Thuận lợi hơn khi khám chữa bệnh, nhận lương hưu
Bà Phạm Thị Liên (Đội Cấn, Hà Nội) đến khám bệnh tại bệnh viện Xanh Pôn chỉ cần mang căn cước công dân có gắn chip. Sau khi quét thẻ, nhân viên y tế đã phát phiếu khám bệnh. “Trước đây, tôi phải mang cả thẻ bảo hiểm y tế, cả căn cước công dân để làm thủ tục. Quên giấy tờ là phải về nhà lấy. Nay chỉ cần mang một loại giấy tờ là đủ. Bên cạnh đó, nếu cần xem cụ thể lịch sử khám chữa bệnh có thể nhờ con cái mở app VssID để xem”, bà Liên chia sẻ.
Kiểm tra nhận lương hưu qua tài khoản nhanh chóng.
Cũng từ tháng 7, ông Nguyễn Chương, 90 tuổi, (Nghĩa Đô, Hà Nội) nhận lương hưu qua tài khoản rất nhanh chóng. “Lúc đầu, tôi chưa quen nhưng đến tháng thứ hai này đã dần quen việc kiểm tra tài khoản trên điện thoại di động xem có lương hưu hay chưa. Tôi không phải qua Nhà văn hóa phường xếp sổ và xếp hàng lĩnh lương hưu như trước nữa”, ông Nguyễn Chương chia sẻ.
Có được kết quả nhanh chóng trên là nhờ hệ thống dữ liệu của BHXH Việt Nam được đồng bộ và kết nối với dữ liệu dân cư. Thực hiện chuyển đổi số và Đề án 06, hiện nay, BHXH Việt Nam đang duy trì hoạt động Trung tâm dữ liệu tập trung; hệ thống kênh truyền mạng WAN từ Trung ương đến BHXH cấp tỉnh, cấp huyện. BHXH Việt Nam đang triển khai 28 hệ thống phầm mềm, đảm bảo xử lý 100% quy trình nghiệp vụ của ngành trên môi trường điện tử.
Hiện toàn quốc đã có 100% cơ sở y tế triển khai khám chữa bệnh (KCB) bảo hiểm y tế (BHYT) bằng căn cước công dân (CCCD) gắn chip; với hơn 99,2 triệu lượt tra cứu thông tin thẻ BHYT bằng số định danh cá nhân hoặc CCCD thành công, phục vụ làm thủ tục KCB BHYT. Đẩy mạnh giải quyết các chế độ BHXH qua phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt, tính đến nay, trên cả nước, đã có khoảng 74% số người hưởng nhận các chế độ BHXH, trợ cấp thất nghiệp qua thẻ ATM tại khu vực đô thị, tăng 10% so với năm 2023.
BHXH Việt Nam cũng đã liên thông dữ liệu khám sức khỏe lái xe, giấy chứng sinh, giấy báo tử từ cơ sở KCB qua hạ tầng của BHXH Việt Nam. Tính đến nay, trên toàn quốc đã có 1.258 cơ sở KCB gửi trên 2,93 triệu dữ liệu giấy khám sức khỏe của lái xe; 1.707 cơ sở KCB gửi trên 1,2 triệu dữ liệu giấy chứng sinh; 659 cơ sở KCB gửi 13.400 dữ liệu giấy báo tử.
BHXH Việt Nam cũng chủ động phối hợp Bộ Y tế, Bộ Công an, UBND TP Hà Nội thí điểm liên thông dữ liệu KCB BHYT, phục vụ triển khai Sổ Sức khỏe điện tử trên địa bàn TP Hà Nội. Thống kê bước đầu cho thấy, tại Hà Nội, có 386 cơ sở y tế với trên 3,93 triệu hồ sơ được gửi lên hệ thống của BHXH Việt Nam...
BHXH Việt Nam cũng chú trọng nâng cấp, hoàn thiện ứng dụng VssID-BHXH số. Hiện toàn quốc có hơn 35,5 triệu tài khoản giao dịch điện tử, dùng để đăng nhập sử dụng ứng dụng VssID, hơn 5,5 triệu lượt sử dụng hình ảnh thẻ BHYT trên ứng dụng VssID để thực hiện các thủ tục KCB BHYT.
Cùng với đó, tích hợp trợ lý ảo được tích hợp vào Tổng đài Chăm sóc khách hàng với số điện thoại 1900.9068; qua đó, hỗ trợ người dân cấp lại mật khẩu tài khoản VssID; phối hợp với Bộ Công an triển khai sử dụng tài khoản VNeID để đăng nhập, sử dụng tài khoản VssID. Đến nay, hơn 55 triệu người dân đang có tài khoản định danh điện tử mức 2 có thể truy cập ứng dụng VssID.
Hệ thống của BHXH Việt Nam đã xác thực với cơ sở dữ liệu (CSDL) quốc gia về dân cư gần với 98 triệu thông tin nhân khẩu, trong đó có khoảng 87,6 triệu người đang tham gia, thụ hưởng BHXH BHYT, bảo hiểm thất nghiệp, đạt tỷ lệ 98,1%. Đồng thời, phối hợp tích hợp thông tin sổ BHXH trên ứng dụng VNeID, đến nay, đã có hơn 19,4 triệu lượt truy vấn thông tin sổ BHXH thành công và tích hợp lên ứng dụng VNeID.
Thực hiện cung cấp dịch vụ công (DVC) trên môi trường số, hiện nay, 100% thủ tục hành chính (TTHC) của BHXH Việt Nam đủ điều kiện đã được cung cấp DVC trực tuyến toàn trình. Các DVC này được cung cấp trên nhiều nền tảng, hình thức.
Liên kết dữ liệu
Ông Ngô Hải Phan, Cục trưởng Cục Kiểm soát TTHC (Văn phòng Chính phủ) đánh giá, BHXH Việt Nam không chỉ là đơn vị đi đầu trong công tác chuyển đổi số mà còn tạo ra những sản phẩm thật, tiện ích thật; người dân, doanh nghiệp được thụ hưởng thật.
“Nổi bật là việc thực hiện việc chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH qua tài khoản cá nhân đạt tỷ lệ cao. BHXH Việt Nam đã cung cấp rất nhiều tiện ích trên Cổng DVC quốc gia, với lượt sử dụng rất lớn của người dân và doanh nghiệp”, ông Ngô Hải Phan cho biết.
Một trong những thành công trên là do BHXH Việt Nam có nguồn dữ liệu lớn và chuẩn xác. Không chỉ phục vụ cho công việc của ngành BHXH, dữ liệu của BHXH được chia sẻ giúp ích rất nhiều trong việc hoàn thiện hồ sơ sức khỏe cấp giấy phép lái xe. Nếu không có nguồn dữ liệu này, khó mà triển khai nhanh việc đồng bộ hồ sơ như trên. “Dù còn những khó khăn nhưng BHXH Việt Nam đã quan tâm xây dựng, phát triển rất tốt hạ tầng số, dữ liệu số, đồng thời chia sẻ mạnh mẽ với các bộ, ngành, địa phương mang lại những lợi ích thiết thực, phục vụ người dân”, ông Ngô Hà Phan cho biết.
Đồng quan điểm này, ông Vũ Văn Tấn, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06 - Bộ Công an) cũng nhận định, các kết quả BHXH Việt Nam đạt được trong triển khai Đề án 06 là rất tích cực. Việc 100% cơ sở y tế triển khai KCB BHYT bằng CCCD gắn chip và tài khoản định danh điện tử mức độ 2 là một nỗ lực lớn của ngành BHXH Việt Nam và Công an các địa phương trong việc chia sẻ, đồng bộ CSDL về dân cư và CSDL về bảo hiểm.
Theo ông Vũ Văn Tấn, trong thời gian tới, BHXH Việt Nam và C06 đồng bộ nốt gần 1,6 hồ sơ dữ liệu cá nhân chưa trùng khớp để thực hiện các giao dịch điện tử liên quan đến chế độ an sinh.
Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh nhận định, thời gian qua trong công tác chuyển đổi số và triển khai Đề án 06, các kết quả nổi bật của ngành là xây dựng, phát triển được CSDL lớn, CSDL “sống”, cơ bản hoàn thiện, bao phủ hầu hết người dân, DN. Gần 100% CSDL về bảo hiểm được đồng bộ, xác thức với CSDL quốc gia về dân cư là tiền đề quan trọng công tác cải cách TTHC của ngành được triển khai mạnh mẽ, ngày càng thuận tiện, nhanh chóng. Đơn cử như việc sử dụng CCCD trong KCB BHYT trước phải mất 10 phút nay chỉ mất có 30 giây. Việc chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH qua tài khoản cá nhân thực hiện xong ngay trong ngày đầu chi trả.
“Việc chia sẻ dữ liệu giữa BHXH Việt Nam và các bộ, ngành, địa phương ngày càng kịp thời, cởi mở tạo nên CSDL dùng chung, hướng đến ứng dụng trí tuệ nhân tạo, mang lại những tiện ích ngày càng lớn cho người dân, doanh nghiệp. Bên cạnh đó, 100% quy trình nghiệp vụ, quản lý của ngành cũng được thực hiện trên môi trường số, giúp giải phóng sức lao động, nâng cao năng suất lao động, minh bạch thông tin…”, Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh cho biết.
Bên cạnh kết quả đạt được, Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh cũng chỉ ra một số khó khăn, hạn chế của ngành trong công tác chuyển đổi số, triển khai Đề án 06 như: Một số người đứng đầu chưa ý thức được trách nhiệm, cán bộ chưa có nhận thức đầy đủ về chuyển đổi số. Công tác đảm bảo an toàn thông tin tại một số đơn vị chưa thực sự được quan tâm, vẫn còn tình trạng nhận thức chưa đầy đủ, chủ quan trong việc đảm bảo an toàn thông tin. Cán bộ CNTT thiếu cả về số lượng, chất lượng; chế độ đãi ngộ cho cán bộ chuyển đổi số, CNTT còn hạn chế. Cơ sở hạ tầng của ngân hàng tại vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu, liên thông dữ liệu với BHXH Việt Nam…
Ông Nguyễn Thế Mạnh yêu cầu tiếp tục nâng cao trách nhiệm người đứng đầu trong triển khai công tác này, đảm bảo 5 rõ: Rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ kết quả, rõ thời gian. Tiếp tục nâng cao nhận thức của công chức, viên chức, người lao động về công tác chuyển đổi số, triển khai Đề án 06, phải coi đây là nhiệm vụ song hành cùng các nhiệm vụ chuyên môn. Tiếp tục xây dựng, làm giàu CSDL của ngành, đồng thời sẵn sàng chia sẻ, đồng bộ, liên thông với các bộ, ngành, địa phương, từ đó tiếp tục cắt giảm các TTHC phục vụ người dân, doanh nghiệp ngày càng tốt hơn.
Về lâu dài, theo ông Nguyễn Thế Mạnh, khi hệ thống tích hợp các biện pháp như sinh trắc học, quản lý dữ liệu, ứng dụng AI, vấn đề trục lợi BHXH sẽ giảm dần. Từ dữ liệu lớn đó, AI sẽ thống kê, phân tích, đưa ra khuyến cáo hữu ích cho bệnh nhân và ngành y tế.
Theo XM/Báo Tin tức