầy đủ vật tư, thiết bị, nhanh chóng lên xe, nhằm xã Xuân Phú (huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang) thẳng tiến. Nơi đây, gần 800 người dân sẽ được các y, bác sĩ và học viên Học viện Quân y lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 trong ngày.
|
Tại khu vực lấy mẫu, mỗi kíp gồm 3 người nhanh chóng triển khai đội hình. Thấy Thượng sĩ Dương Minh Hiếu đang sắp đặt vị trí, vật tư để chuẩn bị tiếp nhận mẫu, chúng tôi hỏi: “Em sẽ đảm nhiệm phần việc gì?”. Hiếu trả lời: “Em sẽ phụ trách chính lấy mẫu, còn hai bạn sẽ hỗ trợ các công đoạn còn lại của kíp anh ạ!”. Khi chúng tôi tỏ ra ngạc nhiên vì một học viên chỉ mới ít ngày tham gia “tác chiến” đã được giao phụ trách chính cho một kíp lấy mẫu, Hiếu chỉ sang các kíp khác cũng đang nhanh tay chuẩn bị cho buổi tiếp nhận mẫu và nói: “Ở tổ này, các kíp của chúng em hầu hết đều là học viên. Ngày đầu, mỗi kíp có một bác sĩ trực tiếp giám sát. Nhưng bây giờ thì hơn 10 kíp tham gia lấy mẫu tại đây đều do học viên đảm nhiệm và chỉ có một bác sĩ giám sát, điều phối”. Trông chàng trai cao lớn trong bộ đồ bảo hộ trắng muốt điều phối các hoạt động của kíp lấy mẫu phục vụ phòng, chống dịch (PCD) rất chững chạc, ít ai nghĩ đây là học viên đang trên ghế giảng đường, vừa vào trận chiến đấu chống “giặc Covid-19”.
|
Ngay gần đó là kíp lấy mẫu của Thượng sĩ Nguyễn Đình Huấn, học viên Lớp 50A, Học viện Quân y. Trước đây, Huấn quen hơn với việc cầm bút nhưng giờ đây động tác lấy mẫu đã trở nên thuần thục. Khi người dân vừa ngồi vào ghế, trong bộ đồ bảo hộ kín mít, Huấn nhanh chóng dùng cử chỉ hướng dẫn vào vị trí, sau đó thực hiện các bước lấy mẫu nhẹ nhàng và dứt khoát. “Người tiếp theo!”-Huấn dõng dạc hô khi mẫu vừa lấy đã được đưa vào ống xếp ngay ngắn. Một nam thanh niên ngồi vào ghế khá lúng túng, khẩu trang đeo lệch khỏi mũi. Huấn phải dừng lại và nhắc nhở công dân chỉnh lại khẩu trang, đồng thời giảng giải cho người lấy mẫu hiểu về sự nguy hiểm của dịch Covid-19 và cách PCD của cá nhân. Kết thúc buổi lấy mẫu, chúng tôi hỏi về những lo lắng trong tham gia PCD tại tuyến đầu, Huấn cười: “Lúc mới lên vùng dịch, điều chúng em lo nhất là liệu mình có đáp ứng tốt được nhiệm vụ không. Bây giờ thì đã hết cảm giác đó rồi anh ạ!”.
Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, trước khi vào tâm dịch, Học viện Quân y đã tổ chức bồi dưỡng nghiệp vụ và kỹ năng tham gia PCD cho các học viên. Sự chuẩn bị kỹ lưỡng đó cùng với những kiến thức, kỹ năng về chuyên môn ngành y đã được học giúp các bác sĩ tương lai khá tự tin khi bước vào "chiến trường" chống dịch.
Kết thúc một ngày lấy mẫu, học viên về đến khu xét nghiệm dã chiến tại Trung đoàn 831, Thượng tá Đỗ Anh Vân, Phó hệ trưởng Hệ 4, Học viện Quân y (phụ trách bộ phận lấy mẫu và xét nghiệm của Học viện Quân y tại Trung đoàn 831) giúp các học viên chuyển đồ vào kho lưu trữ, hướng dẫn bàn giao mẫu cho bộ phận xét nghiệm. Anh nhìn các học viên của mình, mắt ánh lên niềm vui và tự hào. Thượng tá Đỗ Anh Vân “khoe” với chúng tôi: “Chỉ qua hơn 10 ngày tham gia PCD, học viên đã chững chạc hơn rất nhiều. Giữa tâm dịch, ý chí quyết tâm luôn được thể hiện rõ. Các em giờ đã thực sự là những chiến sĩ quân y vững vàng trên mặt trận chống dịch Covid-19 rồi”.
Cũng qua Thượng tá Đỗ Anh Vân, chúng tôi được biết, trong hơn 10 ngày thực hiện nhiệm vụ ở tâm dịch, tổ học viên tham gia lấy mẫu xét nghiệm tại Bắc Giang đã cùng các y, bác sĩ tại đây tiếp nhận gần 17.000 mẫu xét nghiệm Covid-19, góp phần sớm đẩy lùi dịch bệnh.
Trang nhật ký chống “giặc Covid-19”
“Hôm nay đã là ngày thứ 12, kể từ khi con nhận nhiệm vụ lên đường để sát cánh cùng đồng đội và nhân dân Bắc Giang chống dịch Covid-19. Bố mẹ ở nhà vẫn mạnh khỏe chứ? Con và đồng đội ở đây vẫn khỏe, tinh thần chống dịch của cả đoàn ngày càng quyết tâm hơn. Chú bộ đội “bé bỏng” của bố mẹ sẽ luôn xung kích trên mặt trận này. Mai kia, khi dịch dã được đẩy lùi, con sẽ lại về với bút sách, với mùa thi. Giờ con chỉ mong sao dịch nhanh chóng được đẩy lùi để cho người dân nơi đây bớt khổ! Bố mẹ hãy yên tâm và tin ở con nhé!”-Đó là những dòng nhật ký mà chúng tôi phải khơi gợi mãi, Thượng sĩ Nguyễn Minh Tuấn, học viên Lớp 50A, Học viện Quân y mới chia sẻ với chúng tôi sau bữa ăn tối nơi tâm dịch.
Tuấn kể, hôm ấy là ngày 16-5, lúc 15 giờ 30 phút, Tuấn đang ôn thi thì nhận mệnh lệnh hành quân. Sau tiếng còi báo động, đợt đầu tiên “ra trận” có 50 học viên vào tâm dịch Bắc Giang. Bầu không khí khẩn trương, nghiêm túc bao trùm cả Hệ 4. Trước đội hình quân phục chỉnh tề, nghiêm ngắn, chỉ huy hệ phổ biến nhiệm vụ tham gia PCD và lệnh điều động. Đêm đó, đoàn công tác về đến Bắc Giang. Mặc dù phải di chuyển trên đoạn đường dài nhưng Tuấn vẫn nhớ như in những đôi mắt ánh lên niềm tự hào được tham gia góp sức trên tuyến đầu chống dịch vì sự bình yên của nhân dân. Tuấn bộc bạch: “Được cùng đồng đội về hỗ trợ chính quyền và nhân dân tỉnh Bắc Giang ngăn chặn, đẩy lùi dịch bệnh, tôi sẽ nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ với mong muốn góp một phần nhỏ bé của mình để cuộc sống của đồng bào nơi đây sớm trở lại bình yên. Đó cũng là mong muốn lớn nhất của chúng tôi trong những ngày này".
Không viết nhật ký như Tuấn, Thượng sĩ Nguyễn Ngọc Hiển cùng ở Lớp 50A thường tâm sự với bố mẹ ở nhà. Khi còn ở giảng đường, thường thì mỗi tuần bố mẹ sẽ gọi cho Hiển hai lần để hỏi thăm tình hình học tập của con. Hôm Hiển lên đường về tâm dịch, bố mẹ cũng gọi điện. Hiển kể: “Ban đầu, mẹ em không tin là em đang đi PCD. Nhưng khi em chụp ảnh gửi về thì mẹ em lại tỏ ra lo lắng, dặn dò em phải rất cẩn thận phòng dịch. Còn bố em thì bảo, con cứ yên tâm cùng đồng đội đi chống dịch. Bố tin là con sẽ hoàn thành tốt nhiệm vụ thôi!”.
Nói về kỷ niệm đáng nhớ nhất từ hôm lên "chiến trường" chống dịch, Hiển cười: "Em nhớ nhất là cảm giác lần đầu mặc bộ quần áo bảo hộ phòng dịch. Buổi đầu tiên đi lấy mẫu, người sũng những mồ hôi, cơ thể lúc nào cũng cảm giác như đang trong lò xông hơi... Đúng là mặc bộ đồ “nuôi ong” như cách gọi vui của cánh học viên chúng em về bộ đồ bảo hộ này thật là vất vả. Song giờ thì chúng em hầu như đã quen với bộ đồ này rồi”.
Hỏi các học viên của Học viện Quân y về mùa thi và những dự định sắp tới, hầu như ai cũng bảo "những ngày này chúng em chỉ nghĩ đến việc chiến đấu với giặc Covid-19 thôi". Riêng Hiển nhìn tôi khảng khái: “Chúng em nghĩ rằng, dù có phải gác lại một mùa thi, thậm chí một học kỳ thì việc được đi chống dịch, được đồng hành với người dân trên tuyến đầu để góp phần đẩy lùi dịch bệnh là một bài học quý hơn bất kỳ bài học nào trên giảng đường. Khi nào hết dịch, chúng em sẽ tiếp tục quay lại với những mùa thi!”.
* Cùng với bộ phận xét nghiệm dã chiến tại tỉnh Bắc Giang, Trung tâm Xét nghiệm dã chiến Học viện Quân y tại tỉnh Bắc Ninh có hơn 20 học viên tham gia phục vụ công tác lấy mẫu và xét nghiệm. Tính đến ngày 28-5, trung tâm đã lấy hơn 14.000 mẫu bệnh phẩm; đã xét nghiệm xong hơn 16.200 mẫu (bao gồm cả hơn 4.160 mẫu do Trung tâm Y tế TP Bắc Ninh gửi về). * Ngày 28-5, tại Bắc Giang, đại diện Bộ tư lệnh Quân khu 1 đã làm việc với UBND tỉnh Bắc Giang và thống nhất triển khai cơ sở vật chất tại Bệnh viện Quân y 110 cơ sở 2 (xã Dĩnh Trì, TP Bắc Giang) để thu dung và điều trị bệnh nhân Covid-19 với 150 giường bệnh. Dự kiến sẽ hoàn thành và bắt đầu điều trị bệnh nhân Covid-19 vào ngày 30-5. |
Bài và ảnh: VĂN SƠN - SƠN HƯỚNG