Sổ BHXH - sổ an sinh
Ông Khuất Chiến Thắng, tổ dân phố 1, phường Sài Đồng, là hộ cận nghèo chia sẻ: “Trước đây tôi có đi làm và có tham gia BHXH nhưng vì công việc gia đình và không biết có chính sách BHXH tự nguyện nên rút BHXH một lần. Nay được hỗ trợ 100% trong hơn 3 năm đầu tiên, tôi có thể tham gia BHXH tự nguyên để có lương hưu, tiền tử tuất. Đây cũng là cơ hội để chúng tôi thoát nghèo bền vững, có điểm tựa an sinh khi không còn khả năng lao động”.
Chị Nguyễn Thị Hòa, hộ cận nghèo tổ dân phố 3 (phường Phúc Lợi) nói: “Tôi chưa từng nghĩ một ngày tôi được tham gia BHXH tự nguyện để có lương hưu hằng tháng khi về già”.
Kể về gia cảnh, chị Hòa cho biết, cả hai vợ chồng chị là lao động tự do, thu nhập bấp bênh, lại nuôi 4 con đang tuổi ăn, tuổi học, nên cuộc sống chồng chất khó khăn.
Chị Nguyễn Thị Hoà lần đầu lên trụ sở chính quyền nhận sổ BHXH tự nguyện.
“Tôi lần đầu tiên biết đến khái niệm về BHXH lẫn BHYT. Sau khi được giải thích tôi hiểu nôm na đây là khoản tiết kiệm để sau này có lương hưu. Cho nên tôi hiểu sổ BHXH được chính quyền trao như là một sổ tiết kiệm”, chị Nguyễn Thị Hoà chia sẻ.
Tương tự, chị Hoàng Thị Hương Giang, tổ dân phố 15 (phường Gia Thụy) cho hay, chồng chị mất sớm, hiện một mình chị nuôi 3 con nhỏ, trong đó có một con bị ảnh hưởng về sức khỏe tâm thần. Nguồn thu từ công việc bán xôi hằng ngày chỉ đủ trang trải cho các nhu cầu tối thiểu của cuộc sống. Do đó, chị Hương Giang không đủ khả năng tự trang bị cho bản thân, cuốn sổ BHXH làm điểm tựa an sinh.
Còn chị Nguyễn Thị Huế, tổ dân phố 6 (phường Đức Giang) nói trong niềm xúc động: “Chồng tôi bị tai biến phải nằm một chỗ gần 10 năm qua, nên hơn ai hết, tôi hiểu rõ việc không có nguồn thu nhập khi không còn khả năng lao động sẽ ảnh hưởng tới cuộc sống như thế nào. Đối với tôi, việc được hỗ trợ 100% mức đóng BHXH tự nguyện trong thời gian khá dài là món quà ý nghĩa, quý giá để dành cho tương lai”.
Địa phương đầu tiên hỗ trợ 100% mức đóng
Bà Trần Thị Hoài Hương, Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội quận Long Biên cho biết, trong thời gian từ ngày 1/8/2022 đến 31/12/2025, ngoài mức hỗ trợ từ ngân sách nhà nước và ngân sách thành phố (50% với thành viên hộ cận nghèo, 60% với hộ nghèo), quận Long Biên sẽ hỗ trợ toàn bộ phần còn lại cho người tham gia. Hiện tại, toàn quận không còn hộ nghèo, chỉ còn 228 hộ cận nghèo, nên đối tượng được hỗ trợ là người thuộc hộ cận nghèo, đủ điều kiện tham gia BHXH tự nguyện. Nguồn kinh phí hỗ trợ được trích từ Quỹ vì người nghèo của quận Long Biên và các phường trên địa bàn.
Để nguồn lực hỗ trợ đến đúng đối tượng, các cơ quan chức năng quận Long Biên đã tiến hành khảo sát, bước đầu xác định có khoảng 330 người đủ điều kiện thụ hưởng. Từ đó, các bên gặp gỡ với những người đủ điều kiện hỗ trợ, tuyên truyền cho họ hiểu rõ hơn về các quyền, lợi ích khi tham gia BHXH tự nguyện.
Tư vấn về BHXH tự nguyện, BHYT trên địa bàn quận Long Biên (Hà Nội).
Quy trình thực hiện chính sách hỗ trợ đã được liên ngành xây dựng với 6 bước cơ bản. Bên cạnh đó, UBND các phường có trách nhiệm chỉ đạo các bộ phận chuyên môn, đoàn thể, tổ dân phố làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền trong nhân dân, đoàn viên, hội viên. Thực hiện rà soát, hướng dẫn kê khai và lập danh sách người thuộc hộ nghèo, cận nghèo đủ điều kiện được hỗ trợ thêm tiền đóng BHXH tự nguyện. UBND quận Long Biên cũng yêu cầu các phường thường xuyên rà soát, theo dõi biến động, phát sinh về những trường hợp đã thoát nghèo, thoát cận nghèo, chuyển nơi cư trú… để kịp thời báo tăng, giảm hỗ trợ với cơ quan BHXH.
Phó Chủ tịch UBND phường Ngọc Lâm Nguyễn Văn Tiến cho biết: Ngay sau khi nhận kế hoạch 361 của quận, UBND các phường đã triển khai tuyên truyền sâu rộng tới các hộ cận nghèo và tại phường Ngọc Lâm kết quả 100% thành viên thuộc đối tượng tham gia đều vui mừng và đồng ý tham gia BHXH tự nguyện. Thời gian tới, phường sẽ tiếp tục tuyên truyền sâu rộng hơn nữa về chính sách nhân văn của BHXH tự nguyện tạo sự lan tỏa mạnh mẽ hơn nữa trong nhân dân.
Dưới góc độ thực hiện chính sách trên địa bàn Thủ đô, ông Nguyễn Đức Hoà, Giám đốc BHXH thành phố Hà Nội cho biết, quận Long Biên là địa phương đầu tiên ở Hà Nội hỗ trợ 100% mức đóng BHXH tự nguyện cho người nghèo. Điều này thể hiện sự quan tâm sát sao của cả hệ thống chính trị từ quận đến cơ sở đối với những trường hợp khó khăn, tạo điều kiện cho tất cả người dân được tiếp cận với lưới an sinh xã hội. Đó cũng là giải pháp nhằm nâng cao tỷ lệ người sau độ tuổi nghỉ hưu được hưởng lương hưu, BHXH hằng tháng, trợ cấp hưu trí, qua đó giảm gánh nặng cho ngân sách chi cho các trường hợp bảo trợ xã hội, người cao tuổi không có lương hưu, trợ cấp xã hội trong tương lai không xa.
Riêng năm 2022, UBND quận Long Biên chỉ đạo các đơn vị khẩn trương thực hiện, bảo đảm đến 31/8/2022 đạt 100% người thuộc diện hỗ trợ sẽ được tham gia BHXH tự nguyện.
Tại buổi tập huấn nghiệp vụ dành cho báo chí mới đây, lãnh đạo BHXH Việt Nam cho biết: Từ khi nâng chuẩn nghèo nông thôn từ 700.000 đồng lên 1,5 triệu đồng kéo theo tỷ lệ động đóng BHXH tự nguyện các địa phương tăng gấp đôi khiến việc phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện nhiều địa phương gặp khó khăn.
Việc các địa phương hỗ trợ thêm cho các đối tượng hộ nghèo, hộ cận nghèo sẽ mở rộng lưới an sinh tới nhóm đối tượng yếu thế.